'Trụ trì' tự xưng lĩnh 16 năm tù vì lừa tiền tỷ

Do bị cáo đang bị xét xử trong một vụ án khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên tòa án buộc lòng phải xử vắng mặt.
Do bị cáo đang bị xét xử trong một vụ án khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên tòa án buộc lòng phải xử vắng mặt.
TPO - Với vỏ bọc là trụ trì của một ngôi chùa, Trưởng ban vận động thành lập Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, Nghĩa đã lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các bị hại.  

Ngày 15/5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Trung Nghĩa (SN 1939, ở phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về hành vi lừa đảo và lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Kết thúc phiên tòa, bị cáo này bị Tòa tuyên phạt 16 năm tù cho cả hai tội danh nêu trên.  

Theo cáo trạng, tháng 9/1995, qua mối quan hệ trung gian, ông Nguyễn Đức Đảng (SN 1946, ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giám đốc Công ty văn phòng phẩm Cửu Long) quen biết Nghĩa. Theo đó, Nghĩa tự giới thiệu là Trưởng ban vận động thành lập Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, muốn hợp tác làm ăn cùng đơn vị của ông Đảng để sản xuất hàng hóa, lấy tiền chăm sóc trẻ em tàn tật của địa phương.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã làm rõ, vào năm 1984, bị cáo Nghĩa từng bị xét xử về hành vi tuyên truyền chống chế độ XHCN, bị bắt tập trung cải tạo. Không lâu sau, Nghĩa tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn. Năm 2014, ông này bị bắt theo lệnh truy nã toàn quốc. Trước khi phạm tội mới, ông Nghĩa đang trụ trì một ngôi chùa ở thành phố Vũng Tàu, song lại không đăng ký sinh hoạt tại giáo hội địa phương.

Nghĩa “chém gió” có nhiều mối quan hệ với chức sắc địa phương, cũng như nhiều đơn vị kinh tế, có khả năng đối ngoại và tầm ảnh hưởng rất lớn.

Thấy vậy, ông Đảng lập tức ngỏ ý nhờ Nghĩa tìm đối tác nước ngoài để xuất khẩu mặt hàng giấy than do Công ty văn phòng phẩm Cửu Long cung cấp. Theo thỏa thuận, ông Nghĩa sẽ được “lại quả” 5% giá trị hợp đồng.

Do không có tư cách pháp nhân để tham gia các cuộc thương thảo, ký kết, Nghĩa nhờ một người bạn tên là Nguyễn Thế Kỳ (giám đốc Trung tâm luật kinh tế - TP Hồ Chí Minh) đứng ra đại diện cho mình. Mỗi thương vụ thành công, ông Kỳ được nhận 1% giá trị hợp đồng.

Sau khi đã có “người đại diện”, Nghĩa quay lại Công  ty văn phòng phẩm Cửu Long, rêu rao rằng phía Trung tâm luật kinh tế - TP Hồ Chí Minh có nhu cầu mua giấy than xuất khẩu để đổi máy vi tính, và Nghĩa được cử làm đại diện trung tâm này.

Tài liệu điều tra thể hiện, từ tháng 9 đến tháng 12/1995, Nghĩa đã nhờ ông Kỳ ký nhận hợp đồng với Công ty văn phòng phẩm Cửu Long, qua đó nhận 86.000 hộp giấy than cùng một số mặt hàng văn phòng phẩm, có giá trị hơn 1,6 tỷ đồng. Nhận được hàng, thay vì thực hiện như cam kết, Nghĩa lập tức đem bán gần hết số hàng, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài vụ lừa đảo trên, Nghĩa còn dùng uy tín vay hơn 100 triệu đồng của Công ty Cửu Long. Khi đến hạn trả, Nghĩa bỏ trốn khỏi địa phương.

Điều đáng nói, phiên tòa dù đã được mở, song do bị cáo đang bị xét xử trong một vụ án khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do vậy, tòa án buộc lòng phải xử vắng mặt.

Cũng cần nói thêm, liên quan đến nhân thân bị cáo, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ, ông Nghĩa trụ trì tại chùa Ngọc Quý (ở phường 1, thành phố Vũng Tàu), tự phong Thích Giác Hiếu. Ngày 7/3/1997, Ban trị sự phật giáo tỉnh Vũng Tàu (Giáo hội phật giáo Việt Nam) đã có công văn khẳng định: Pháp danh Thích Giác Hiếu chưa có giấy chứng nhận tăng ni của Trung ương, chùa Ngọc Quý chưa kê khai đăng ký vào danh bộ giáo hội, không sinh hoạt với giáo hội địa phương.

MỚI - NÓNG