> Trung Quốc tự làm 'xấu' mình
Đài tiếng nói nước Nga ngày 23-7 dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, đơn vị đồn trú này sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh và đào tạo dân quân dự bị, đảm nhận canh gác và tiến hành các chiến dịch quân sự.
Tháng trước, để tăng cường khả năng tranh chấp với các nước trong khu vực, Bắc Kinh đã công bố nâng cấp một đơn vị hành chính lên cấp “thành phố” mà Trung Quốc gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Vĩnh Hưng (tên tiếng Anh là Woody, Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tờ Bưu điện Jakarta ngày 23-7 dẫn tin của Reuters từ Bắc Kinh cho biết, mặc dù số người sinh sống thường xuyên tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” chỉ khoảng vài nghìn, phần lớn là ngư dân, nhưng phạm vi phụ trách của “đơn vị hành chính” này bao gồm cả những vùng lãnh hải rộng lớn trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. “Động thái này về bản chất là một bước leo thang tham vọng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh”, tờ Bưu điện Jakarta cho biết.
Theo đó, đơn vị hành chính này sẽ xuất hiện cơ quan lập pháp và đảng bộ địa phương, tham gia chỉ định các đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hành động bố trí đơn vị đồn trú quân sự thực tế hoàn thành qui trình tạo lập đơn vị hành chính mới thuộc thành phần tỉnh Hải Nam – nhà phân tích chính trị Yakov Berger, Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), nhận định.
“Trung Quốc đã thực hiện hành động ráo riết để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, quyền sở hữu các hòn đảo và rạn san hô cũng như khu vực biển bao quanh. Những hòn đảo này nằm khá xa phần cực nam của Trung Hoa đại lục và đảo Hải Nam, nhưng sát gần hơn với những quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ. Bất chấp thực tế đó, Bắc Kinh cố gắng từng bước củng cố vị thế tại khu vực biển đảo này”.
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ngay sau khi có bùng phát nghiêm trọng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Philippines hồi tháng 4-2012. Khi đó, tàu chiến Philippines đã cố gắng đuổi các tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực tranh chấp gần rạn san hô Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Còn Trung Quốc cũng phái tàu hải giám đến nhằm bảo vệ ngư dân.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Philippines cùng Mỹ bất ngờ tiến hành tập trận hải quân chung, với bài tập giả định là đổ bộ giải phóng hòn đảobị các chiến binh vũ trang chiếm giữ.
Bên cạnh đó, Washington cam kết giúp Manila hiện đại hóa quân đội của nước này nhằm kiểm soát sự điều động của lực lượng Bắc Kinh trong khu vực.
Có thể thấy, việc bố trí tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” lực lượng phản ứng nhanh là một trong những câu trả lời của Trung Quốc với kế hoạch hành động của Mỹ ở khu vực này, - chuyên viên Yakov Berger nhận định.
Theo nhận định của các quan sát viên khu vực, động thái mới này của Bắc Kinh sẽ dẫn đến một vòng xoáy mới các mâu thuẫn sắc nét giữa Trung Quốc và các nước châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Tùng Dương
Tổng hợp