Nhà văn viết: “Chợt nhớ năm ngoái khi đi “Cơm có thịt” cũng gặp nhiều đề nghị giúp đỡ khoản đóng học phí 25 ngàn/tháng của học sinh mầm non vì bị cắt miễn học phí khiến phụ huynh không có tiền đóng học để giáo viên phải góp tiền đóng thay nếu không sẽ bị cắt thi đua”. Nhưng anh không thể đưa những địa chỉ cần giúp đỡ vì lo “thầy cô ngại và sợ liên lụy”.
Khi hưởng ứng một lời kêu gọi giúp đỡ một trường ở vùng cao, tôi cũng từng được “cảnh báo” không công bố rộng rãi ảnh chụp lớp học. Trong ảnh, một cô giáo trẻ đắp chăn nằm thu lu ở góc lớp vì lên cơn sốt rét, học sinh vẫn ngồi ngơ ngác bên bàn học chờ cô tỉnh dậy giảng bài tiếp. Trường sở khá khang trang vì đã được Nhà nước đầu tư xây mới. Chỉ có điều trò vẫn thiếu ăn và cô còn vất vả. Nếu đưa những hình ảnh như thế, có thể khiến nhà trường bị mang tiếng đi xin xỏ, đại loại vậy. Tôi nghĩ các thầy cô cũng chả sợ mang tiếng cho mình đến vậy, mà sợ thay cho phòng giáo dục, phòng lại lo cho sở… Cứ thế!
Hình thức có nguy cơ trở thành quốc bệnh chả chơi. Của đáng tội, chạy theo hình thức cũng đơn giản và nhanh hơn nhiều so với xây dựng nội dung. Chẳng hạn, tượng đài trong lòng dân thì rất khó thấy, nhưng tượng đài bằng vật chất to cao thế nào biết ngay. Giáo dục đương nhiên phải xuất phát từ con người.
Vai trò của giáo dục con người với quốc gia là tối quan trọng, đặc biệt với Việt Nam. Đó là quan điểm của tác giả Lương Hoài Nam trong bài viết “Giáo dục và định mệnh quốc gia” mới đây. Theo bài viết này, Việt Nam phải trở thành lớn mạnh để không nước nào dám xâm lược.