Trứng chọi đá

TP - Chuyện giá đùi gà Mỹ chỉ bán khoảng 20 nghìn đồng/kg tại Việt Nam gần đây được xem như “sự báo trước”. Bởi, ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt là gà công nghiệp đang bên “miệng vực”.

Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) - một HTX chăn nuôi thuộc dạng lớn nhất cả nước than rằng, đó là “sự đã rồi”. HTX có hơn 170 chủ trại nuôi gà, với tổng đàn khoảng 1 triệu con/lứa, trong đó chủ trang trại tư nhân tự nuôi khoảng 400 nghìn con/lứa (còn lại là nuôi gia công cho các công ty).

Theo tính toán của các chủ trang trại, với giá thành gà hiện khoảng 29-30 nghìn đồng/kg, người nuôi lỗ 5-6 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi con gà (khoảng 3 kg/con) lỗ 15-18 nghìn đồng/con. Cũng vì giá thành cao, sức cạnh tranh yếu, giá cả bấp bênh, tới nay khoảng 30% số chủ trại gà ở HTX Cổ Đông phải “treo” chuồng. Đó cũng là tình cảnh chung ở nhiều địa phương trên
cả nước.

Về chuyện giá gà Mỹ, ông chủ nhiệm HTX tâm tư rằng: “Mình hội nhập, phải chấp nhận. Công nghệ nuôi của họ giá thành thấp, nếu nhập của họ rẻ, đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng ta được lợi. Nhưng người chăn nuôi trong nước sẽ bị đè bẹp, nó cũng giống như lấy trứng chọi đá, châu chấu đá voi”.

Thực tế, nghề chăn nuôi vẫn là sinh kế của hơn 10 triệu hộ nông dân, nhưng trên 50% là quy mô chăn nuôi nông hộ. Cũng vì thế, trong ngành mạnh ai nấy làm. Hệ quả là, người nuôi lỗ, người tiêu dùng bị thiệt; còn người sản xuất cám, con giống, thuốc thú y, thương lái… được lợi. Cái này, rất cần vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, quá nhiều khâu “cắn” vào giá thành, khiến người nuôi bị lỗ. Về giống, khâu trung gian ăn tới 60%, cám ăn tới 9-10%. Khi bán được lợn, gà, thương lái cũng “xơi” tới 8-10%. Nếu liên kết sản xuất, cả khâu đầu vào- ra, chúng ta sẽ giảm được giá thành khoảng 20% trong chăn nuôi. Đây là con số rất lớn, giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành.

Đã qua rồi thời chăn nuôi kiểu “trâu đeo mõ, chó leo thang, gà chạy vũ trang, lợn đào công sự”. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát từng nói rằng, để ngành chăn nuôi cạnh tranh, trước hết khâu giống phải ngang tầm quốc tế. Do vậy, cái gì hơn họ, mình xuất đi; cái gì thua kém, chúng ta nhập về. Theo Bộ trưởng Phát, chúng ta cần hỗ trợ, nâng chăn nuôi nông hộ lên quy mô trang trại; tổ chức liên kết nông dân- doanh nghiệp theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp ví von rằng, ngành chăn nuôi như “vật tế thần” trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Có lẽ, doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi trong nước, cần có những chính sách sát sườn, phù hợp hơn, để ngành chăn nuôi có hướng đi đúng, tăng sức cạnh tranh, đứng vững trước hội nhập.