Cuộc sống đời thường của Sayoko và những chú mèo của cô, trong phim Rent-a-Cat |
Đó là lời thoại trong phim tôi đã xem từ khá lâu, Rent-a-Cat (Cho thuê một con mèo). Bộ phim của người Nhật nói về sự cô đơn trong xã hội hiện đại; mà mèo cùng với sự cô đơn là một combo thường đi cùng với nhau (thế nên mới có kiểu nhân vật người phụ nữ già và đàn mèo).
Về cơ bản, phim như một “lát cắt cuộc sống” (slice of life), và hầu như không có chuyện gì xảy ra trong phim cả. Bộ phim bắt đầu và kết thúc với một nhân vật chính không hề thay đổi, là cô gái trẻ Sayoko. Làm nghề cho thuê mèo, hàng ngày Sayoko kéo chiếc xe mèo của mình đi lang thang khắp nơi để tìm người muốn thuê mèo.
Những khách hàng của cô khác nhau về giới tính, tuổi tác và nghề nghiệp, song có một điểm chung là đang phải chống chọi với nỗi cô đơn thường trực.
Sayoko cũng vậy, vẫn đơn độc một mình, vẫn muốn cưới chồng và vẫn đi kéo xe mèo cho thuê mỗi ngày. Tuy nhiên những khách hàng của cô lại được cứu rỗi khỏi cuộc sống đơn độc của họ nhờ những con mèo cho thuê. Những cục bóng lông này sẽ lấp đầy lỗ hổng trong trái tim con người theo cái cách mà không loại rượu bia, tiền bạc hay thậm chí là những con người nào khác làm được.
Tôi nghĩ không có sự trùng hợp nào, khi mèo và sự cô đơn luôn nằm chung trong một quỹ đạo, ngược lại chúng luôn có một sự hấp dẫn lẫn nhau ở một mức nhất định.
Khác với sự đơn giản của chó, cách bộc lộ cảm xúc vui sướng của mèo có phần phức tạp hơn, đòi hỏi người chủ phải chú ý đến từng hành vi cơ thể tinh tế của chúng để biết chúng có đang thật sự vui hay không.
Đó là lý do mèo thường được gắn liền với tính cách độc lập, khó gần và cô đơn. Loài mèo đến và bắt con người phải chăm sóc mình như thể vua chúa với con sen, nhưng chính mối quan hệ này lại giúp con người bớt căng thẳng và lo âu, đồng thời nhận được cảm giác đủ đầy về nhu cầu giao tiếp xã hội để có thêm mục đích sống. Có lẽ nỗi cô đơn của loài người chính là “món ăn” yêu thích nhất của loài mèo.
Trong tiểu thuyết Thế gian này nếu chẳng còn mèo của Kawamura Genki, nhà văn trẻ kiêm đạo diễn điện ảnh người Nhật, tôi tâm đắc với câu: “Người và mèo chung sống được một vạn năm nay rồi. Khi ta ở với một con mèo, không phải là ta đang nuôi nó, mà chỉ là nó đang ở bên ta”.
Đúng thật là mèo không cần người như cách con người cần mèo. Bởi, nếu không có người nhận nuôi, những chú mèo hoang vẫn có thể sinh tồn ngoài đường phố, tất nhiên là tại những đất nước thân thiện với động vật hoang và không có thói quen ăn thịt chó mèo như Nhật Bản hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Chú mèo hoang trong phim tài liệu Kedi. |
Nói đến mèo hoang ở Thổ Nhĩ Kỳ, không thể không nhắc đến phim tài liệu Kedi. Dù là phim tài liệu, nhưng Kedi có một cách kể chuyện lôi cuốn nhờ vào những đoạn phỏng vấn được xen bởi nhiều khoảng lặng, giúp người xem đắm chìm vào khung cảnh của thành phố Istanbul và cuộc sống bụi đời của những “cư dân” mèo nơi đây.
Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, khán giả được theo dõi cuộc sống hàng ngày với các hoạt động như ăn, ngủ, leo trèo và làm trò mèo của các chủ nhân đường phố; nghe chia sẻ của người dân nơi đây về những chú mèo hoang, cũng như các quan điểm đa dạng, mang tính triết học của họ về loài mèo, cách chúng đã cứu rỗi cuộc đời họ như thế nào… Mèo ở Istanbul đông đúc không khác gì con người sống ở đây, chúng ở khắp nơi từ trên mái nhà, trước cửa nhà, trên cây cho đến những khe hẹp bé tí. Kedi tập trung kể chuyện của 7 chú mèo, mỗi chú có một tính cách, thói quen và câu chuyện riêng biệt phức tạp không khác gì một con người.
Bên cạnh những chú mèo thú vị, khán giả còn được nghe nhiều câu chuyện sâu sắc của những người chăm sóc chúng. Đó là chuyện của một phụ nữ lớn tuổi hàng ngày nấu hơn 9 kg thịt gà để phân phát cho những chú mèo hoang ngoài đường.
Bà nói đây cũng là một phương pháp để chữa lành những thương tổn trong lòng mình, bằng cách trao đi yêu thương.
Hay câu chuyện thần kỳ của một ngư dân xảy ra 15 năm trước, khi chiếc thuyền - thứ tài sản duy nhất của ông bị bão đánh chìm. Một hôm đang đi lang thang thì có một chú mèo dẫn ông tới một chiếc ví nằm ở trên đường. Trong ví có đúng y số tiền ông đang cần để cứu vớt đời sống, và ông cho rằng đây chính là món quà từ Chúa.
Mèo là một loài thú nuôi phổ biến nhất nhì thế giới chỉ đứng sau chó đã gắn bó với con người khoảng 10.000 năm trước, chúng đã ở bên nhân loại trải qua vô số sự kiện lịch sử quan trọng. Do vậy mèo đã trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu của hàng trăm triệu người thuộc tầng lớp khác nhau, từ các Pharaoh Ai Cập cổ đại đầy quyền lực cho tới những cô cậu bé thời hiện đại.
Vì thế thật khó tưởng tượng ra viễn cảnh nếu thế gian này không còn chúng. Nếu loài mèo biến mất thì liệu một số người trong chúng ta có còn tồn tại nơi đây?
Hình ảnh trong phim Thế gian này nếu không còn mèo được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. |
Điều thú vị về loài mèo chính là khoảng cách của chúng và con người. Khác với loài chó luôn quanh quẩn bên con người với sự yêu thương và trung thành vô điều kiện, thì loài mèo trước tiên cần có khoảng cách và thời gian để tìm hiểu xem ai mới thật sự yêu thương mình, để dần tin tưởng người đó.
Có lẽ đây là bài học về tình yêu mà con người cần học hỏi từ loài mèo: một mối quan hệ bền vững chỉ bắt đầu dần dần từ sự tìm hiểu và niềm tin vào đối phương. Người không chọn mèo, mà là mèo chọn người, nó tìm được người đang cần chúng và cho phép họ chăm sóc chúng. Đây là điều đặc biệt về loài mèo, và người dân ở Istanbul cảm thấy được niềm hạnh phúc khi được tin tưởng bởi các chú mèo đường phố.
Thật đáng buồn khi tại Việt Nam vẫn còn nhiều người ngay từ bé đã không nhận được sự giáo dục về tình thương dành cho động vật. Họ lớn lên trong một môi trường coi nhẹ sinh mạng của những sinh vật bậc thấp hơn, sẵn sàng bạo hành và ăn thịt bất cứ con gì có thể tìm thấy, dù đó có là động vật quý hiếm trên bờ vực tuyệt chủng.
Những người như vậy sẽ nuôi dưỡng thêm một thế hệ trẻ coi việc đánh đập động vật là một thú vui. Nếu không được can thiệp từ nhỏ, những đứa trẻ này sẽ dần dần chuyển đối tượng đến những con người yếu ớt hơn chúng. Điều này cũng dễ hiểu.
Tình yêu dành cho động vật nói chung hay mèo nói riêng là một loại tình yêu thuần khiết và nền tảng. Bởi nếu ai đó không thể yêu thương một loài động vật đơn giản và dễ bị tổn thương như vật nuôi, thì làm sao có thể yêu thương một con người vốn đầy rẫy sự phức tạp?