Truyền dịch tại gia: Mạo hiểm !

Truyền dịch tại gia: Mạo hiểm !
TP - Hai anh em ruột La Văn Vinh (13 tuổi) và La Văn Nghĩa (15 tuổi) ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải , huyện Hoài Nhơn, Bình Định tử vong do truyền dịch tại nhà vừa qua, là  cảnh báo cho tình trạng truyền dịch tràn lan hiện nay.
Truyền dịch tại gia: Mạo hiểm ! ảnh 1
Không phải cứ truyền nước biển là tốt nếu không đúng chỉ định của bác sĩ

Ngày 10-3, sau khi đi học về, Đoàn Quốc Huy - học sinh lớp 10K9 trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TPHCM, thấy mỏi mệt, cảm nắng liền được người nhà đưa ra nhà thuốc mua thuốc chống cảm. Sau đó Huy được y tá yêu cầu truyền dịch để lấy lại sức. Sau 30 phút truyền dịch, Huy bị sốc nặng phải cấp cứu ở BV tỉnh Bình Dương và tử vong sau đó.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm- Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, không phải cứ thấy mệt mỏi, yếu sức là truyền dịch hay tự ý mua dịch truyền về nhà truyền .

Bác sĩ Nghiệm khuyến cáo nên đến các bệnh viện để được khám và tư vấn truyền dịch một cách an toàn.

“Tháng trước bố tôi, 68 tuổi, bị mệt do nắng nóng tôi đưa đến phòng mạch trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, truyền dịch. Về, ông choáng 2 ngày. Đi khám bác sĩ mới biết  truyền dịch khiến cụ bị sốc”- Anh L.T.T. ở quận 7, cho biết.

Bác sĩ Đỗ Công Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM - cho biết, không phải cứ truyền nước biển là tốt nếu không đúng chỉ định của bác sĩ, không có trang thiết bị chống sốc.

Hiện rất phong phú các loại dịch truyền như loại ngọt (Glucose), mặn (Cloruanatri) và mặn + điện giải (Lactate Ringer) và đạm (gồm nhiều loại như Amino Plasma, Alversin, Acid Amin). Chỉ định truyền loại dịch nào do bác sĩ quyết định, tùy tình trạng sức khỏe và bệnh lý của bệnh nhân.

“Phòng mạch tư, theo tôi được biết, hiện không được phép truyền dịch. Còn truyền dịch tại gia có thể gây tai biến như nhiễm trùng tại chỗ đâm kim, phù nề do kim xuyên thủng tĩnh mạch”, BS Tâm nói. “Đặc biệt, nếu truyền dịch không đúng chỉ định bệnh lý hoặc có pha hóa chất khiến cơ địa không đáp ứng, dễ dẫn đến sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao”.

MỚI - NÓNG