Chiều 25/7, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức ra mắt sau khi đã vận hành thực tế kể từ đầu năm 2019. Trung tâm này được xem là “trái tim” của thành phố thông minh của Huế. Với sự kiện này, Huế biến mình thành nơi đầu tiên trên cả nước có trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước. Mô hình smartcity của Huế, triển khai trên nền tảng của Tập đoàn Viettel, đã chiến thắng hạng mục Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng quốc tế Telecom Asia Awards 2019.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về vấn đề này.
Sau 6 tháng triển khai dịch vụ đô thị thông minh, đâu là điều khiến ông cảm thấy hài lòng nhất?
Điều hài lòng nhất của tôi là người dân đã thực sự tham gia hệ thống này. Họ cảm thấy lợi ích rõ ràng từ đó khi những phản ánh được các cơ quan chức năng kịp thời xử lý và phản hồi.
Điều này hàm nghĩa người dân đang có nhận thức cao hơn về việc triển khai các dịch vụ mà chính quyền đã đặt ra là lấy người dân làm trung tâm. Họ đã thực sự thấy mình là trung tâm. Đó là một trong những điểm tôi thấy được nhất.
Vậy còn điều khiến ông chưa hài lòng?
Thứ nhất, chúng ta chưa có một hệ thống thể chế để quản lý giám sát, tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương tỉnh trong việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân.
Thứ hai, người dân vẫn còn rụt rè khi tham gia hệ thống này. Muốn tham gia sử dụng hệ thống, họ phải xác nhận người dùng thông qua việc cung cấp địa chỉ và mã định danh công dân. Tuy nhiên, dân họ còn ngại. Họ cảm thấy có điều gì chưa yên tâm, tin tưởng.
Một trong những nguyên nhân mà tôi tìm hiểu được là người dân không muốn kê khai các thông tin cá nhân. Tuy nhiên, đây là việc làm cấp thiết để thông tin được kiểm chứng về tính chính xác và phản hồi được trả về đúng địa chỉ. Tôi khẳng định việc kê khai thông tin nhằm đem lại câu trả lời chính xác cho người dân về những vấn đề mà họ vì bức xúc đã nêu ra.
Sự e ngại, như ông nói có vẻ như đến từ lo ngại về việc an toàn bảo mật thông tin của người dân cũng như mối quan tâm về việc bị giám sát 24/24... tỉnh đã có phương án giải quyết?
Tôi cho rằng đây là những vấn đề mang tầm quốc gia. Một khi tham gia vào hệ thống, hệ thống nào cũng thế thôi, người dân sẽ phải chịu một sự giám sát nhất định. Nhưng tôi khẳng định là làm thế nào để hệ thống không xâm phạm đời tư công dân, không được rò rỉ thông tin là những quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam.
Điều quan trọng là khi tham gia, người sử dụng cũng như người giải quyết phải tạo niềm tin cho nhau trong vấn đề này.
Trong buổi ra mắt ngày hôm nay, ông cho biết để giải pháp công nghệ của Huế phát huy tính hiệu quả, cần nhất phải có sự tương thích, “may đo” phù hợp với đặc thù của tỉnh. Vậy làm thế nào để có được công thức “may đo” này hay chính xác hơn kinh nghiệm trong việc hợp tác giữa địa phương và doanh nghiệp là gì?
Phải nói thật là không phải mỗi lần “may đo” đều có được “bộ áo quần” ưng ý đâu. Nó là quá trình vừa đo, vừa thử, vừa chọn lựa kích cỡ phù hợp nhất. Đối với tôi, Viettel, đơn vị cung cấp mô hình smartcity cho tỉnh cũng thế. Quá trình đó diễn ra nhiều lần với nhiều doanh nghiệp tiếp cận.
Chúng tôi đưa ra ý tưởng, tuy nhiên, giải pháp của nhiều đơn vị có thể vượt tầm của tỉnh về kinh tế hoặc khả năng sử dụng. IBM hoặc Microsoft đưa ra những giải pháp rất hữu hiệu, quy mô nhưng năng về kinh tế của tỉnh hay việc tiếp cận của người dân chưa đáp ứng được.
Cơ hội của Huế chính là tìm cho mình một người thợ may đo được cho mình cái áo vừa nhất, đảm bảo túi tiền, và mặc nó một cách vừa phải.
Ông có tin rằng với những gì tỉnh đã làm được về đô thị thông minh, Huế sẽ trở thành niềm cảm hứng?
Chúng tôi đang thay đổi tư duy, nhận thức để thay đổi hành động. Phải đổi mới phương thức làm việc, lấy nền tảng văn hoá để phát triển, tạo ra tư duy đột phá để vươn lên. Chúng tôi xác định rằng đi sau nhưng phải đi vượt.
Tôi nghĩ rằng những điều này sẽ tạo cảm hứng cho các cấp lãnh đạo, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Mô hình tôi đưa ra là làm sao cho chính quyền tỉnh có được quy trình hiện đại và hiệu quả, thoát khỏi “vỏ bọc” mà chúng ta thường nhắc đến là bao cấp, xin cho. Sự vươn lên của chính quyền chính là thứ hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp nhìn vào.
Nếu chấm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh trên thang điểm 10, ông nghĩ sẽ được bao điểm?
Cá nhân tôi chấm 8/10 điểm.
Vậy để hướng đến một sự hoàn thiện hơn, đạt điểm số cao hơn, Thừa Thiên Huế cần có thêm giải pháp gì?
Thực tế có rất nhiều thứ cần phải làm tiếp, đặc biệt là tiếp tục nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện những phần mềm ứng dụng. Mặt khác, như tôi đã nhấn mạnh ở ban đầu, cần khiến cho người dân tin tưởng hơn vào hệ thống này. Chính quyền các cấp cũng cần có sự am hiểu hơn về hệ thống để có thể xử lý công việc tốt hơn.
Tất cả những điểm còn thiếu sót sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Tôi hay nói trung tâm đô thị thông minh muốn tồn tại phải có trái tim của đô thị thông minh. Trái tim này muốn sống được lại cần dinh dưỡng đến từ hai nguồn: Một là cơ sở dữ liệu, hai là những ứng dụng trên thiết bị di động. Hai nguồn này không thể thiếu được và cần được bổ sung để sắp tới, Huế có thể vươn lên 9,5 hay 10 trên thang điểm.
Cảm ơn ông!