Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Trường ĐH Nha Trang đã tổ chức thành công khoá Tập huấn đầu tiên mang tính khu vực Châu Á TBD về Theo dõi, Kiểm tra và Giám sát nghề cá, triển khai thực hiện Hiệp định PSMA và chống khai thác IUU trên toàn khu vực.

Việt Nam đã chịu cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) suốt 6 năm. Mặc dù các cấp quản lý đã siết chặt theo dõi, kiểm tra và giám sát và đạt được một số chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, nếu không sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên thì nguy cơ bị nâng cảnh báo lên "Thẻ đỏ" là rất cao.

Nhận thấy rằng, để khắc phục tình trạng này trong tương lai, cần có các khóa đào tạo kiểm soát và giám sát việc khai thác hải sản bất hợp pháp bài bản tại Việt Nam. Vì thế Trường ĐH Nha Trang đã triển khai dự án “Khóa đào tạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) liên quan đến theo dõi, kiểm soát và giám sát và chương trình trao đổi cán bộ”.

Đây là khóa tập huấn đầu tiên dành cho cán bộ công chức trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương về Theo dõi, Kiểm tra và Giám sát nghề cá, triển khai thực hiện Hiệp định PSMA và chống khai thác IUU. Các khoá tập huấn sẽ được mở hàng năm từ 2023-2025, mỗi khoá chia 2 đợt vào giữa năm và cuối năm. Toàn bộ kinh khí khoá học do Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Australia (DAFF) tài trợ.

Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển ảnh 1

Toàn cảnh khóa tập huấn đầu tiên

Học viên tham gia sẽ được các giảng viên của Trường ĐH Nha Trang, chuyên gia từ cơ quan quản lý nghề cá Australia và một số chuyên gia từ nhiều nước đào tạo các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về theo dõi, kiểm soát và giám sát bao gồm các kiến thức cơ bản về nguồn lợi, công cụ quản lý nghề cá và cả các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành trong quá trình thực hiện theo dõi, kiểm soát và giám sát nghề cá.

Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển ảnh 2

Các giảng viên của Trường ĐH Nha Trang và các chuyên gia từ cơ quan quản lý nghề cá Australia tham gia thực hiện khóa tập huấn

“Khóa đào tạo không chỉ cung cấp thông tin lý thuyết mà còn chia sẻ những hiểu biết thực tế giúp trực tiếp nâng cao năng lực của chúng tôi với tư cách là các cán bộ thủy sản, đặc biệt trong việc giám sát các tàu đánh cá nước ngoài, đảm bảo hiệu quả cao trong việc chống lại các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Quan trọng hơn, chúng tôi đã có cơ hội kết nối với nhiều cán bộ tại các quốc gia khác, tạo dựng một mạng lưới chia sẻ thông tin kịp thời và giá trị, thúc đẩy các nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia trong việc bảo vệ nghề cá và nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của chúng ta tại khu vực Đông Nam Á.” Cô Sarah Biyang – cán bộ quản lý khai thác thủy sản thuộc Cục Nghề cá và nguồn lợi Thủy sản Philippines cho hay.

Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển ảnh 3

Các học viên đến từ Việt Nam, Cambodia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Timo Leste được trao giấy chứng nhận sau khi kết thúc khóa tập huấn

Khóa học đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam khẩn trương đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Bởi khóa học giúp xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho lực lượng chấp pháp trên biển và giám sát tại cảng trong hoạt động Theo dõi, Kiểm tra và Giám sát nghề cá; xây dựng mạng lưới phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng liên quan và phối hợp với các quốc gia láng giềng trong khu vực để xử lý các vấn đề liên quan tới IUU.

Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển ảnh 4

Học viên trải nghiệm buổi kiểm tra tàu cá dựa trên kịch bản giả định

Là đơn vị đào tạo giàu kinh nghiệm và có thế mạnh về đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất, Trường ĐH Nha Trang nỗ lực đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế và phục vụ cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển. Bên cạnh các khóa tập huấn chuyên sâu, Trường ĐH Nha Trang còn phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín mở các hội thảo chuyên ngành về thủy hải sản và khoa học biển.

Mới đây, Trường ĐH Nha Trang đã phối hợp với Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Gia tăng giá trị bền vững cho các sản phẩm nghề cá và nuôi trồng thủy sản cho mục tiêu xuất khẩu”. Hội thảo được tổ chức giúp chia sẻ kinh nghiệm, thành công của Việt Nam trong phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng được hưởng lợi từ chương trình chung EU - UNCTAD dành cho Angola..., đồng thời tăng cường năng lực trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản của Angola.

Trường ĐH Nha Trang đi sâu nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản và khoa học biển ảnh 5

Các chuyên gia thủy sản Angola học hỏi các phương pháp nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Chuyến thăm thực địa nằm trong khuôn khổ hội thảo “Gia tăng giá trị bền vững cho các sản phẩm nghề cá và nuôi trồng thủy sản cho mục tiêu xuất khẩu”. Ảnh: Vũ Minh Hiếu

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.