Trường ngoại thành muốn chủ động giờ tan lớp

Học sinh tiểu học cũng được điều chỉnh lại giờ tan lớp trước 17h30. Ảnh: Trọng Đảng
Học sinh tiểu học cũng được điều chỉnh lại giờ tan lớp trước 17h30. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Tuy giờ tan lớp được điều chỉnh từ 19h xuống 18h từ hôm qua, nhưng nhiều trường THPT ở ngoại thành Hà Nội cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu để họ được chủ động giờ học.

> Lùi giờ tan trường, đường vẫn tắc

Học sinh tiểu học cũng được điều chỉnh lại giờ tan lớp trước 17h30. Ảnh: Trọng Đảng
Học sinh tiểu học cũng được điều chỉnh lại giờ tan lớp trước 17h30. Ảnh: Trọng Đảng.

Lý giải cho việc này, hầu hết trường học ở hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì và thậm chí cả quận Hà Đông nói rằng trường nằm ngoài đường vành đai 3, thuộc ngoại thành, ùn tắc giao thông chưa ảnh hưởng nhiều đến đi lại, sinh hoạt của người dân. Để không gây xáo trộn cho học sinh và gia đình các em, nhiều trường cho rằng nên để nguyên giờ học cũ hoặc cho họ được chủ động điều chỉnh giờ vào và tan lớp theo tình hình thực tế.

Ngoài học sinh trong huyện, Trường THPT Thượng Cát (Từ Liêm) còn có học sinh từ các quận - huyện lân cận với quãng đường đi từ nhà đến trường từ 15 đến 20 km. “Nhưng khác với các trường THPT trong nội thành, đường đến trường chúng tôi đa số là đường đê và đồng ruộng, buổi tối không có đèn điện hoặc nhà dân ở hai bên. Sẽ rất nguy hiểm nếu các em đi về trong tình trạng như vậy”, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Thượng Cát, nói.

Ông Hoàng Đình Xuân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) cho biết, trường cách xa trung tâm thành phố hơn 10 km. “Từ hôm đổi giờ học đến nay, do đường không có điện chiếu sáng nên sau một ngày làm việc, tôi cứ bước chân ra khỏi cổng trường là trời tối mịt. Vậy mà nhà trường có học sinh ở tận khu vực Hà Đông, Chương Mỹ cách trường 15 đến 20km, Các em đi lại như vậy, chúng tôi rất lo”, ông Xuân nói.

Ông Thái Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông), cho biết, do 90% học sinh của trường sống ở ngoại thành nên từ khi đổi giờ học, cổng và tuyến đường đi qua trường tràn ngập học sinh, phụ huynh các buổi sáng, tối. “Trước đây, các em tự đi xe đạp đến trường nhưng từ khi đổi giờ, sợ con mình đi về tối không an toàn, nên nhiều phụ huynh ở ngoại thành phải đưa đón, gây cảnh ùn ứ, đông người không đáng có”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, với 10 trường THPT ở quận Hà Đông và các trường ở ngoại thành như Thanh Trì, Từ Liêm, nên để cho các trường được giữ nguyên lịch học như trước đây hoặc linh động điều chỉnh cho hợp lý. Hôm qua, ban giám hiệu một số trường như Thượng Cát, Ngọc Hồi... có văn bản gửi Sở GT&ĐT kiến nghị với TP Hà Nội được trở lại giờ học như trước đây hoặc linh động điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GT&ĐT Hà Nội, cho biết, Sở đang tiếp nhận ý kiến của các trường và sẽ có tổng hợp cụ thể để báo cáo thành phố. Ông Thống nói, lịch học trên chỉ áp dụng với giờ học chính khoá. Với các trường có học sinh học một ca, có tổ chức thêm một số tiết phụ đạo, bồi dưỡng, thời gian học sẽ do các trường chủ động quyết định, miễn là không tan ca vào giờ cao điểm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.