Nhật báo Bắc Kinh số ra thứ Ba cho biết, người ta nhìn thấy ít nhất hai đàn cóc chạy trên đường phố các khu vực nhiều ngày trước khi động đất.
Các nhà báo đặt câu hỏi với chuyên gia động đất về những dấu hiệu của hiện tượng thiên nhiên bất thường ở tâm chấn, huyện Văn Xuyên, và hiện tượng này được dân địa phương thông báo cho nhân viên ủy ban địa chấn Tứ Xuyên vài ngày trước khi xảy ra động đất.
Báo cũng trích lời của một chuyên gia địa chấn Chính phủ, Trần Học Trung, Ủy ban Địa chấn Trung Quốc, cách đây hơn năm năm rằng, dựa trên các ghi nhận địa chấn và nghiên cứu diễn biến hành vi của động vật, ông đoán động đất mạnh có thể xảy ra ở Tứ Xuyên mặc dù không chỉ ra được khi nào.
Dự báo động đất vẫn là ẩn số
Dự báo động đất vẫn là công việc không dễ dàng, một chuyên gia Trung Quốc nói với các nhà báo hôm qua ở Bắc Kinh, Tân Hoa Xã cho biết.
Trương Tiểu Đông, Phó Giám đốc và là nghiên cứu viên ở Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (China Earthquake Networks Center), nói trình độ của nhân loại hiện tại không cho phép tiếp cận đến tâm trái đất, không cho phép xác định nhịp đập phức tạp của trái đất vì thế, nên dự báo đúng động đất vẫn có xác suất rất thấp.
“Chúng ta mới chỉ có thể đo sự thay đổi dưới lòng đất dựa trên các quan sát bề mặt trái đất”. Ông Trương cho biết, trận động đất vừa qua càng làm cho các nhà khoa học Trung Quốc thêm hiểu tính vô cùng phức tạp của các nhịp điệu địa chấn hay động đất và chu kỳ của nhịp điệu có thể kéo dài hàng nghìn năm.
Để nghiên cứu một chu kỳ động đất, phải có dữ liệu và dữ liệu thu thập cả đời cũng không thể đủ để tính toán.
Khó khăn trong dự báo “không có nghĩa là không thể làm được gì. Trong quá khứ, chúng tôi từng phát hiện 20 vụ trước khi chúng xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ dự báo thành công rất hiếm”, ông Trương nói.
Động đất ở tỉnh Tứ Xuyên là kết quả chuyển động của khối chuyển động ngược đông bắc mang tên Longmenshan lên rìa tây bắc của Bể Tứ Xuyên, chuyên gia Viện Nghiên cứu Địa chất Quốc gia Hoa Kỳ (USGS) nói hôm thứ Hai.
Trên quy mô lục địa, khu vực động đất ở trung và đông Á là kết quả của sự va chạm hướng về phía bắc của mảng lục địa Ấn Độ và Âu-Á với tốc độ dịch chuyển khoảng 50 milimet một năm.
Sự va chạm theo hướng hội tụ của hai mảng lục địa dẫn đến tình trạng nâng lên của các cao nguyên châu Á và sự dịch chuyển của khối vật chất rắn ra phía đông dưới sức ép của Bình nguyên Tây Tạng bị dâng lên.
Ông Trương Tiểu Đông nói rất có thể tỉnh Tứ Xuyên sẽ còn hứng chịu hàng loạt dư chấn sau trận động đất kể trên. Lúc 3 giờ 10 chiều 13/5, một dư chấn mạnh 6,1 độ richter xảy ra ở thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên. Tâm chấn một lần nữa lại nằm ở huyện Văn Xuyên.