Hôm nay, 15/8, trả lời báo Tiền Phong, đại diện Trường ĐH Hà Nội cho biết thời gian học đại học ngành Ngôn ngữ Anh của ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2000, hệ đào tạo Từ xa. Bằng tốt nghiệp đại học cấp vào đầu năm 2001. Như vậy, thời gian đào tạo 6 năm 4 tháng là trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo Từ xa.
Hiện Nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt (trong đó có bằng cấp 3) vì theo quy định thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.
Đại diện Trường Đại học Hà Nội cũng khẳng định sau khi nhận được thông tin chính thức của cơ quan chức năng về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt, Nhà trường sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo Khoản 3, điều 20 Thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".
Trước đó, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, nơi cấp văn bằng hai, bằng tốt nghiệp đại học, bằng tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt cũng khẳng định hiện tại trường mới nhận được thông tin liên quan đến bằng bổ túc cấp ba của ông Việt của Sở GD&ĐT TPHCM qua báo chí.
Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn đang đợi quyết định chính thức từ cơ quan chức năng để có các bước xử lí tiếp theo. Vì văn bằng 2 và bằng tiến sĩ của ông Việt do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp liên quan đến bằng bổ túc cấp ba và văn bằng 1 của ông này.
Về phía Bộ GD&ĐT, trả lời Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết hiện nay, dư luận đang căn cứ vào văn bản của Sở GD&ĐT TPHCM trả lời Ban Tôn giáo Chính phủ để cho rằng ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, hoặc chưa tốt nghiệp cấp ba. Tuy nhiên, điểm trọng yếu cần làm rõ là liệu thông tin văn bằng Sở GD&ĐT TPHCM đã xác minh có đúng là thông tin trên văn bằng của ông Vương Tấn Việt sở hữu hay không.
Bộ GD&ĐT đã có thông tin và văn bản trả lời của Sở GD&ĐT TPHCM, cũng như đã kiểm tra trên hồ sơ tại kho lưu trữ của Bộ từ cách đây hơn 1 tháng, với các thông tin ban đầu là ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM.
Bộ GD&ĐT đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác: xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
Ngày 30/7, Sở GD&ĐT TPHCM có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ. Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp với đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Sở GD&ĐT TPHCM xác nhận, ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989.
Đồng thời, ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.
Ông Việt cũng đã trúng tuyển nghiên cứu sinh ngành Tôn giáo học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023.