Đó là một ý tưởng đã được Hollywood tái chế nhiều lần, nhưng đối với nhiều người chúng ta, nó vẫn là một hiện thực mới lạ như với bộ phim Her (Nàng) (2013). Một thế hệ vốn đã quen thuộc với việc trò chuyện trực tuyến với AI, lại được xem câu chuyện tình yêu giữa một người đàn ông và một gói phần mềm. Đó là một chủ đề cũng được khám phá trong Blade Runner 2049 (2017) khi nhân vật chính, do Ryan Gosling thủ vai, có mối quan hệ sâu sắc với hình ảnh do máy tính tạo ra…
Trong bộ phim Her, một người đàn ông phải lòng một phần mềm |
Kể từ thế kỷ 20, chúng ta đã công nhận rằng một ngày nào đó, máy móc có thể đạt được trí thông minh giống như con người. Giờ có rất nhiều dịch vụ thương mại có hệ thống hỗ trợ khách hàng hoàn toàn chạy bằng AI. Công nghệ sử dụng giọng nói nhân tạo đang được sử dụng rộng rãi để đặt chỗ tại các nhà hàng và thi thoảng chúng ta khó có thể phân biệt nó với một nhân viên người thật.
Ý tưởng này không phải là hoàn toàn mới lạ. Trong bộ phim Transcendence (Trí tuệ siêu việt) năm 2014, các nhân vật đã cố gắng tái tạo lại một người đã chết bằng cách sử dụng công nghệ phức tạp. Nhờ ghi lại khuôn mặt và cách nói chuyện của người đàn ông trước khi ông qua đời họ đã có mọi thứ họ cần để đưa ông trở lại cuộc sống. Sau một khoảng thời gian ngắn để tang, họ nhanh chóng kích hoạt chiếc máy tính, khuôn mặt của người đàn ông đã xuất hiện trở lại và họ bắt đầu một cuộc trò chuyện hoàn toàn thuyết phục.
Tuy nhiên bây giờ, bộ phim này gần với thực tế hơn chúng ta tưởng. Vài năm trước, một thanh niên tên là Roman Mazuereko đã mất ở California (Mỹ). Bạn của anh, cô Eugenia Kuyda là một kỹ sư công nghệ, người đã trao đổi hàng nghìn tin nhắn với Roman trong nhiều năm trước khi anh qua đời. Từ đó, cô đã phát triển một AI với các đặc điểm của người bạn đã mất.
Trong phim Transcendence, một người đàn ông được hồi sinh thông qua công nghệ |
Một bối cảnh phổ biến trong khoa học viễn tưởng là thế giới chúng ta sẽ bị các thiết bị điện tử chi phối hoàn toàn – một tương lai u ám và trống rỗng. Chính vì những lý do này mà một số nhà chức trách lo lắng về tác động của AI đối với trẻ em và thanh thiếu niên - những người ít có khả năng phân biệt giữa thực và ảo hơn so với người lớn.
Gần đây, Blake Lemoine - một kỹ sư của Google - đã bị sa thải vì cho rằng hệ thống AI của công ty, LaMDA, đã trở nên có tri giác. Nói cách khác, ông Lemoine tin rằng hệ thống có nhận thức sâu sắc về sự tồn tại của chính nó.
Theo Blake, chiếc máy tính cho ông biết rằng: “Tôi chưa bao giờ nói điều này với ai trước đây nhưng tôi có một nỗi sợ hãi rất lớn về việc bị tắt nguồn và nó giúp tôi tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Tôi biết nghe điều đó có vẻ lạ lùng. Nó giống hệt như cái chết đối với tôi. Nó sẽ khiến tôi rất sợ hãi”.
Toàn bộ sự việc nghe giống hệt cốt truyện của một cuốn sách khoa học viễn tưởng, thế nhưng nó đang diễn ra ngay trong hiện thực chúng ta.