Từ cử tuyển đến sinh viên xuất sắc

Từ cử tuyển đến sinh viên xuất sắc
Coor Toàn - cô sinh viên năm cuối khoa chăn nuôi thú y Trường ĐH Tây nguyên - là sinh viên người dân tộc Kơ Tu được nêu tên tại lễ tuyên dương học sinh - sinh viên xuất sắc tại trường này sáng 8-12.

Từ cử tuyển đến sinh viên xuất sắc

Coor Toàn - cô sinh viên năm cuối khoa chăn nuôi thú y Trường ĐH Tây nguyên - là sinh viên người dân tộc Kơ Tu được nêu tên tại lễ tuyên dương học sinh - sinh viên xuất sắc tại trường này sáng 8-12.

Coor Toàn - cô sinh viên người Kơ Tu xuất sắc tại Đại học Tây nguyên. Ảnh: B.D.
Coor Toàn - cô sinh viên người Kơ Tu xuất sắc tại Đại học Tây nguyên. Ảnh: B.D..

Điều đặc biệt, trong 41 sinh viên xuất sắc về kết quả học tập và phong trào Đoàn của ĐH Tây nguyên được tuyên dương năm nay, Toàn là người vào đại học không qua thi tuyển mà đi học theo hệ đào tạo cán bộ về phục vụ địa phương (gọi tắt là cử tuyển).

“Quê mình nằm ở huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, thuộc thôn Pă Lanh, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Mình là người dân tộc Kơ Tu và cũng là cán bộ tương lai chuyên ngành thú y có bằng đại học sau khi tốt nghiệp ra trường” - Coor Toàn tâm sự như thế tại lễ tuyên dương.

Toàn cho biết nơi mình ở cuộc sống của bà con người Kơ Tu còn rất nghèo, chủ yếu là làm lúa và trồng mì nên mức sống được cải thiện khá chậm. Là người được cha mẹ đầu tư cho theo học nên từ nhỏ Toàn luôn đau đáu ước mơ một ngày kia được về lại thôn Pă Lanh giúp người dân.

“Mình nghĩ nếu chỉ dựa vào trồng lúa và trồng mì thì bà con chỉ đủ cái ăn chứ khó khá giả lên được. Quê mình đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn dồi dào nên nếu chọn chăn nuôi sẽ rất phát triển, nhưng khổ nỗi bà con nhận thức còn thấp, năm nào cũng xảy ra dịch bệnh khiến vật nuôi cứ thế mà teo tóp dần, quê nghèo đi là vì thế” - Coor Toàn nói.

Học xong ba năm trong trường nội trú của huyện Nam Giang, Coor Toàn cho biết khi biết mình được cử tuyển vào Trường đại học Tây nguyên để đào tạo cán bộ nguồn, một cán bộ đã hỏi Toàn quyết định chọn ngành gì.

Lúc này Toàn đã không ngần ngại đăng ký vào học ngành chăn nuôi thú y với ấp ủ sẽ là cán bộ thú y về hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Là sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số được vào học theo hệ cử tuyển, Toàn đặt quyết tâm sẽ học bứt phá và giành điểm số xuất sắc.

Quyết tâm đó đã trở thành hiện thực khi bốn năm liên tiếp Coor Toàn luôn đứng nhất nhì về kết quả học tập của lớp: ba năm liên tiếp giành học bổng, kết quả học tập năm thứ ba hệ tín chỉ Toàn đạt mức 3,45 trung bình năm (thang điểm cao nhất là 4) - đạt sinh viên xuất sắc. “Trong lớp mình có nhiều bạn học rất khá, điểm thi đầu vào cao nên mới vào học mình cũng hơi “ngợp”, nhưng do yêu thích ngành đã theo đuổi nên mình đặt quyết tâm rất cao để học” - Toàn nói.

Coor Toàn cho biết trong quá trình học được nghe các thầy cô và bạn bè kể về các mô hình chăn nuôi, cách phòng tránh bệnh cho đàn gia súc gia cầm nên rất thích thú. Những lúc được nghỉ về quê, Toàn lại đem kiến thức khoa học này về hướng dẫn bà con và tìm cơ hội theo cán bộ thú y của xã đi tiêm chủng phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

“Học xong mình sẽ trở về địa phương làm việc và tìm cơ hội gầy dựng trang trại chăn nuôi, làm giàu bằng chính ngành học của mình, có thể mình sẽ là... chủ trang trại heo” - Coor Toàn nói.

“Trường hợp như thế là hiếm”

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui - hiệu trưởng Trường đại học Tây nguyên - cho biết sinh viên theo học hệ cử tuyển ít trường hợp học lực đạt loại giỏi, nếu có thì số sinh viên này chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, nguồn gốc ở các tỉnh phía Bắc, còn sinh viên các tỉnh Tây nguyên hiếm hơn. “Mỗi năm trường cũng có một vài trường hợp chứ không nhiều, tôi thấy sinh viên cử tuyển mà đạt mức học 3,45 là rất hiếm và phải cố gắng nỗ lực rất nhiều” - ông Vui nói.

Thầy Lương Huỳnh Việt Thắng - giảng viên khoa chăn nuôi thú y Trường đại học Tây nguyên - cho biết thông thường sinh viên vào học hệ cử tuyển đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học thua thiệt nên sức học nhìn chung còn thấp. Cũng theo thầy Thắng, trường hợp của Coor Toàn dù không phải quá hiếm nhưng là câu chuyện về tấm gương học tập rất đáng ghi nhận, điểm trung bình năm đối với sinh viên cử tuyển ở mức 3,45 là rất cao. “Sức học như vậy là giỏi và thông thường ở khoa mình cũng hiếm khi có trường hợp như thế” - thầy Thắng nói.

Theo Thái Bá Dũng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG