Tự thú của một tín đồ Hermès ở Việt Nam

Dù là thương hiệu đắt đỏ, nhưng Hermès không phải lúc nào cũng được lòng người dùng. Khách hàng vẫn thường phàn nàn về chuyện những chiếc túi này khá nặng, và kiểu dáng cứng nhắc. Ảnh: Tylershields.
Dù là thương hiệu đắt đỏ, nhưng Hermès không phải lúc nào cũng được lòng người dùng. Khách hàng vẫn thường phàn nàn về chuyện những chiếc túi này khá nặng, và kiểu dáng cứng nhắc. Ảnh: Tylershields.
Dù sở hữu những sản phẩm tiền tỷ của Hermès, nhưng một nữ khách hàng Hà Nội cho rằng, dùng túi vài chục ngàn USD của hãng thực tế không khác nhiều so với sản phẩm chỉ vài trăm USD.

Điều gì làm nên đẳng cấp Hermès trong mắt người dùng?

Sở hữu trong tay một loạt những chiếc túi của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Hermès, LV, Chanel, Dior…, chị K.T, một tín đồ hàng hiệu tại Hà Nội cho biết, bản thân đánh giá rất cao chất liệu và cách tạo nên thương hiệu của những chiếc túi Hermès. 

“Một chiếc túi Hermès 15.000 USD khi sử dụng cũng chẳng khác gì một sản phẩm có giá 200 - 300 USD của Louis Vuitton, nhưng nhiều điều khiến nó trở nên đặc biệt hơn”, chị K.T thú nhận. 

“Thứ làm nên đẳng cấp thực sự của một người sở hữu những chiếc túi này là việc bạn có thể chen chân để có mặt trong danh sách đặt hàng của Hermès: nhờ quan hệ, hay nhờ chính tiềm lực kinh tế của người mua”.

Chị kể, về nguyên tắc, ở các cửa hàng Hermès hầu như không trưng bày các mặt hàng túi da, chưa kể đến những dòng sản phẩm cao cấp như túi Birkin và Kelly. Đây là cách thức bán hàng của các nhà phân phối Hermès, không giới hạn là thị trường Việt Nam, Nhật Bản hay châu Âu. 

“Tuy nhiên, có một nơi mà những người thích túi Hermès có thể mua ngay được, đó là tại thị trường Nhật. Ở đây, những chiếc túi được bán với giá đắt hơn ở những nơi khác 30 - 40%, nhưng lại có nhiều hàng. Trung bình với Hermès, thời gian đặt một chiếc túi nhanh nhất sẽ là 6 tháng, còn thông thường là khoảng 1 năm”.

Thời gian cho một chiếc túi Hermès lâu như vậy có nguyên nhân ở cả hai phía gồm hãng và khách hàng. Với hãng, một năm, mỗi cửa hàng chỉ được nhận một số lượng túi nhất định, tùy theo doanh số đạt được. Ví như trong cửa hàng Hermès có sản phẩm mới về, nhưng không theo đúng ý của khách hàng, thì khách lại phải tiếp tục chờ. 

“Mỗi cửa hàng sẽ được cấp một số lượng túi nhất định, màu sắc, kích cỡ không báo trước. Chỉ đến khi hàng về thì nhân viên mới biết mình sẽ có gì để bán cho khách hàng. Vì vậy, đôi khi có túi Hermès, nhân viên gọi điện cho khách đến lấy, nhưng không hợp màu, kiểu dáng hay cách thuộc da (cứng hoặc mềm), thì khách cũng từ chối lấy hàng”, tín đồ của dòng túi xa xỉ này hé lộ.

Riêng đối với Hermès, một chiếc túi hoàn hảo là không có đường cắt da, may thủ công và được làm từ những chất liệu hàng đầu. Điều đó có nghĩa là nếu muốn làm một chiếc túi Hermès cỡ 42 cm thì hãng phải có một miếng da nguyên với chiều dài chừng 1 m. Để đạt được kích cỡ này, các trại nuôi của Hermès sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể cung cấp được loại da đủ tiêu chuẩn. Và việc này cũng khiến những chiếc túi da trăn, da cá sấu của hãng có mức giá đắt đỏ, còn khách hàng phải ghi tên trên một danh sách dài chờ đợi, với rất nhiều may mắn mới nhận được đúng món đồ mà mình yêu cầu.

Hermès sinh ra không phải để bán xách tay?

Nữ khách hàng người Việt khẳng định, gần như không có mối hàng xách tay nào có thể tự túc nguồn cung loại hàng này. Một phần vì nó quá đắt, phần khác do người mua quá khó tính. Nhưng cũng không hẳn việc sở hữu túi Hermès là bài toán không thể giải với những người không thể chen chân trong danh sách chờ đợi hàng của hãng.

“Đôi khi thị trường sẽ có hàng chờ khách, ví như một người đặt túi nhưng đến khi nhận hàng lại không có đủ tiền để chi trả ngay lập tức cho sản phẩm đó, thì có thể bán lại. Hay một người dùng loại túi A đã chán, muốn tìm người có sản phẩm tương tự mẫu mã B, thì họ có thể đổi cho nhau. Nhưng đó không phải là cách mà tôi vẫn làm. Vì với tôi, một chiếc túi đã mua là thích. Dù không dùng tôi vẫn để đó chứ không mang bán bao giờ”, chị tiết lộ.

Thực tế, những chiếc túi của Hermès bao giờ cũng bán được giá trên thị trường. Thậm chí, mỗi năm, giá túi của Hermès đều tăng 15%, nên những chiếc túi đã qua sử dụng vẫn có thể được bán bằng giá mua ban đầu, thậm chí còn có lãi nếu gặp được người đang săn mua. 

“Hầu hết những vụ mua bán qua tay này đều thông qua người quen, chứ ít có ai nhìn hóa đơn để nhận hàng lắm. Hóa đơn có thể in giả được, nên nó không thể được xem là bằng chứng quan trọng nhất để định giá một chiếc túi Hermès. Đó là còn chưa kể đến việc Hermès sẽ định giá túi tùy vào loại da, kích cỡ, cách thuộc da và màu sắc mà khách hàng đặt, chứ không định giá trên catalog”.

“Màu hiếm” nghĩa là gì?

Trong thế giới của những chiếc túi hàng hiệu, thuật ngữ “màu hiếm” được sử dụng khá phổ biến. Với Hermès, bên cạnh những chiếc túi được làm bằng loại da đặc biệt, như da cá sấu bạch tạng, “màu hiếm” trở thành điểm lý do để giá của các sản phẩm của hãng càng trở nên đắt đỏ qua thời gian. Thế nhưng, thực tế, sự hiếm có này không phải là chủ ý của chính Hermès, mà đến từ nhu cầu của người sử dụng.

Mỗi năm, số lượng túi Hermès theo màu được cố định bằng một con số cụ thể. Thế nhưng, nhu cầu của người dùng lại rất khác biệt. Ví như màu hồng, xanh hay cam của Hermès lại bán chạy hơn hẳn những màu khác. 

"Lấy ví dụ, một năm chỉ có 1.000 chiếc túi màu cam được sản xuất, nhưng số lượng người đặt hàng lại lớn hơn nhiều, mà bản thân hãng cũng không nhận làm thêm, nên nó trở thành màu hiếm. Hoặc cửa hàng tại Việt Nam không được phân bổ túi màu hồng, nhưng nhiều người lại ưa thích màu sắc này này, thì nó cũng trở thành hàng hiếm, và phải kiếm tìm ở những thị trường khác, như Pháp, hay Nhật Bản" là chia sẻ của tín đồ túi Hermès về khái niệm màu hiếm.

Những khách hàng thích sử dụng túi Hermès nhưng không muốn gây sự chú ý thường chọn một phiên bản ít nổi tiếng hơn của dòng sản phẩm này, đó là những chiếc túi shoulder (túi khoác vai). 

"Không gây sự chú ý, mang vẻ đẹp cổ điển, giản dị, có thể mua sẵn tại cửa hàng là điều mà một chiếc túi shoulder mang đến cho người dùng, thay vì chạy theo Birkin hay Kelly", chị K.T nói.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG