Trung tâm ngoại ngữ... nhà trọ

Trung tâm ngoại ngữ... nhà trọ
Không nhất thiết phải đến các trung tâm ngoại ngữ chính thống, không ít sinh viên (SV) vẫn học được nhiều ngoại ngữ ngay tại nhà trọ.

"Răng bạn phải cắn vào lưỡi rồi nhả chữ nhẹ thôi. Nhìn tui nè! Cố lên, thử lại lần nữa nha!" - Anh Tú, một cô nàng xinh xắn vừa đọc đi đọc lại vừa hướng dẫn cách cong lưỡi, phát âm cho cậu "học trò" bằng tuổi mình.

Sau gần 5 phút "vật lộn" với bài học phát âm, mồ hôi trên trán cả hai bắt đầu lấm tấm.

"Đúng rồi! The, this, that… mấy chữ này khó lắm, từ từ rồi quen thôi hà!" - cô giáo Anh Tú cười động viên lớp học ngoại ngữ tại gia của một nhóm SV bộ môn Quan hệ quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, bắt đầu bằng những âm thanh sôi nổi như thế.

Hiện nay, chi phí cho một khóa học ngắn hạn tại các trung tâm ngoại ngữ lớn thường dao động ở mức giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đối với không ít SV, đó là một lựa chọn khó khăn.

Vì thế, họ đã nghĩ ra biện pháp học tiếng nước ngoài theo cách rất... SV, đó là nhanh chóng "chiêu dụ" những gương mặt có khả năng ngoại ngữ thuộc hàng "cao thủ" làm gia sư cho mình.

"Trong một buổi thuyết trình Anh văn, bạn ấy chinh phục cả lớp bằng khả năng tiếng Anh khá lưu loát và tự tin. Thế là mình quyết định nhờ bạn làm gia sư ngoại ngữ cho mình luôn. Học phí chỉ bằng 1/3 so với trung tâm, lại thoải mái, không phải ngại ngần gì hết!" - Chung Đỉnh, "học trò" của Anh Tú cho biết.

Để được tín nhiệm làm "giảng viên", các gia sư phải nắm vững tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Giáo trình thường là những tài liệu mà các bạn đã học được chỉnh sửa lại phù hợp với trình độ của các "học viên".

"Chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp học của mình thôi. Song song đó, mình cũng chọn những đề tài thông dụng nhất, gắn liền với cuộc sống và sinh viên tụi mình, các bạn sẽ dễ tiếp thu hơn" - Minh Thy, SV trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, hiện cũng là gia sư tiếng Anh cho xóm trọ của mình ở quận Gò Vấp, TPHCM bày tỏ.

Tại các "trung tâm" ngoại ngữ nhà trọ không có bất cứ khoảng cách nào giữa "thầy" và "trò". Vì thế, không khí học tập luôn luôn thoải mái và đầy ắp tiếng cười.

"Ban đầu, mình cũng mắc cỡ lắm khi "dạy" bạn bè trạc tuổi mình. Nhưng từ từ, khả năng ngoại ngữ của cả "thầy" lẫn "trò" đều tiến bộ thấy rõ. Mặt khác, mình lại có thêm thu nhập mỗi tháng và thấy mình lớn ra nữa" - Ngọc Hà, sinh viên trường RMIT hào hứng khi nói về "nghề tay trái" của mình. 

Xóm trọ "quốc tế"

15 giờ, cả xóm trọ của Hà Phụng ở quận 3, TP.HCM nhốn nháo hẳn lên chuẩn bị tập sách kéo sang một phòng trong khu trọ để học tiếng Hàn. "Cô giáo" đứng lớp hôm nay là Thủy Tiên, SV năm cuối khoa Đông phương học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Buổi học chỉ kéo dài hai tiếng đồng hồ nhưng hết sức hiệu quả vì cả cô và trò đều rất cởi mở, nhiệt tình. "Không hiểu gì cũng có thể hỏi, chẳng ngại ngần chi hết, tụi mình dạy qua dạy lại mà" - Hà Phụng cho biết.

Xóm trọ của Phụng có rất nhiều SV đang theo học các ngôn ngữ khác nhau thế nên cả nhà thay phiên đứng lớp để dạy ngoại ngữ cho cả khu trọ. "Từ khi có lớp "bình dân học vụ" như thế này, tụi mình ai cũng có vài ba thứ tiếng ngoài vốn ngoại ngữ thế mạnh. Thế nên tụi mình thấy tự tin hẳn lên, riết rồi khu vực này dần trở thành xóm trọ "quốc tế" luôn rồi đấy" - Thủy Tiên cười nói.

Thủy Tiên khoe rằng, những thành viên trong xóm trọ của cô có thể giao lưu với nhau bằng 4 ngoại ngữ là tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh.

Vì phải có trách nhiệm thay phiên đứng lớp mỗi tuần nên ai cũng cố gắng học một cách nghiêm túc để có thể truyền đạt tốt nhất cho các "học trò" của mình. Thế nên, những lớp ngoại ngữ theo kiểu "bình dân học vụ" như thế trở thành động lực để tất cả SV trong xóm trọ cùng tiến bộ...

Theo Trí Quang - Thủy Nguyễn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG