Bờ Biển Ngà:
Trực thăng Pháp giải cứu Đại sứ Nhật
>> Tổng thống Bờ Biển Ngà trốn dưới hầm ngầm
>> Đấu súng tại dinh thự tổng thống
Đêm 6-4, ông Yoshifumi cùng 7 nhà ngoại giao khác làm việc trong Đại sứ quán Nhật Bản ở được bí mật báo trước rằng, có người của lực lượng đặc nhiệm Pháp tới sứ quán để dẫn họ đến nơi an toàn. Do chiến sự ở Abidjan lúc đó diễn ra ác liệt giữa quân đội trung thành với tổng thống thất cử Laurent Gbagbo và lực lượng thân tổng thống đắc cử Alassane Ouattara, cuộc giải cứu Đại sứ Nhật được coi là khá mạo hiểm.
Dưới làn đạn pháo, trong đêm tối, Đại sứ Yoshifumi và 7 nhà ngoại giao Nhật Bản được dẫn tới một khu đất trống có lính Pháp đảm bảo an ninh. Nhóm lính được một máy bay trực thăng quân sự thả xuống trước để chuẩn bị bãi đáp an toàn cho trực thăng và các nhà ngoại giao Nhật. Một lúc sau, trực thăng của quân đội Pháp hạ cánh đón 8 nhà ngoại giao rồi chở đến một nơi an toàn.
Phát biểu trước Thượng nghị viện Pháp hôm 7-4 về tình hình chiến sự ở Bờ Biển Ngà, Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppe cho biết, ngoài việc giải cứu Đại sứ Nhật, Paris cũng nhận được lời đề nghị chính thức từ Bộ Ngoại giao Israel nhờ giải cứu các nhà ngoại giao Israel khỏi vùng chiến sự Abidjan.
Ngày 7-4, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Abidjan, đặc biệt là gần tư dinh của Tổng thống Gbagbo. Do điện, nước ở thủ đô chập chờn, hàng trăm người dân liều mạng ra ngoài dưới các làn đạn để tìm nước sạch, trong khi máy bay quân sự Liên Hợp Quốc (LHQ) nhào lượn trên đầu.
Tổng thống Gbagbo vẫn chưa bị bắt dù binh lính phe đối lập đã vượt qua được tường tòa tư dinh của ông để vào trong nhà. Ông Gbagbo cố thủ trong boong-ke dưới tầng ngầm của tòa dinh thự. Trong boong-ke có nước uống, đồ ăn, thuốc men đủ để ông và những người thân cận sống trong một thời gian dài. Binh lính ủng hộ ông Ouattara nói rằng, ông Gbagbo sẽ bị bắt.
Họ không sử dụng vũ khí nặng đánh vào hầm ngầm vì ông Gbagbo có thể bị chết. Ông Maite Sindou, Phát ngôn viên quân sự của tổng thống đắc cử Ouattara nói rằng, nếu ông Gbagbo kiên quyết không đầu hàng, quân đội của ông Ouattara sẽ phải vào boong-ke để bắt sống. Ông Gbagbo có thể đang ẩn náu tại một đoạn nào đó trong đường hầm ngầm dài thông từ nhà riêng của Tổng thống Bờ Biển Ngà tới nhà riêng của đại sứ Pháp ở Abidjan.
Giáo sư Christian Bouquet (Trường Đại học Bordeaux III, Pháp) cho biết, đường hầm này được tổng thống đầu tiên của Bờ Biển Ngà là Felix Houphouet-Boigny xây dựng rất kiên cố từ những năm 1960 để nếu có chính biến, ông và gia đình chạy sang trú ẩn nhờ trong nhà riêng của đại sứ Pháp. Bờ Biển Ngà từng là thuộc địa của Pháp.
Trên mặt đất, lực lượng bảo vệ ông Gbagbo và binh lính ủng hộ ông Ouattara giao tranh ở thế giằng co. Từ hầm ngầm, ông Gbagbo liên tục đưa ra các thông điệp bày tỏ quyết tâm không đầu hàng. Ngày 7-4, bà Affoussay Bamba, phát ngôn viên của phe thắng cử Ouattara, nói rằng, nội chiến sắp đi đến hồi kết. Bà Bamba cho rằng, kho vũ khí, đạn dược của ông Gbagbo bị không quân Pháp và LHQ không kích phá hủy, quân đội của ông tan rã gần hết.
Nguyễn Đại Phượng
(Tổng hợp)