Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh tặng hoa cho Hội đồng cố vấn – Trung tâm Tiến sĩ VN Ảnh: Đ.T.T |
CPD do một nhóm giáo sư, tiến sĩ của Cty Công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec) thành lập, đã được tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép đăng ký kinh doanh từ tháng 6/2008.
Trung tâm CPD có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa thông qua tiểu sử, tư liệu, hiện vật cá nhân của các tiến sĩ, các nhà khoa học.
Trung tâm, mà hạt nhân là Công viên Văn Miếu tiến sĩ đương đại - sẽ giới thiệu, trưng bày về cuộc sống, những đóng góp và cống hiến của các nhà khoa học cho chuyên ngành, cho đất nước. Đây cũng là nơi xây dựng ngân hàng dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nay là Giám đốc chuyên môn của CPD cùng nhiều GS, PGS, TS, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia dự án này.
Hội đồng cố vấn của CPD do GS.Viện sỹ Phạm Minh Hạc làm Chủ tịch, GS.Viện sỹ Nguyễn Duy Quý, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, PGS.TS Nguyễn Anh Trí làm Phó chủ tịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Trung tâm sẽ lựa chọn các nhà khoa học nổi tiếng để trưng bày theo từng chuyên đề, trước khi dời lên Cao Phong - Hòa Bình sẽ có những hoạt động lớn tại Hà Nội.
Cũng lời ông Huy, bản thảo, bản nháp, sổ tay...của các nhà khoa học chính là những di sản quý cần sưu tập. Mới đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tìm thấy một số ghi chép của người cha bác sỹ Đặng Văn Ngữ. GS Đào Thế Tuấn cũng cho biết đã tìm thấy 8 trong số 20 cuốn sách quý của phụ thân- GS Đào Duy Anh.
Chiều 27/9 vừa qua, nhiều giáo sư đã trao tặng Trung tâm CPD những hiện vật của mình như bức ảnh chụp chung với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của GS.TSKH Phạm Minh Hạc, của GS Phạm Trương Thị Thọ, một bộ tập sách do Quan Hải tùng thư xuất bản năm 1929 do GS Đào Duy Anh và nhà cách mạng Phan Đăng Lưu viết, hay một bản gỗ của Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, bao gồm tất cả các chữ ký mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong suốt cuộc đời.
Theo đại diện Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, chữ ký cuối cùng mà Hồ Chủ tịch dùng là trong bức thư ngày 25/8/1969 gửi Tổng thống Mỹ, sau này phía Mỹ trao lại cho Việt Nam.
CPD và Công viên Văn Miếu rộng 20 ha nằm tại huyện Cao Phong - tỉnh Hòa Bình, có dòng suối Vàng trong mát chảy quanh khu gò thờ của người Mường xưa, với thế đất hình con rùa khổng lồ đang bơi.
Công viên Văn Miếu đương đại này sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, tiến sĩ thời cận - hiện đại. Tên tiến sĩ được ghi trên nền đá hoa cương.
Đại diện CPD cho biết, sự trường tồn của 6 Văn Miếu trên cả nước đã cổ vũ nhiều lớp người Việt phấn đấu vươn lên trở thành hiền tài giúp nước. Nhưng hệ thống Văn Miếu này chỉ lưu giữ những thông tin về các tiến sĩ từ những thế kỷ trước.
Các tiến sĩ thế kỷ 20 hiện chưa có một nơi lưu giữ thông tin đầy đủ, hệ thống, khoa học. Được biết trước đây đã có người đưa ra ý tưởng lập bia mới ghi danh tiến sĩ hiện đại tại vườn Quốc Tử Giám Hà Nội. Nhưng ý tưởng này không đi tới đâu.
Trung tâm CPD là mô hình táo bạo và thú vị, không chỉ tôn vinh đạo học mà còn cung cấp đầy đủ sinh động nhất về cống hiến cũng như cuộc đời một trí thức có danh. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết Trung tâm sẽ tự “lấy nó nuôi nó” bằng những hoạt động dịch vụ.
GS.TS Vũ Minh Giang- Phó GĐ Đại học QG Hà Nội: Tôi biết ở Hàn Quốc người ta quan niệm, ý thức lưu trữ chứng tỏ sự văn minh. Với mỗi tài liệu quý, họ copy làm 4 bản để lưu giữ ở 4 địa điểm khác nhau đề phòng hỏa hoạn hay chiến tranh làm mất chúng. Trung tâm CPD hình như còn có tham vọng lớn hơn, đây không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu về tiến sĩ mà còn khơi nguồn nguyên khí quốc gia. TS Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL: Chúng ta có những đỉnh cao văn hóa do các giáo sư viện sỹ mang lại. Những đỉnh cao ấy làm nên thành tựu văn hóa. Chúng tôi đánh giá cao mô hình trung tâm này vì nó xã hội hóa được. Nếu kết hợp với các bảo tàng địa phương trong cả nước, họ sẽ cung cấp thêm các hiện vật về các nhà khoa học khắp mọi miền. |