Để câu lượt xem và chiều lòng fan, Tiktoker sẵn sàng ăn thịt ếch sống |
Khi những hiện tượng “trời ơi đất hỡi” trở thành “idol”
Mới đây, mạng xã hội đã “dậy sóng” trước video của TikToker có biệt danh Nờ Ô Nô. Cụ thể, nam TikToker này đã làm video với nội dung đi hỏi những người vô gia cư thích ăn món gì thì sẽ mua món ăn đó tặng họ. Tuy nhiên, người này lại sử dụng những từ ngữ mang tính miệt thị, khó nghe nhằm mục đích gây chú ý như: “Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “nghèo mà còn chê đồ ăn”, “bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”... Mặc dù vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng nhưng video này vẫn thu về hơn 4,6 triệu lượt xem chỉ trong một ngày.
Là một TikToker nổi tiếng với hơn 1 triệu lượt theo dõi, có nhiều video đạt hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xem, nhưng thay vì làm những video nội dung tích cực thì trước đó, Nờ Ô Nô cũng đã rất nhiều lần khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì những nội dung bẩn nhằm câu view. Thậm chí, cách đây hai tháng, nam TikToker này bị nhiều quán ăn dán hình “miễn tiếp” trước cửa vì những video nhận xét món ăn thiếu thiện chí. Tuy nhiên, Nờ Ô Nô vẫn phớt lờ, bởi càng ồn ào thì càng được mọi người biết đến.
Với ưu điểm là một ứng dụng xây dựng clip ngắn, dễ tạo xu hướng trên mạng xã hội, TikTok đã và đang giúp rất nhiều người được nổi tiếng. Nếu như các nghệ sĩ phải mất 5-7 năm, thậm chí 10 năm trầy trật làm nghệ thuật để trở nên nổi tiếng thì với giới trẻ hiện nay, chỉ cần lập kênh TikTok, quay những video ngắn với chiêu trò gây sốc, họ có thể dễ dàng được cả thế giới biết đến và trở thành “ai-đồ-tóp-tóp”, “chiến thần triệu view”… Có người chọn xây dựng ngoại hình dị hợm, với hành động kệch cỡm để gây cười, gây chú ý. Có người làm các clip thử thách ăn thịt sống, cá sống, các trò mạo hiểm như ngồi trên băng chuyền sân bay, nhảy múa gần máy bay đang cất cánh, nằm trên đường ray khi tàu sắp đến… để chiều lòng người hâm mộ. Có người lại thích đóng vai “ban giám khảo” đi chấm điểm các quán ăn, cố tình chê món dở để tăng tương tác. Có người lại khoe da thịt, ăn mặc thiếu vải, khoe khoang chuyện “giường chiếu”, phát ngôn phản cảm…
Thông qua những hình ảnh, clip đã giúp không ít người bước ra từ không gian mạng bỗng chốc trở thành những người nổi tiếng với hàng nghìn, hàng triệu người theo dõi. Điều đó cũng khiến một số Tiktoker ảo tưởng quyền lực. Họ sẵn sàng đến nhà hàng, cửa tiệm khen chê bất chấp “hất đổ” chén cơm của người khác, hạ bệ người khác trên mạng xã hội, cắt ghép video gây hiểu lầm... Những chiêu trò này của nhiều Tiktoker đã biến một số người trở thành nạn nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của họ. Một số chủ tài khoản biến TikTok thành kênh kiếm tiền trung gian khi liên kết tài khoản với các trang chứa nội dung 18+ có thu phí hoặc đánh bạc, cá độ trực tuyến…
Nhiều video có nội dung lệch lạc nhưng được lan truyền nhanh trên mạng tạo thành các trào lưu. Đã có không ít các trào lưu ở TikTok gây nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em như thử thách ăn mật ong đông lạnh, đóng cửa phòng dọa ma trẻ… Nguy hiểm hơn, trường hợp bốn học sinh Trường trung học cơ sở ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt chước video trên TikTok rồi rủ nhau lên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai ném đá vào ô-tô đang lưu thông; hay chuyện một bé trai 10 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh phải nhập viện trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội.
Dường như danh hiệu thần tượng đã trở nên quá sức với các TikToker khi họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu sức mạnh từ thế giới ảo mà mình tạo ra có thể dẫn đến nhiều hệ lụy thật, để từ đó có trách nhiệm hơn với hành động của mình.
Nhiều cư dân mạng lập chiến dịch tẩy chay các TikTok “bẩn” như Nờ Ô Nô |
Views ảo nhưng án phạt là thật
Trước sự phản ứng của dư luận, thanh tra Sở TT-TT TP.HCM đã xử phạt Phạm Đức Tuấn (chủ tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô) 7,5 triệu đồng vì dùng từ ngữ phản cảm khi đi làm từ thiện. TikTok cũng xác nhận đã cấm vĩnh viễn tài khoản Nờ Ô Nô và có thể chặn người dùng này tạo tài khoản mới trên cùng thiết bị.
Thời gian qua, nhiều người làm nội dung “bẩn” trên YouTube, TikTok, Facebook tại Việt Nam cũng đã bị xử phạt. Năm 2020, Hưng Vlog phải nộp tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông và lấy cắp tiền trong heo đất. Giữa tháng 6 vừa qua, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cũng đã xử lý 2 trường hợp V.M.H và T.D.H (trú tại Trung Liệt và Láng Thượng) về hành vi sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân để đăng tải clip trên TikTok nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người, trong khi những người này không công tác trong lực lượng công an. Đến cuối tháng 8, tiếp tục xử phạt TikToker H.M 10 triệu đồng vì nội dung nói xấu người miền Trung. Ngày 23/11, công an Hà Nội cũng đã xử phạt hai “quái xế” tuổi teen lái xe máy bằng chân trên đại lộ Thăng Long để quay clip đăng TikTok…
Cộng đồng mạng cũng đã mạnh tay hơn với những Tiktoker chiêu trò. Một số chủ quán, nhà hàng treo biển cấm cửa một số Tiktoker review ẩm thực phiến diện và nhận được sự ủng hộ của thực khách. Số khác cũng lên tiếng tẩy chay những người làm nội dung bẩn, chẳng hạn trong đó có làn sóng tẩy chay Tiktoker Nờ Ô Nô vì miệt thị người nghèo khi làm từ thiện.
Theo chuyên gia xã hội học, PGS. TS Lưu Hồng Minh, để đối phó với các trào lưu Tiktok phản cảm, cách tốt nhất là bỏ qua, không xem, không bình luận. Bởi khi mọi người càng chửi, càng bình luận thì video lại càng phổ biến, càng đạt mục đích của chủ nhân. “Tôi nghĩ TikTok cũng phải đưa ra quy định, xóa hay chặn hết những video chứa nội dung độc hại, bên cạnh đó cơ quan có thẩm quyền cũng nên có quy định về việc kiểm soát và siết chặt nội dung trên nền tảng số để tạo nên môi trường vui chơi lành mạnh”, PGS. TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cũng cho biết mọi hành vi hoạt động trên mạng xã hội đều được pháp luật quản lý. Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về những hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục là những hành vi bị cấm. Đồng thời Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện cũng có quy định về chế tài đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Hành vi này có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng hoặc ở khung hình phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tuỳ mức độ của hành vi.
Về pháp lý, với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, căn cứ điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác, nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng còn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.