Trường học ở Hà Nội trăn trở phát triển văn hoá đọc cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đầu tư thư viện khang trang với nhiều đầu sách hấp dẫn; xây dựng tủ sách tại lớp học; lan toả niềm yêu thích đọc sách...nhiều trường học tại Hà Nội đang nỗ lực phát triển văn hoá đọc trong nhà trường

Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa tổ chức toạ đàm “Sách kiến tạo tương lai” cho học sinh, phụ huynh cùng tham gia. Đó là hoạt động phối hợp giữa nhà trường và Viện đào tạo bồi dưỡng và Chuyển giao công nghệ.

Ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng nói rằng, hình ảnh học sinh ngồi mọi nơi để đọc sách là hình ảnh rất đẹp. Ông trăn trở làm sao phát triển văn hoá đọc trong nhà trường cho toàn bộ học sinh các khối, lớp.

“Trên thực tế, thư viện của trường đã được đầu tư khang trang, hiện đại với hàng nghìn đầu sách đầy đủ các thể loại tuy nhiên cùng lúc khó đáp ứng hết nhu cầu của học sinh toàn trường. Ở nhà, tủ sách của nhiều học sinh cũng hạn hẹp, đa số chỉ có sách giáo khoa. Do đó, đã có ý tưởng xây dựng tủ sách ngay tại lớp với mong muốn chính các em sẽ lan toả niềm yêu thích đọc sách lẫn nhau. Về lâu dài, khi các em đã có niềm yêu thích sách vở cũng sẽ cũng cố, xây dựng tủ sách gia đình dày dặn hơn”, ông Thông nói.

Trường học ở Hà Nội trăn trở phát triển văn hoá đọc cho học sinh ảnh 1

Ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng trao đổi tại buổi toạ đàm.

Dự án ban đầu thí điểm ở 2 lớp thuộc khối 6 và 7 sau đó nhân rộng ra toàn trường. Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia từ Viện đào tạo bồi dưỡng và Chuyển giao công nghệ, học sinh được tập huấn cách phân loại sách, dán nhãn một cách khoa học, viết phiếu cho mượn… để các em tự quản.

Bà Lê Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Viện đào tạo bồi dưỡng và Chuyển giao công nghệ, người đồng hành với dự án tại trường chia sẻ, ngày xưa đi học, sách vở ít ỏi, mỗi bộ sách giáo khoa, sẽ được các anh chị em trong nhà, trong họ chuyền tay nhau tái sử dụng. Nên khi có thêm bất cứ quyển sách nào chị cũng đều rất quý trọng, giữ gìn.

Ngày nay, học sinh có điều kiện hơn nhưng niềm đam mê đọc sách dần nhạt đi, các em bị cuốn vào những niềm đam mê khác như điện tử, điện thoại… Do đó, khơi dậy, phát huy văn hoá đọc cho học sinh là điều rất có ý nghĩa mà nhà trường và cha mẹ cần chung tay.

Trường học ở Hà Nội trăn trở phát triển văn hoá đọc cho học sinh ảnh 2

Xây dựng tủ sách tại lớp học là hoạt động rất hay, học sinh hào hứng.

Xuân Lâm, học sinh lớp 7A2 chia sẻ, khi xây dựng được tủ sách tại lớp, em và các bạn đều rất hào hứng. Mỗi giờ ra chơi ngắn ngủi, nên các bạn sẽ mượn sách mang về nhà đọc. Để quản lý, sách được đánh số thứ tự rõ ràng. Mỗi học sinh được phát một thẻ ghi thông tin, ngày mượn, ngày trả. Học sinh được hướng dẫn giữ gìn sách cẩn thận, trả đúng thời gian quy định.

Cô Hồng Hạnh, chủ nhiệm lớp 6A10 nói rằng, xây dựng tủ sách tại lớp học là hoạt động rất hay, được toàn bộ phụ huynh ủng hộ. Ngoài sách của nhà trường, học sinh, phụ huynh cũng ủng hộ để làm dày thêm tủ sách. Sau một thời gian, tủ sách sẽ được trao đổi giữa các lớp để học sinh có cơ hội đọc nhiều nhất có thể.

“Điều quan trọng nhất là khi xây dựng tủ sách tại lớp, học sinh tự quản lý và lan toả được niềm yêu thích đọc sách đến nhiều em”, cô Hạnh nói.

Khi buồn sách là bạn

Tại buổi toạ đàm, nhà văn Di Li chỉ ra cho học sinh, phụ huynh thấy lợi ích của việc đọc sách.

“Khi bị bố mẹ mắng, cãi nhau với bạn, điểm số chưa như kỳ vọng… chúng ta buồn lắm nhưng tìm đến bạn chia sẻ không phải bạn nào cũng biết cách nói cho ta vơi nỗi buồn. Ngày nay, thanh thiếu niên bị khủng hoảng tâm lý rất nhiều, không biết chia sẻ cùng ai. Vì thế, ta tập cho mình những thói quen tốt, có nhiều sở thích như: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, tập thể dục…sẽ nhanh chóng cân bằng, giải toả được áp lực. Đặc biệt, sách như một người bạn thông tuệ, nói cho ta biết mọi điều trong cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn”, nhà văn Di Li nói.

Trường học ở Hà Nội trăn trở phát triển văn hoá đọc cho học sinh ảnh 3

Nhà văn Di Li chia sẻ niềm yêu thích đọc sách với học sinh.

Học sinh Trường THCS Dịch Vọng băn khoăn, đọc truyện tranh có giống đọc sách hay không? Nhà văn Di Li nói rằng, đọc sách sẽ rèn cho con người trí tưởng tượng phong phú. Khi đọc một cuốn sách, tác giả tả đến đâu, trong đầu mình sẽ hình dung ra khung cảnh, con người… kích thích sự sáng tạo, trong khi truyện tranh có sẵn hình ảnh sẽ hạn chế điều này.

Nhà văn Di Li cũng khuyên học sinh, mỗi học sinh có một khả năng nổi trội nào đó. Ví dụ, em thích học Toán, em giỏi Văn, em thích vẽ, múa, hát tuy nhiên công nhiên công việc nào cũng cần sự sáng tạo do đó đọc nhiều sách sẽ có vốn tri thức phong phú, phát triển tư duy.

Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng thông tin, sau khi xây dựng thư viện tại lớp, nhà trường tiếp tục xây dựng tủ sách thân thiện tại một góc hành lang của trường. Nhà trường sẽ đặt các tủ sách, ghế ngồi đọc để học sinh có thể tự do, thoải mái đọc sách tại chỗ.

Khi học sinh có thói quen đọc sách, trong quy mô lớp học thậm chí toàn trường sẽ có những cuộc thi như: Viết về cuốn sách tôi yêu để rèn kỹ năng viết; tổ chức cuộc thi thuyết trình hoặc tổ chức sân khấu kịch cho học sinh đóng vai những nhân vật trong tác phẩm yêu thích.

Trường học ở Hà Nội trăn trở phát triển văn hoá đọc cho học sinh ảnh 4

Một góc ở thư viện của trường, học sinh được khuyến khích viết ra những suy nghĩ của mình sau khi đọc sách.

Phát triển văn hoá đọc trong nhà trường cũng là một nội dung được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội quan tâm, yêu cầu các trường học có giải pháp thúc đẩy học sinh. Trong các dịp hè, Hà Nội yêu cầu trường học mở cửa thư viện để học sinh được đến đọc sách.

Ở nhiều trường học như: Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông), THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân), Tiểu học Đức Giang (Quận Long Biên)… nhà trường đã xây dựng các thư viện xanh, thư viện thân thiện. Trong đó, đưa tủ sách đặt ở hành lang, khuôn viên trường học để mỗi ngày có nhiều học sinh dễ dàng nhìn thấy sách và đọc.

MỚI - NÓNG