Từ khách sạn xa hoa tới nhà tù khét tiếng

Từ khách sạn xa hoa tới nhà tù khét tiếng
TP - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn - chính khách cao cấp, vốn quen sống trong phòng đặc biệt của khách sạn xa hoa và ngồi ghế hạng nhất trên máy bay, giờ phải ở trong phòng giam của nhà tù Rikers ở New York, Mỹ.

Tổng Giám đốc IMF:

Từ khách sạn xa hoa tới nhà tù khét tiếng

Tổng Giám đốc IMF đối mặt bản án 74 năm tù

Biệt giam

Sau khi bị các thẩm phán Mỹ bác đơn xin nộp 1 triệu USD tiền bảo lãnh tại ngoại, ngày 17-5, ông Strauss Kahn, 62 tuổi, bị đưa đến tạm giam trong phòng đặc biệt của nhà tù trên đảo Rikers. Các thẩm phán cũng lên lịch cho ông Strauss Kahn ra hầu tòa phiên đầu tiên vào ngày 20-5 về hành vi cưỡng bức tình dục đối với cô hầu phòng khách sạn Sofitel ở New York và về một số lời buộc tội khác.

Nhà tù Rikers là một tổ hợp nhiều nhà giam phạm nhân và nghi can phạm tội hình sự nghiêm trọng, được xây dựng trên đảo Rikers gần sân bay LaGuardia. Đảo rộng 168 ha, có 10 khối nhà chuyên giam nghi phạm tội hình sự chờ ngày ra tòa và tù nhân có án tù ngắn hạn.

Từ những năm 1930, nhà tù Rikers đã khét tiếng là nơi nguy hiểm, ồn ào và khắc nghiệt đối với người bị giam giữ. Số lượng người bị giam vào khoảng 11.000.

Luật sư bào chữa nổi tiếng Mỹ Gerald Lefcourt nói rằng, tại nhà tù Rikers, thức ăn cho người bị giam giữ rất tồi tệ. Người trước khi bị tống giam càng nổi tiếng bao nhiêu khi vào nhà giam ở Rikers càng nguy hiểm về thể xác bấy nhiêu. Những tay đại bàng cùng phòng giam thích đánh đập, tra tấn bạn tù nổi tiếng ngoài đời.

Cánh cửa phòng giam làm bằng những thanh sắt lớn chắc chắn, mỗi khi mở hoặc đóng đều tạo ra những tiếng kêu ghê răng. Trước khi nhập khám ở Rikers, người bị giam được giám thị nhà tù đánh giá quá trình phạm tội nhằm xác định họ thuộc nhóm tội phạm có tổ chức nào.

Giám thị soi từng vết xăm trổ trên cơ thể phạm nhân cũng như những dấu vết khác để phân loại thành viên các nhóm mafia. Sau đó, giám thị xác định mức độ rủi ro về an ninh đối với từng can phạm. Những người được xác định thuộc nhóm có rủi ro thấp về an ninh sẽ được giam chung trong một phòng khoảng 10 người.

Dẫn giải phạm nhân trong nhà tù Rikers Ảnh: News One
Dẫn giải phạm nhân trong nhà tù Rikers Ảnh: News One.

Nhà tù Rikers xác định ông Strauss Kahn là đối tượng rủi ro cao về an ninh vì trước khi bị bắt ông là quan chức cao cấp của IMF nên dễ bị bạn tù tấn công, hành hạ. Do vậy, ông được giam trong phòng riêng và giám sát suốt 24 tiếng trong ngày, chủ yếu để bảo vệ ông khỏi bị bạn tù xấu hành hạ.

Ông được mặc thường phục, được mang theo sách vào phòng giam và đọc báo hằng ngày. Mỗi sáng, ông bị đánh thức lúc 6 giờ và có một tiếng mỗi ngày để rèn luyện thân thể.

Các phòng giam chung đều có máy thu hình. Bữa ăn gồm một chút thịt, rau và nhiều đồ ăn giàu tinh bột để người bị giam ăn thêm khỏi đói. Nhà tù Rikers bị nhiều người ghét và khiếp sợ vì đây là nhà tù vào loại rất lớn ở Mỹ.

Những người bị giam ở đây hầu hết có tương lai không chắc chắn; bạn tù khét tiếng tàn bạo. Nhà tù được nhiều người trên thế giới biết tới còn do các nhà đạo diễn phim hành động truyền hình khi làm phim hình sự và phóng sự thường đến đây quay bối cảnh.

Bị hại năm 2002 tái khởi kiện?

Luật sư của nữ tiểu thuyết gia Pháp Tristane Banon cho biết, thân chủ của ông nhiều khả năng trong vài ngày tới sẽ tái khởi kiện hành vi cưỡng bức tình dục của ông Strauss Kahn cách đây 9 năm đối với bà. Bà Banon, 31 tuổi, trong một cuộc trao đổi trên truyền hình Pháp năm 2007, lần đầu tiên tiết lộ rằng, năm 2002 khi đến phỏng vấn ông Strauss Kahn để lấy tư liệu viết sách, bà bị ông này cưỡng bức tình dục bất thành.

Bà nói rằng, ông Strauss Kahn khi đó giật mạnh làm bật tung áo ngực của bà rồi cố gắng mở khóa quần jeans bà đang mặc với mục đích cưỡng hiếp.

Luật sư của bà Banon cho biết, thời gian đó, thân chủ của ông không kiện ông Strauss Kahn vì mẹ bà thuyết phục bà không làm ồn ào sự vụ. Mẹ của bà Banon khi đó là một cán bộ cốt cán trong đảng Xã hội Pháp của ông Strauss Kahn.

Ông Strauss Kahn thừa nhận trước báo chí Pháp rằng ông là người thích phụ nữ nhưng phủ nhận mọi lời cáo buộc ông cưỡng bức tình dục.

Ông kết hôn với bà Anne Sinclair - phóng viên nổi tiếng của truyền hình TF1 Pháp. Ông bà có 4 người con và sống khá hòa thuận. Khi nghe tin ông Strauss Kahn bị cảnh sát New York bắt vì tội cưỡng bức tình dục, bà Anne Sinclair, bạn bè và các luật sư của ông không tin đó là sự thật.

Thông cáo báo chí của IMF năm 2007 cho biết, do đảm nhận chức Tổng Giám đốc IMF, lương của ông Strauss Kahn mỗi năm là 420.930 USD và ông được miễn hoàn toàn thuế thu nhập. Ngoài ra, ông được nhận khoản tiền sinh hoạt phí mỗi năm 75.350 USD. Báo chí Pháp nói rằng, vợ chồng ông Strauss Kahn sở hữu nhiều bất động sản giá trị lớn gồm một căn hộ 6 phòng ở Paris, một căn hộ rộng 240 m2 trong tòa nhà sang trọng Place des Vosges, một ngôi nhà ở Marrakech và một một ngôi nhà ở Washington, Mỹ.

Thân thế và sự nghiệp

Ông Strauss Kahn sinh ngày 25-4-1949 tại quận Neuilly sur-Seine, Hauts-de-Seine giàu có ở ngoại ô Paris, Pháp. Cha của ông làm nghề cố vấn về thuế và pháp luật, mẹ của ông là nhà báo Tunisia gốc Nga.

Thủa nhỏ, ông theo cha mẹ tới định cư ở Marốc năm 1951, sau đó do tại đây xảy ra trận động đất lớn nên gia đình chuyển tới sống ở Monaco, nơi Strauss Kahn bắt đầu học tiểu học.

Strauss Kahn từng thi vào Viện Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) nhưng không đỗ. Tuy nhiên, ông có bằng cử nhân luật công cộng và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Paris 10 (Nanterre).

Năm 1977, ông trở thành giáo sư dạy ở ĐH Nancy 2 trong hai năm sau đó chuyển sang dạy ở Đại học Nanterre và ENA. Ông được phong học hàm giáo sư về kinh tế học vĩ mô và vi mô.

Ông Strauss Kahn từng làm việc tại Bộ Công nghiệp Pháp, là bạn của Thủ tướng Lionel Jospin. Năm 1988, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Tài chính trong Quốc hội Pháp, nổi tiếng bởi những cuộc tranh luận với Bộ trưởng Tài chính ngày đó là Pierre Beregovoy.

Từ năm 1991-1993, ông giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại. Năm 1997, ông được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế.

Cuối năm 2007, ông trở thành Tổng Giám đốc IMF. Ngày 15-5, ông bị cảnh sát New York bắt giam vì những cáo buộc ông cưỡng bức tình dục bất thành đối với người hầu phòng ở khách sạn Sofitel gần Quảng trường Thời Đại.

Một ngày sau, IMF bổ nhiệm nhân vật số 2 của quỹ làm quyền tổng giám đốc, trong khi một số chính khách châu Âu nói ông nên từ chức để IMF khỏi mang tiếng.

Nguyễn Đại Phượng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.