Minh họa của Đỗ Hiệp. |
Chàng trai mặc áo da, cổ lông. Loại này, mới nhìn dân tình cũng đã nghĩ chắc phải đắt. Mùi nước hoa nhẹ, thơm thơm ngã ba họ dừng lại. Ba rưỡi chiều, họ đang đi về một quán ăn nào đó được định trước trong một chiều mùa đông lạnh cắt da thịt. Sẽ là một bữa ăn nhẹ và nóng hổi. Cô gái vẫn không ngớt thì thầm vào tai chàng trai. Đèn đỏ bắt đầu từ giây chín mươi.
Một phút rưỡi giữa thành phố. Vào cái giờ đó ở thành phố này ít người bận rộn, nhưng vẫn cứ phải vội vã, ào ạt. Chàng trai móc điện thoại ra xem tin nhắn. Cô gái vẫn ôm chàng trai bắt đầu ngó ngang dọc phố. Có lẽ đối với cô, con đường này cũng không đến nỗi quá lạ. Nhưng bởi vì lúc nào cũng đi với chàng trai và tay chân, đầu tóc, mắt mũi đều bận. Nên cô cũng ít khi kịp nhìn xung quanh.
Cái nón
Hoặc là tất cả chuyển động, hoặc không. Chỉ có như thế thôi. Lão không chuyển động, thiên hạ không chuyển động, hoặc thiên hạ chuyển động hết rồi. Hoặc là lão đứng yên, hoặc là lão chuyển động, còn thiên hạ đứng yên. Lão có nghĩ như thế không nhỉ? Lão không nghĩ gì cả. Bởi vì lão không ngẩng đầu lên. Người ta chỉ suy nghĩ khi ngẩng đầu lên thôi? Lúc đó máu mới lên được não, ý nghĩ mới chạy theo máu lên đến não. Lúc đó mới có suy nghĩ.
Nhưng lão cúi mặt cả mấy năm nay rồi. Vậy thì lão chắc chắn không nghĩ gì cả. Hoặc là lão nghĩ nhiều quá nên không dám ngẩng mặt lên, thẳng đầu lên. Mặt lão giấu trong cái nón. Rồi lão để cái nón ra trước thiên hạ. Thiên hạ muốn nhìn lão phải qua cái nón. Nhưng làm sao mà nhìn được mặt lão khi lão xòe cái nón ra trước. Và đầu lão thì lại cúi xuống. Thế là thiên hạ đành nhìn nón lão.
Lão đứng nhiều thì lão phải mỏi chân. Lão cần cái gậy đỡ bên để không bị ngã. Nhưng mà chân lão, hai chân của lão không còn đứng thẳng được trên mặt đất. Chân trái cao hơn chân phải. Lão đã không còn được nguyên vẹn đôi chân.
Hồi ức của một người thích ghi nhớ
Lão hay giật mình mặc dù lão có thâm niên đứng giữa tiếng ồn. Tiếng ồn của động cơ thành phố, tiếng ồn của người người, tiếng ồn của gió, của va chạm… Nói chung lão thấy nó chẳng cách xa là bao nhiêu so với thời chiến tranh. Nhưng hồi đó, có thể do lão còn trẻ, lão ít giật mình hơn bây giờ. Lão dũng cảm hơn bây giờ. Bây giờ thì lão rất dễ giật mình. Nhưng mà lão khá hơn ngày còn trẻ. Lão dễ lấy lại thăng bằng hơn.
Lão rùng mình một cái và lập tức mọi thứ lại được giũ sạch đi. Lão thấy sợ nhưng lão mặc kệ cái sợ của mình. Không như hồi còn trẻ, bom đạn, đói nghèo. Lão sợ chết khiếp lên được. Lão sợ tuổi hai mươi chóng qua. Cái mối tình thoảng qua với cô hàng xóm, cái ánh mắt lén lút dài hun hút ấy không còn nhìn lại được nữa.
Rồi mẹ già, rồi lão nghĩ xa hơn, một ngày không còn bom đạn nữa. Chỉ có yên tâm cầm cái cuốc, dắt con trâu ra đồng. Lão sợ tất cả những thứ ấy. Giờ đây, lão có một mình, lão không thấy sợ cái gì nữa. Lão chỉ buồn. Mà hàng ngày lão đều nghĩ như thế, rồi buồn như thế. Rồi lão lại cúi đầu xuống đất, chìa cái nón ra thiên hạ.
Hồi trước, cái thời trai trẻ của lão, lão không buồn (hay buồn rất khác) mặc dù rất sợ. Lo lắng mình ngày mai không biết có còn sống không nên nhiệt huyết dành cho ngày hôm nay được thế nào cứ tung ra thế ấy. Hết sức luôn. Lão lại bỗng nghĩ đến thằng cháu trẻ, thằng con chưa già của lão.
Có lẽ bọn chúng cũng có cái nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng chúng dùng vào những việc rất khác với lão vào những ngày tháng ấy. Rồi lão lại nghĩ linh tinh. Từ ngày ra cái ngã ba này, lão đã quyết không nghĩ linh tinh nữa. Nhưng mà không phải lão lúc nào cũng bắt mình làm được như thế. Chưa kể là lão cứ vớ vớ vẩn vẩn nghĩ ngợi cái này cái khác, lo lắng cái này cái kia. Đúng là bệnh của người già thật rồi.
Đèn đỏ giây thứ tám mươi
Chàng trai vẫn nhắn tin say sưa. Màn hình điện thoại lòe nhòe giữa ánh sáng phố. Cô gái có lẽ không còn kiên nhẫn chờ chàng trai được nữa. Cô không quen không được để ý, nhưng mà chàng trai thì vẫn bận nên cô đành chịu. Chẳng lẽ lại quát nạt, tỏ ý khó chịu. Cô vẫn nghe điện thoại hàng nửa tiếng lúc có người yêu bên cạnh mà. Nhưng đó là việc của cô, còn lúc này là việc của chàng trai.
Quả thật là sốt ruột khi phải chờ đợi người khác. Không thể không tức giận nho nhỏ khi mình không là số một bên cạnh người yêu. Cô gái chán nản ngó nghiêng. Cô gái giật mình. Ngay sát bên cô, cạnh đèn đỏ, cạnh ngã ba đường, một hình người đang đứng. Không biết có phải hình người nữa không? Giống hình bù nhìn thì đúng hơn. Giống như mấy con bù nhìn rơm hay đứng ở giữa đồng mà cô thỉnh thoảng thấy lúc đi lươn lướt giữa đường cao tốc hay một cánh đồng nào đó.
Đầu đội nón, hai tay dang ngang, cắm ngập thân trên một cái gậy, phất phơ trước gió. Canh đồng ruộng, canh mùa màng. Ấy là cô vẫn nghe bạn bè kể như thế. Chứ cô cũng chỉ nghe kể mạ khác lúa là ở chỗ được nhổ từ một đám ruộng này, xé ra trồng vào một đám ruộng khác. Đại khái thế.
Nhưng bù nhìn thì cô hay thấy, bạt ngàn giữa những đám ruộng, nổi bật giữa những đám ruộng, khô khốc trong những đám ruộng, mưa nắng, mỏi mòn, mệt mỏi giữa những đám ruộng. Suốt cả đời giơ tay ra giữa nắng mưa… Nên cô rùng mình, khi thấy giữa thành phố có một bù nhìn.
Quan sát của cô gái giây thứ bảy chín
Điều đáng kể là sự nghi ngờ của cô. Sao lại có bù nhìn ở giữa thành phố? Người hay bù nhìn làm bằng rơm? Liệu có phải đó là một kiểu kỳ quặc gì của thành phố? Và bằng mắt thường liệu mình có dám chắc vào những điều mình suy đoán? Bù nhìn này lại biết cầm một cái nón, chĩa ra đằng trước. Trong đó có một số tiền lẻ, chủ yếu là những đồng năm trăm đỏ đang nhảy múa, bay lượn trong nón. Kẻ ăn xin?
Nhưng không thấy hơi thở nào thoát ra từ bù nhìn cả, có thể vì cô gái không đứng quá gần. Nếu mà nhìn thấy mặt, cô gái sẽ biết ngay thôi. Nhưng mà bù nhìn này cứ cúi xuống, nên cô gái đành chịu. Kiến thức của cô không đủ để đánh giá chính xác chuyện này. Nếu hỏi cô một chuyện khác, như mỹ phẩm, thời trang, hàng hiệu, cô có thể nói. Hỏi người yêu thì không được rồi. Anh ấy còn bận nhắn tin.
Ý nghĩ của bù nhìn
Người ta không khốn khổ đâu, lão hay nghĩ như thế, chỉ là mình nghĩ mình thế nào thôi. Lão cũng có thời kỳ vui sướng như ai, có vợ con, chỉ tiếc là không lấy được cô hàng xóm, nếu lấy được cái cô hàng xóm thẹn thùng ấy có thể đời lão thay đổi được chút ít. Lão lấy một bà tầm tầm khi chân lão đã bị mảnh bom cưa mất. Cuộc sống cũng ổn, những mơ ước, niềm vui cũng thu hẹp lại gần nhưng rõ ràng hơn, ổn định hơn.
Cho đến ngày bà vợ tầm tầm tuổi của lão chết. Và lão lại bị đẩy ra khỏi chính nhà mình. Bởi thằng con trai. Chính ra thì tại lão, tại lão dại dột, tại lão cả tin. Mà không trách lão được. Kể cả bây giờ lão cũng không trách mình. Lão tin con lão chứ ai? Chả ai không tin con cái cả. Nhưng thằng con lão lại tin vợ nó. Rồi thì lão cứ trở thành thừa dần thừa dần trong nhà. Cho đến khi không cần vợ chồng thằng con nói ra, lão đã tự thu xếp một chỗ ở riêng. Rồi lão chán cái thành phố có con trai, có những gương mặt quen thuộc.
Lão tìm đến một thành phố khác, với một bên chân tập tễnh. Và lão không muốn là lão nữa. Lão muốn thành một bù nhìn. Cũng có thể lão nghĩ đôi khi là do miếng ăn. Nhưng đôi khi lão nghĩ mình thanh thản. Chẳng còn gì níu kéo lão được nữa, giữa cuộc đời. Lão cũng thấy mình không cần phải mong muốn thêm gì nữa. Lão chỉ chờ một cơn gió ở một ngã ba chiều nào đó. Lão sẽ không cần chống một tay vào một cái nạng đỡ nữa. Lão vẫn sẽ đứng im như vậy, và có người đỡ lão xuống.
Giây thứ năm mươi của đèn đỏ
Cô gái vẫn nhìn chằm chằm vào bù nhìn bên cạnh. Cô muốn bảo chàng trai xích xe lại gần hơn để cô khẳng định, đó là người hay một sự sáng tạo nào của người phố. Nhưng mà chàng trai lại đang nhắn tin. Chính ra, nếu không vì người yêu quá bận nhắn tin, cô cũng đâu có thời gian để nhìn những thứ xung quanh. Mà hình như, cũng không một ai để ý đến “cái bù nhìn” đó cả. Những hàng xe nối tiếp nhau ở ngã ba, đều chằm chằm hướng vào đèn đỏ trước mắt. Đó là mục tiêu của họ.
Và họ cần tránh làm sao để bánh xe không đụng nhau, cần nhìn xem còn mấy giây để mở khóa xe, đề máy xe và lao vút đi. Chẳng ai thích đứng tại cái ngã ba hút gió này để ngửi mùi xăng xe của nhau. Nên cô gái có thể khẳng định, sẽ có quá ít người có thể giải đáp cho cô về “cái bù nhìn” kia.
Vì người ta cũng chẳng quan tâm lắm, dù đó là hình ảnh nổi bần bật giữa phố. Nếu không thì số tiền trong cái nón rách kia chắc hẳn không phải là vài ba đồng bạc năm trăm màu hồng. Hoặc cũng có thể bù nhìn vẫn đập được vào mắt ai đó nhưng không đủ sức níu kéo những ngón tay chịu rời tất tay ấm áp để móc vào sau ví.
Ý nghĩ của bù nhìn
Lão cảm giác mỏi chân ghê gớm. Có lẽ tại mấy ngày nay trời lạnh kinh khủng. Chưa năm nào trong suốt cái đận dài dằng dặc của lão, trời lại lạnh dữ dội như mùa đông năm nay. Vết thương cũ bị cái lạnh chém phạt nhiều hơn. Nhưng lão vẫn muốn đứng tại ngã ba. Lão vẫn muốn lết ra ngã ba mỗi ngày. Vì lão trông chờ vào những ngày giá rét, lão nghĩ sẽ có cơ khấm khá hơn. Người ta có thể sẽ rộng rãi hơn lắm chứ, cho một lão già khốn khổ đứng giữa gió?
Cho một bù nhìn đứng trong giá lạnh. Thì ra, trong cái đầu lúc nào cũng cúi xuống của lão vẫn phấp phỏng niềm tin. Có cái gì sẽ thay đổi đời lão trong nay mai, trong mùa đông lạnh giá này? Lão mong chờ xa xôi một hình ảnh quen thuộc nào đó. Lão tin rằng sẽ có một cơn gió nào đi qua đời lão trong mùa đông năm nay. Lão kiên nhẫn đợi.
Đèn đỏ giây thứ năm
Đoàn xe - người vẫn kiên nhẫn đứng dằng dặc. Tiếng còi xe thỉnh thoảng bim bim. Đôi lúc cô gái giật mình vì tiếng còi xe, hục hoặc trong bụng, đang chờ đèn đỏ còn bấm còi. Vô duyên. Rồi cô quay ngay sang xem bù nhìn có phản ứng gì không. Nhưng tuyệt nhiên vẫn như lúc trước, không một giây thay đổi.
Cô gái bắt đầu nghi ngờ lại chính mình. Chắc chắn đó phải là một “con bù nhìn” thật. Không thể là người được. Màn hình điện thoại vẫn sáng lấp lánh, nhắc nhở cô gái rằng người yêu cô vẫn mải mê nhắn tin. Chỉ còn mấy giây nữa, bỗng cô nghĩ phải “thực mục sở thị” mới được. Cô gái trượt xuống khỏi yên xe cao ngất, ấm áp.
Đèn đỏ oo
Ngã ba ầm ĩ náo loạn tiếng còi xe giục giã. Chàng trai một chân chống xuống đất giữ xe tự nhiên thấy hẫng vì cô gái tuột xuống. Chàng trai quay lại quát. Điên à, đi đâu đấy. Cô gái hoảng hốt. Một rừng xe phía sau bóp còi. Cô gái băng qua hai mũi xe trèo tót lên lớp da bọc yên vẫn còn nóng. Tiếng rú ga, rừng xe chuyển động. Cách hai đầu mũi xe, “cái bù nhìn” thảng thốt giật mình.
Tiếng quát kia quen quen, như tiếng của con ông hay của thằng cháu nội? Mà không phải. Lão giật mình. Nón của lão rơi xuống đất. Những đồng năm trăm hồng hồng rơi vãi cuốn vào vành bánh xe của rừng xe rú ga. Bù nhìn loạng choạng giữa phố đông. Bù nhìn ngã xuống. Bù nhìn mơ màng. Mình đã chờ được giữa phố đông cái thời khắc của mình. Bù nhìn thấy ở phố cái khuôn mặt của người đàn bà tầm tầm tuổi. Giữa rừng xe đang chạy.
Cô gái không kịp ngoái đầu lại ngã ba bởi chàng trai đã gửi được tin nhắn trước khi đèn đỏ về 00. Con SH vít ga nhanh khủng khiếp. Cô gái vẫn thắc mắc, không biết người hay bù nhìn ở ngã ba nhỉ? Bỗng cô gái trẻ nhíu mày. Mà cũng chẳng quan trọng gì? Nhưng tại sao mình không lại gần sớm hơn, thả vào nón của “cái bù nhìn” ấy mấy đồng bạc lẻ nhỉ? Chắc chắn khi đối diện mình sẽ phát hiện ra vấn đề.
Cô gái hơi tiêng tiếc.
Nguyễn Thị Hoa Xuân thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1982). Cô là sinh viên khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình (Đại học Văn hóa Hà Nội, trước là trường Viết văn Nguyễn Du), mới ra trường năm 2010. Hoa Xuân nghĩ về nghề viết: “Tôi nhận ra rằng chính tôi cũng khác với mình trong mỗi truyện ngắn. Có thể vì lẽ đó, tôi đã viết không ngừng để tìm ra chính mình”. Trong hai năm gần đây, cô viết và được in nhiều trên báo chí. Vừa xuất bản tập truyện ngắn “Giấc mơ mở mắt”. “Trước đèn đỏ” là một lát cắt cuộc sống, chỉ vỏn vẹn trong một phút rưỡi, nhưng chứa đựng dung lượng cuộc sống rất nhiều. Nhân vật cũng chỉ có hai, nếu không kể một nhân vật phụ chỉ có bấm tin nhắn và rồ ga. Điều đáng chú ý ở đây là Hoa Xuân đã bắt đầu tiệm cận tới lối viết đi sâu vào suy nghĩ, ý thức của nhân vật. Một lối viết lâu nay có phần bị coi nhẹ, kết quả là trong hàng vạn trang sách, người ta chỉ thấy nhân vật đi lại nói cười, đánh đấm mà ít thấy thế giới phần hồn. |