Tự chủ đại học vừa làm vừa run

PGS. Phan Thị Bích Nguyệt
PGS. Phan Thị Bích Nguyệt
TP - Sau một thời gian thí điểm, khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực từ tháng 7 tới, hầu hết các trường công lập sẽ thực hiện tự chủ đại học. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, để mô hình này thực sự mang lại hiệu quả, rất cần thiết phải sớm sửa đổi các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.

Muốn xin rút vì luật không đồng nhất

Ngày 19/3, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo về cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Tại cuộc hội thảo này, nhiều lãnh đạo các trường đại học trong diện thí điểm tự chủ đã nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. PGS. Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, tự chủ đại học là hướng đi đúng, nhưng cái khó cũng luôn hiện hữu trong quá trình thực hiện, phải vượt qua hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác.

“Cái khó là, nếu làm đúng tất cả các luật thì việc thực hiện tự chủ không thực hiện được. Còn nếu vượt luật, án tại hồ sơ, chúng tôi sẽ bị kiến nghị xử lý. Đã có lần tôi phát biểu, nếu không sửa đổi luật thì chúng tôi xin rút khỏi tự chủ. Chúng ta phải cởi mở hơn trong việc làm luật, phải có góc nhìn phù hợp để các trường thực hiện dễ dàng hơn”, bà Nguyệt kiến nghị.

Chia sẻ những khó khăn vướng mắc này, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, đúng là án tại hồ sơ, nhưng việc kiến nghị xử lý về tài chính cũng rất khó. Hay với cơ chế đãi ngộ hiện nay, dù đã linh động nhưng cũng khó giữ chân được người tài.

Có cùng băn khoăn, PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2017, trường này đã bị kéo đi hàng chục người cực kỳ xuất sắc. “Nhưng đây là cuộc chơi, chúng tôi phải chấp nhận vì không thể trả được mức lương 100 - 150 triệu đồng/tháng. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ cho chúng ta”, ông Tớp nói.

Mỗi lần ký duyệt đều rất run

Theo TS. Trần Văn Tớp, khi tự chủ thì toàn bộ khoản chi thường xuyên 120 tỷ đồng/năm bị cắt. Nhưng điều ông lo ngại là những khó khăn về cơ chế chính sách, vấn đề về bộ chủ quản. Bởi nhiều quy trình thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư vẫn phải xin ý kiến bộ chủ quản, mất thời gian, tạo thêm công việc cho cấp trên và vướng cho cấp dưới. Ông đề nghị cần phân cấp rộng cho đơn vị tự chủ, đặc biệt với những trường tự chủ hoàn toàn.

Liên quan đến việc trao quyền tự chủ về học phí cho các trường, nhiều người lo ngại khi đó học phí sẽ tăng phi mã. Nhưng vị Phó hiệu trưởng này không nghĩ vậy, bởi nếu tăng học phí mà không tăng chất lượng đào tạo, không đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ không thu hút được người học.

PGS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng là một đại biểu Quốc hội ấn nút khi thông qua Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 nêu ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến nguồn thu, học phí, cơ chế đầu tư cũng như vấn đề trách nhiệm.

“Ông hiệu trưởng muốn đầu tư hiện đại, hoành tráng. Ông ấy không tham ô, không đầu tư lãng phí, nhưng khai thác không hết công suất dẫn đến kém hiệu quả thì có xử lý không, xử lý theo chế tài nào? Nếu bộ máy của trường cồng kềnh thì ai quản lý, giám sát vì tiền nuôi bộ máy lấy từ học phí do người học đóng góp chứ không phải là tiền ngân sách nhà nước? Mỗi lần ký duyệt chi hay làm gì đấy rất run, không biết đúng sai thế nào vì không có cơ sở” Ông Cường nêu

MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.