Trống rung, kiềng bạc, áo trăng đầm (Tết)

Trống rung, kiềng bạc, áo trăng đầm (Tết)
TP - “Trở về mái nhà xưa/Chỉ trong tích tắc/ Năm mươi năm mút mắt/Dường như hiện tại không ngờ.

Trở về mái nhà xưa/Con mèo liếm tay rửa mặt/Cột nhà ông còn dán thuốc/Mái tranh nội vẫn giắt tiền.

Trở về mái nhà xưa/Roi cày bố mãi cầm tay/Bếp nghèo khói mẹ mắt cay.

Trở về mái nhà xưa/Thăm thẳm xa xăm sao mà ngắn vậy/Vũng nước chưa khô thơ ấu vẫn đua thuyền.

Trở về mái nhà xưa/Pháo chuột ngoằn ngoèo/Giao thừa tuổi nhỏ/Trống rung, kiềng bạc, áo trăng đầm.

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức.

Đang ngồi trước computer, tay lóc cóc bàn phím, tâm trí tôi trở về mái nhà xưa thơ ấu vào một chiều cuối năm chờ đón giao thừa.

Giờ này mọi người trong xóm đều tất bật. Đi cũng nhanh, về cũng hối hả. Sau này lớn lên tôi mới biết là họ bị giao thừa “rượt”. Giao thừa là một lằn mức cuối cùng phải hoàn tất mọi công việc để chào đón năm mới.

Giờ này cũng lác đác vang lên tiếng heo la eng éc. Người ta đã “giăng tay” làm heo ăn Tết. Cứ ba hay bốn nhà gì đấy, chung lại mua một con heo để mổ ăn Tết. Những tiếng heo la là âm thanh đặc biệt nổi lên của ngày cuối năm.

Đúng lúc tiếng heo la eng éc rộ lên như thế, bà nội bắt tôi ra giếng tắm gội. Tại sao lại đúng giờ này bắt tôi ra giếng tắm gội? Bà nội trả lời rất nhanh: “Người ta làm thịt heo thì tao cũng làm thịt mày”. Bà nội nói đùa như vậy, về sau khi lớn lên tôi mới biết, đó là bà không muốn cho tôi đi coi người ta giết heo. Việc tàn nhẫn này, bà không muốn tôi trông thấy. Đơn giản như vậy thôi. Tâm trí thơ ngây của tôi, bà không muốn có máu me, có la thét thấm vào. Và đến bây giờ tôi mới thấy sự nhân hậu to lớn của tâm hồn bà...

Lúc này, ba tôi lo cắm hoa vào bình và rinh hoa vào nhà. Cũng cứ toàn hoa vạn thọ “xôi in” vàng rực. Một loại hoa nhà nghèo mà nhà nào cũng sẵn vài luống trước sân. Loài hoa toàn sắc vàng và chân chất như chén xôi in cúng Phật.

Mẹ tôi luôn loay hoay trong bếp với nồi bánh Tét, với dưa món, với linh tinh chuyện của bếp núc. Thoáng chốc mà giờ giao thừa sắp đến.

Bố tôi khẩn trương bày biện thức cúng nơi bàn thờ tổ tiên. Lúc ấy, tôi nhớ đêm giao thừa nhà tôi có nhiều lửa lắm: Nào lửa nấu bánh tét của mẹ, lửa đèn cầy, lửa đốt vàng mã của bố, lửa khấn hương của bà nội, lửa pháo chuột của tôi... Và “lửa” trong lòng mọi người. Ấm cúng lạ thường. Yêu thương lạ thường. Đẹp tươi lạ thường. Và hy vọng lạ thường.

Đêm giao thừa gồm hai thái cực kỳ lạ xảy ra: Trước 12 giờ đêm cuối năm, ai cũng công việc tất bật không ngơi tay. Nhưng sau 12 giờ đêm, không còn áp lực công việc khẩn trương nữa, đó là một khoảng trống đặc biệt, sẵn sàng chờ đón bao hy vọng của năm mới. Mà dường như nhà nào cũng thế. Thời điểm nối giữa hai thái cực - thời điểm 0 giờ – đó là giao thừa. Thằng trẻ con tôi hồi ấy, vẫn biết hăng hái mặc quần áo mới, tay xách phong pháo chuột, mặt nghếch lên trời đen, nồng nhiệt chờ đón giao thừa.

Tôi xúng xa xúng xính trong bộ quần áo vải trăng đầm mới cứng. Tôi lại vừa được bà nội “làm thịt” lúc chiều. Tôi sạch và mới từ trong chí ngoài. Chiếc kiềng bạc sáng trắng hơn. Tay cầm phong pháo chuột đi qua đi lại giữa sân, im lặng trầm tư như một triết gia tiềm năng.

Xóm làng nhà nào cũng mở toang cửa. Ánh sáng vàng của đèn dầu và đèn bạch lạp hắt ra huyền ảo như ánh sáng trăng rằm.

Giao thừa đã tới. Trong nhà bố đốt hương khấn vái. Ông thắp hương đủ chỗ. Bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật, thần Tài, ông Địa, bàn các Bác… Rồi giếng, chuồng bò, bàn thiên, bàn đất đai…

Giữa sân, tôi châm phong pháo chuột. Tiếng pháo nổ lép bép như tiếng cười của vô số thần linh.

Chờ họ cười xong, tôi xoay trống rung bong bóng lợn liên hồi để đón chào năm mới tinh khôi. Lúc ấy, tôi đúng là một chú trẻ con vô cùng hạnh phúc trong ấm áp của kiếp nghèo.

Tôi trở về hiện tại. Trên màn hình computer đã chen chúc những ký ức nhỏ nhoi của một thời thơ ấu vàng son.

Ôi, tôi xưa của tôi ơi!

“Trống rung, kiềng bạc, áo trăng đầm” vẫn còn vang vọng…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG