Trịnh Công Sơn và… bóng đá

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao Ảnh: Tư liệu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao Ảnh: Tư liệu
TP - Năm 1998, kỳ World Cup tổ chức tại Pháp, báo Tiền Phong làm tờ Tin nhanh World Cup và Trịnh Công Sơn bình luận về bóng đá trong một bài trả lời phỏng vấn. Ông thoải mái và trẻ trung như một cổ vận động viên cuồng nhiệt.

Cái thời chưa có internet ấy, báo giấy là phương tiện thông tin đầy đủ, đa dạng về các trận đấu World Cup nên hầu như các nhật báo đều ra tin nhanh, một ấn phẩm đặc biệt phát hành mỗi ngày trong thời gian diễn ra giải. Chúng tôi thức trắng đêm xem bóng đá, đưa tin kết quả, bình luận, tin bền lề. Các nhà in thức trắng đêm in báo. Trận đấu diễn ra ở trời Âu mà sáng đến quán cà phê, cầm tờ tin nhanh thể thao đã tường thuật đầy đủ!

Tôi được giao phỏng vấn văn nghệ sĩ mê bóng đá, để họ nhận xét về giải đấu và các đội mà họ yêu thích. Thật bất ngờ, một số nhạc sĩ bảo tôi: “Hãy gọi phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông ấy rất mê bóng đá, xem hầu như không bỏ trận nào”. Tôi rất nhạc nhiên, chưa bao giờ nghe ai nói nhạc sĩ của “Nối vòng tay lớn” – một ca khúc thường được rocker biểu diễn trước các trận bóng đá lại là một tín đồ của quả bóng tròn. Liệu có gì giống nhau giữa âm nhạc và trái bóng tròn?

Tôi nghĩ rằng có thể Trịnh Công Sơn sẽ từ chối phỏng vấn, rằng: “Sao lại hỏi tôi về bóng đá? Hãy hỏi tôi về âm nhạc”, nhưng ngược lại, nhạc sĩ tỏ ra rất vui vẻ, ngạc nhiên và ngay lập tức nói chuyện về bóng đá bằng thứ tiếng Huế trong và rõ: “Tôi theo dõi tất cả các trận đấu mà tôi có thể xem được. Thậm chí tôi phải dành sức lực để xem các trận đấu trong giải này!”. 

Trịnh Công Sơn nói rằng “Bóng đá và âm nhạc đều hấp dẫn con người ở cái đẹp. Người ta xem bóng đá và yêu thích bóng đá đẹp cũng như thích những tác phẩm âm nhạc vì vẻ đẹp của chúng”.

Như những thanh niên cùng thời với mình, Trình Công Sơn rất thích thể thao. Họa sỹ Trịnh Cung - người bạn với Trịnh Công Sơn từng tiết lộ “Sơn rất giỏi thể thao. Anh tập 10 môn phối hợp rất được chú ý ở trường học. Sơn cũng giỏi về Nhu Ðạo (Judo) và Boxing”. Em trai của nhạc sĩ là Trịnh Quang Hà cũng từng chia sẻ với truyền thông rằng lúc còn trẻ “Anh Sơn đã lớn, 18-19 tuổi rồi mà chỉ thấy anh mê võ. Nhà có một cây đàn guitar gỗ cũ nhưng rất ít khi anh Sơn sờ tới”. Sau một tai nạn trong lúc tập võ và thôi thúc từ âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã rời bỏ thể thao và sáng tác khoảng 600 tác phẩm âm nhạc, một khối lượng tác phẩm khổng lồ cho thấy phía sau tấm thân hao gầy kia là một nguồn năng lượng đáng kinh ngạc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Tiền Phong năm 2008 ấy, chỉ trước khi nhạc sĩ qua đời 3 năm, nhạc sĩ vẫn rất đam mê xem bóng đá. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ chối nói về đội bóng mà ông yêu thích nhất hay ứng cử viên vô địch. Với ông, có những trận đấu đẹp, những trận đấu khác lại có những khoảnh khắc đẹp, điều đó khiến bóng đá hấp dẫn.

Dĩ nhiên Trịnh Công Sơn yêu bóng đá đẹp, nhưng nói cho cùng, cái đẹp cũng phải giành lấy chiến thắng cho mình. Đá đẹp mà thua, điều đó cũng không phải là một vẻ đẹp thực sự trọn vẹn. Tôi còn nhớ mãi câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kết thúc buổi phỏng vấn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vui vẻ và gần như hô lên, rằng: “Tôi yêu thích nhất lúc quả bóng bay vào lưới! Đó chính là khoảnh khắc đẹp nhất trong bóng đá!”.

 3/2019

MỚI - NÓNG