Từ chiếc lốp cũ trồng đầy hoa đến vòng tuần hoàn xanh

Cán bộ, công nhân viên trang trại TH dùng bao đựng thức ăn cho bò may thành các túi xách độc đáo
Cán bộ, công nhân viên trang trại TH dùng bao đựng thức ăn cho bò may thành các túi xách độc đáo
TP - Tập đoàn TH là trường hợp lạ ở Việt Nam, thậm chí cả thế giới. TH xuất hiện, lập tức, tạo bước đột phá cho ngành sữa, tiến thẳng vào những dự án lớn, ngành hàng mới bằng công nghệ tối tân, đĩnh đạc hiện diện tại diễn đàn quốc tế. Hiện nay, ở TH, không chỉ là tiến nhanh, tiến thẳng mà còn là những bước đi vòng tròn theo xu hướng kinh tế tuần hoàn của tương lai…

Ủng, lốp cũ làm chậu hoa; vỏ hộp sữa thành tấm lợp

 Những lần đến trang trại TH ở Nghệ An, chúng tôi hay để ý đến những chi tiết lặt vặt như chiếc ủng cũ được người ta sơn xanh, đỏ, vàng rồi trồng vào đấy những loại hoa sặc sỡ, treo ở hàng rào, lối đi. Những chiếc lốp ôtô cũ (thường là cỡ lớn từ máy nông nghiệp) được chồng lên nhau hoặc dựa vào tường thành những bồn hoa. Có chỗ, lốp được kết hợp với thùng phuy thành mô hình ôtô ngộ nghĩnh. Gỗ từ thùng, kệ hàng cũng được tận dụng đóng thành chuồng chim, giá sách, giá dày dép hình con bò.

Anh Vương Quốc Hạnh phụ trách nhà máy phân vi sinh được giao tập hợp các chương trình, ý tưởng sáng tạo tại trang trại TH cho hay: Việc tái sử dụng những sản phẩm cũ, hỏng được thực hiện thường xuyên, có phát động, chấm điểm, trao giải. Trong đó, có nhiều chương trình quy mô lớn. “Năm 2019 có gần 500 chiếc túi được may từ bao bì đựng thức ăn cho bò được trao tặng. Mọi người hân hoan đón nhận và thay đổi dần thói quen sử dụng túi ni lông. Tuy chỉ là một dự án nhỏ, nội bộ nhưng tác động lớn tới cán bộ nhân viên của Tập đoàn, cộng đồng địa phương và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác là các tập đoàn nổi tiếng như Alltech (Mỹ) và CCPA (Pháp)” - anh Hạnh nói.

Từ chiếc lốp cũ trồng đầy hoa đến vòng tuần hoàn xanh ảnh 1 Những chiếc lốp cũ được làm thành bồn hoa trong trang trại TH

Một hộp sữa gồm có nhôm, giấy, nhựa và màng PE; nếu không xử lý sẽ là một nguồn rác không hề nhỏ. Hiện, Tập đoàn kết hợp với công ty Tetra Pak và công ty Giấy Đồng Tiến (tỉnh Bình Dương) để tái chế. Hỗn hợp nhôm, nhựa và màng PE được làm thành tấm lợp sinh thái. Phần bột giấy được tách riêng làm thành sổ, hộp quà, thiệp… Năm 2019, dự án đạt sản lượng 500kg/ngày, tương đương 182.500 kg/năm. Tập đoàn TH đặt mục tiêu, năm 2030 sẽ không còn vỏ hộp sữa TH true MILK thải ra môi trường. TH cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống hút sữa và thìa sữa chua làm từ nhựa sinh học có nguồn gốc thực vật, thay thế cho nhựa dùng một lần.

Mô hình tuần hoàn xanh

 Kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới du nhập vào nước ta, dùng để chỉ việc sử dụng phế thải, sản phẩm phụ của công đoạn trước làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn sau. Khác với mô hình tuyến tính hiện nay (tài nguyên chỉ di chuyển từ khai thác đến sản xuất rồi vất bỏ sau tiêu thụ), kinh tế tuần hoàn là mô hình xanh, bền vững mà thế giới đang hướng đến.

Việc tận dụng ủng, lốp cũ hay vỏ hộp sữa nêu trên chỉ là một khâu nhỏ của quá trình tuần hoàn. Ở TH, nhiều vòng tròn tuần hoàn đã hình thành đầy đủ, điển hình nhất là khâu xử lý phân của 45.000 bò sữa của Tập đoàn tại Nghệ An. Hàng ngày, bò thải phân xuống lớp đệm sinh học. Cứ 3 ngày, hỗn hợp phân và lớp đệm được thay mới; hỗn hợp đã sử dụng được đưa vào hầm biogas (lớn nhất toàn quốc) để lấy khí đốt. Chất thải sau đó được phân tách thành dạng rắn và lỏng. Nước thải dạng lỏng sau khi qua 6 tầng bể được đưa lại môi trường với chuẩn nước thải loại A. Phân khô sau khi phân tách, xử lý, sấy khô được ủ thành phân vi sinh để phục vụ trồng trọt. Bã phân tiếp tục được xử lý để đưa về trại nuôi bò để làm đệm sinh học. Khí đốt từ hầm biogas đang được dùng để sấy phân, sản xuất điện. TH cũng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái trại bò để có nguồn năng lượng xanh.

Từ chiếc lốp cũ trồng đầy hoa đến vòng tuần hoàn xanh ảnh 2  Cánh đồng nguyên liệu của TH tại Nghệ An - một mô hình “tuần hoàn xanh” đẹp đẽ, trải dài tít tắp

NASU (nhà máy đường, thành viên của TH) cũng một “vòng tròn xanh” điển hình. Phần lớn bã mía được sử dụng làm thức ăn, làm đệm cho chuồng cho bò. Một lượng bã mía đáng kể còn lại được sử dụng để sản xuất điện sinh học (ngoài dùng nội bộ đã dư thừa để bán vào lưới điện quốc gia). Ngoài ra, NASU cũng cung cấp rỉ mật (sản phẩm phụ của quá trình luyện đường) để bổ sung vào thức ăn cho bò. 

“Lần đầu tiên đến thăm các khu trang trại, chế biến phân vi sinh, nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH, chúng tôi cảm tưởng rằng như bước vào một công viên của đạo đức, công nghệ và trí tuệ thế giới”.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam


Nhà máy Chế biến nước hoa quả và thảo dược Vân Hồ (do Tập đoàn TH mới khánh thành tại Sơn La với công suất 300 tấn hoa quả/ngày) cũng tiến hành chế biến phân vi sinh từ bã của hoa quả, thảo dược. Mới đây, trong lễ khởi công dự án bò sữa tại Kon Tum, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của TH cũng cho biết sẽ triển khai mô hình tuần hoàn tại đây. TH sẽ sản xuất, sử dụng phân vi sinh từ chăn nuôi để trồng cây làm thức ăn cho bò, rau sạch và cả thảo dược. Bà đề nghị phát triển kinh tế rừng ở Tây Nguyên theo phướng thức: Những tán cây cổ thụ cần được giữ nguyên và trồng dưới đó những tầng thảo dược. Đó cũng là mô hình tuần hoàn, vừa phát triển vừa khai thác rừng hiệu quả.

Với người phụ nữ đặc biệt này, kinh tế tuần hoàn còn là sự tuần hoàn, chia sẻ về lợi ích. Tại Nghệ An, dự án của TH đã góp phần hình thành nên những khu dân cư trù phú; nông dân khá giả, có tiền gửi tiết kiệm từ lương làm công nhân, trồng ngô bán nguyên cây cho TH (trung bình, nông dân trồng ngô bán cho TH lãi khoảng 200 triệu/ha/năm). Trong thông điệp gửi cán bộ công nhân viên Tập đoàn mới đây, bà Thái Hương viết: “Tại các địa phương nơi dự án của TH triển khai, chúng ta quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nền kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng bất cứ khi nào và nơi nào có thể”. 

Để hình thành một thương hiệu lớn, các doanh nhân thường phải mất hàng chục, thậm chí trăm năm, trải qua nhiều thế hệ. Nhưng ở TH, với sự chèo lái của người phụ nữ đặc biệt – doanh nhân Thái Hương, quá trình đó chỉ diễn ra chưa đến 10 năm. Có thể hình dung, TH xuất hiện đột ngột như một nét chấm phá rồi vụt chéo lên phía trên để đạt tới những thành công. Và bây giờ, đường đi của TH là những vòng xoáy ốc, kết nối mô hình và lợi ích, lan rộng ra phía ngoài.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.