> Trông giữ xe tại Hà Nội: Bất lực trước nạn chặt chém
> Xử lý 15 điểm trông giữ xe vi phạm
Tôi rất đồng tình cách đặt vấn đề của Tiền Phong. Thực ra, Tran Hung John nói vậy ai cũng biết là “vơ đũa cả nắm”. Trong cộng đồng, có người tốt, người xấu; người sáng tạo, người thụ động… Hơn nữa, phản bác ý kiến anh này chẳng có gì khó. Tôi nghĩ, những ý kiến trên diễn đàn như của Anh hùng Phạm Tuân là quá đủ.
Hai hình ảnh thú rừng bị xẻ thịt và chèo kéo khi qua Suối Yến khiến tác giả Mỹ Vân ấn tượng đến bây giờ. |
Nhân diễn đàn này, tôi xin kể một chuyện nhỏ - câu chuyện đã khiến tôi xấu hổ, lúng túng trước những câu hỏi của bạn bè nước ngoài.
Mùa xuân năm 2012, tôi đưa các bạn học với tôi ở nước ngoài, chủ yếu là người Úc đi chùa Hương. Vừa đến, thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, hò hét… như mổ bò, bạn bè tôi đã ngạc nhiên khiến tôi phải trả lời không biết bao nhiêu câu hỏi. Chúng tôi thuê một con thuyền qua sông. Tôi được những người có kinh nghiệm khuyên làm giá thật chặt, tránh cãi nhau giữa chừng. Chúng tôi thống nhất giá và hai bên vui vẻ.
Thế nhưng, qua sông, khi trả tiền, chị lái đò cùng với một số người nữa kì kèo, đưa ra các lý do không đâu vào đâu để đòi thêm tiền. Mấy người bạn của tôi bước đi, cô lái đò và mấy anh nữa chạy theo lôi tay, giật vai, quắc mắt rất mất lịch sự. Nói thế nào họ cũng không tha, “dai như đỉa”. Tôi giải thích nhưng họ vẫn hùng hổ bắt bạn tôi trả thêm tiền.
Tôi nói: “Chỉ vì mấy đồng mà chị và các anh chèo kéo người ta thế coi sao được. Cũng chỉ vì mấy đồng đó mà mấy người khách nước ngoài sẽ không quay lại đây nữa đâu. Cũng chỉ vì mấy đồng đó mà khi về nước người ta sẽ kể cho bạn bè nghe, hình dung về Việt Nam rất không tốt. Chị đứng ra đây, bao nhiêu tôi trả…”. Chị ta chẳng quan tâm điều tôi nói, nhìn hằm hằm rồi đưa tay lấy tiền, đi mất.
Tôi rất ức chế, không phải vì mất tiền, mà vì cách hành xử của chị kia. Tôi phải uốn ba tấc lưỡi giải thích cho mấy người bạn ngoại quốc là hành động của chị này là bột phát, là số ít, vân vân và vân vân.
Chúng tôi đi đâu cũng bị hét giá. Đến mức chẳng dám mua thứ gì nữa. Mệt nhoài, cả bọn đến quán ăn (nghĩ là ăn chay). Nhìn cảnh mấy con thú bị lột da, xẻo thịt, cắt đầu, cắt chân… treo lủng lẳng thê thảm ở chốn linh thiêng, mấy bạn nước ngoài của tôi mắt tròn mắt dẹt. Họ bắt đầu “tra tấn” tôi bằng hàng loạt câu hỏi. Tôi giải thích bao nhiêu cũng không thể thuyết phục…
Chuyến đi kết thúc trong nỗi buồn bực của cả tôi và mấy người bạn. Khi về nhà tôi kể cho người thân, bạn bè. Tất cả nghe xong đều bức xúc và phản ứng, coi đó là hành động làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam và khẳng định, ở các điểm du lịch nơi tiếp xúc nhiều với người nước ngoài cảnh tượng mà tôi kể diễn ra không ít.
Nếu tư duy làm ăn “chụp giật” kiểu này, suy nghĩ nhỏ lẻ kiểu này mà sáng tạo, dẫn đường, mở lối thì sẽ đi đến đâu? Sáng tạo nhỏ lẻ của vài cá nhân chỉ là đốm sáng đơn lẻ, “một cánh én không làm nên mùa xuân”.
Sáng tạo kiểu này ở ta khá nhiều. Cái cần cho cộng đồng, cho xã hội là sáng tạo của mỗi cá nhân phải bắt nguồn từ một nền tảng gia đình, nền tảng giáo dục, nền tảng xã hội vững chắc. Từ sáng tạo cá nhân thắp sáng thành sáng tạo cả cộng đồng. Như thế mới có những sáng tạo bền vững, lan tỏa, hữu ích cho gia đình, xã hội.
Ông cha ta vẫn ghét cái kiểu, khôn lỏi, khôn vặt chính là thế, vì nó chỉ mang tính cá nhân, nhất thời. Nếu có nền tảng tốt chắc chắn cô lái đò đã không vì những đồng tiền nhỏ mà “đuổi” cả chục khách nước ngoài, làm xấu xí hình ảnh quê hương, đất nước mình. Tôi nghĩ, Tran Hung John cũng chỉ vì nhìn thấy mấy cảnh nhỏ lẻ đáng buồn mà quy kết chúng ta như vậy. Đây cũng là một thực tế đáng buồn!
Mỗi chúng ta - đang đi học, buôn bán, kinh doanh hay đang làm quan chức nhìn lại mình xem có “chút gì” của chị lái đò chèo kéo khách, anh bán quán ăn xẻ thịt thú rừng nơi cửa chùa không. Nếu có thì hãy từ bỏ trước khi nghĩ đến chuyện sáng tạo, dẫn đường. |
Mỹ Vân
Cựu du học sinh ở Úc