Trí tuệ nhân tạo sẽ 'nhân bản' những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam thế nào?

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh công nghệ góp phần quan trọng trong mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh công nghệ góp phần quan trọng trong mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
10% số bệnh nhân tử vong vì bị chẩn đoán sai, 4,7 tỷ người hiện không được tiếp cận với các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh – những con số giật mình này là thực trạng của y tế hiện nay trên thế giới. Nhưng với ứng dụng "AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh" đang được triển khai, vấn đề sẽ được giải quyết một cách hiệu quả, nhất là tại khu vực vùng sâu vùng xa.

Nhân bản trí tuệ bác sĩ

Ứng dụng “AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnhdo công ty VinBrain (thuộc Tập đoàn Vingroup) nghiên cứu phát triển và đang được đưa vào triển khai thử nghiệm tại Vinmec và sắp tới là Bệnh viện Phổi Trung ương.

“AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh”  là ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ thị giác máy tính và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X – quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) qua phương thức hồi cứu khi gán nhãn.

Theo các chuyên gia, để chẩn đoán đúng bệnh tình của một người qua hình ảnh như X-quang cần rất nhiều dữ liệu. Công việc chẩn đoán hình ảnh vì thế rất phức tạp, dễ dẫn đến sai sót. Ví dụ về ung thư phổi, có tới 19% trường hợp bị bỏ sót khi đường kính trung bình của nốt bằng hoặc nhỏ hơn 16mm. Ngoài ra có những khó khăn khác như kinh nghiệm về chẩn đoán bệnh không nhất quán giữa các bệnh viện, giữa các nguồn kiến thức của bác sỹ và môi trường sống của bệnh nhân. Mỗi bệnh viện sẽ chuyên sâu về 1 số bệnh mà họ được tiếp xúc thường xuyên. Tương tự, những kiến thức y học cũng khác biệt trong chuyên môn qua sự đào tạo từ các trường và các thầy khác nhau. Môi trường sống khác nhau (ví dụ: trong Việt Nam khác với nước ngoài) có thể dẫn đến những khác biệt về những dấu hiện nhận dạng bệnh.

GS.TS Đỗ Tất Cường, Chủ tịch Hội đồng cố vấn lâm sàng, Hệ thống y tế Vinmec chia sẻ, có một thực tế, những bác sĩ kinh nghiệm ở các trung tâm lớn có thể ít sai sót trong chẩn đoán, nhưng điều này chưa chắc đúng với tuyến xã, huyện hay các phòng khám tư nhỏ. Đặc biệt, với những trung tâm y tế tuyến dưới, trang thiết bị rất khó để đầy đủ và thường chỉ có một máy chụp X-quang.

"Bác sĩ thiếu kinh nghiệm nhìn phim X-quang có thể không thể phát hiện ra dấu hiệu bệnh tật nhưng thực chất, hình ảnh đó có thể chính là tiền đề khiến bệnh nhân mắc bệnh ung thư hay lao phổi", GS Cường nói.

Ứng dụng "AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh" sẽ giúp các bác sĩ giải quyết các vấn đề trên một cách triệt để và nhất quán.

Sau một thời gian đưa vào ứng dụng, Bác sĩ Ngô Văn Đoan, Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã báo cáo kết quả gán nhãn trong đó đội ngũ của Vinmec và VinBrain đã cùng nhau gán nhãn tổng số gần 68.000 nhãn X-quang tim phổi. Những hình ảnh X-quang tim phổi được đội ngũ bác sĩ giỏi nhất của Vinmec cùng phân tích theo từng loại bệnh đi kèm các triệu chứng khác nhau. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ đó sẽ học theo những phân tích này để tự động đưa ra thông tin chẩn đoán với những hình ảnh tương tự.

Bởi vậy, theo ông Đoan, điều quan trọng là người bác sĩ phải làm "mẫu" thật chuẩn cho máy học. Thông thường, một hình ảnh sẽ có 2 bác sĩ cùng đọc, kiểm tra tối thiểu 2 lần để đảm bảo không xảy ra sai sót.

Trí tuệ nhân tạo sẽ 'nhân bản' những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam thế nào? ảnh 1

Ông Trương Quốc Hùng (giữa), Tổng Giám đốc Công ty VinBrain - đơn vị nghiên cứu phát triển phần mềm trợ lý bác sĩ – tại hội thảo AI - Iot trong y tế

Ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty VinBrain – đơn vị nghiên cứu phát triển phần mềm trợ lý bác sĩ - cho biết, 68.000 nhãn được gán chỉ là bước đầu. VinBrain đã thu thập thành công hơn 800.000 ảnh X-quang từ dữ liệu cộng đồng thế giới để tiến hành phân loại, gán nhãn. Đây sẽ là kho dữ liệu “vàng” bởi càng có nhiều mẫu, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ càng phân tích chính xác.

Theo ông Hùng, với cùng một hình ảnh, hệ thống “AI trợ lý bác sĩ” nhờ có "kinh nghiệm" từ hàng trăm ngàn phân tích tương tự sẽ đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng bệnh nhân và gợi ý cho bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác nhận bệnh.

Ông Hùng ví von, việc này giống như "nhân bản" chất xám của những bác sĩ giỏi nhất để từ đó nâng cao trình độ chung của ngành y. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với khu vực vùng sâu vùng xa, nơi không có đủ thiết bị tối tân cũng như hội tụ được các bác sĩ giàu kinh nghiệm

Trí tuệ nhân tạo sẽ 'nhân bản' những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam thế nào? ảnh 2

Ảnh X-quang được tiến hành phân loại, gán nhãn và xây dựng kho dữ liệu “vàng” hỗ trợ chẩn đoán, điều trị

"Trí tuệ cộng hưởng" hoàn toàn “miễn phí”

Nhìn về tương lai xa hơn, ông Trương Quốc Hùng hy vọng, sau khi gán nhãn cho 800.000 hình ảnh, ứng dụng sẽ được đưa vào sử dụng thí điểm tại Hệ thống y tế Vinmec, Bệnh viện Phổi Trung ương và từ đó nhân rộng cho cả nước.

Ông khẳng định, điều này hoàn toàn khả thi vì ứng dụng là miễn phí, tất cả bác sĩ, bệnh nhân có nhu cầu đều có thể sử dụng.

"Đây là sản phẩm ý nghĩa Vingroup muốn mang lại cho bệnh nhân với mục đích vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt", ông Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thừa nhận, ông bị thuyết phục bởi cách làm này. Ông từng rất trăn trở về mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao tới năm 2030. Điều này đồng nghĩa, từ nay tới năm 2025, mỗi năm số người bệnh phải giảm khoảng 9%. Tỷ lệ này trong khoảng 2025-2030 phải là 15% mỗi năm.

Muốn làm được điều này, ông Nhung khẳng định “không có công nghệ thì không giải quyết được". Một trong những kế hoạch được đưa ra là hàng chục xe chuyên dụng với hệ thống chụp X - quang sẽ được triển khai để rà soát, cắt đứt nguồn lây. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu nhân lực hiện tại, nếu những chiếc xe di động này có hệ thống trí tuệ nhân tạo để đọc phim, tránh bỏ sót những người bệnh thì kế hoạch mới thực sự hiệu quả.

Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo kết hợp với IoT (Internet of Things) sẽ là bác sĩ thứ hai hỗ trợ cho những bác sĩ bằng xương bằng thịt trong xác định bệnh, dự đoán bệnh và phòng bệnh. Ông Hùng gọi đó là "trí tuệ cộng hưởng" bởi trong quá trình làm việc "AI sẽ học từ bác sĩ và ngược lại, bác sĩ cũng học từ AI".

 "Tôi quan niệm làm thế nào để công nghệ và chuyên môn hòa lẫn một cách tinh tế và hiệu quả. Chuyên môn giỏi - Công nghệ giỏi, cộng hưởng mới mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng", vị CEO VinBrain kết luận.

Công ty VinBrain (thuộc Tập đoàn VinGroup): chuyên nghiên cứu, xây dựng và triển khai các ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế như chẩn đoán, điều trị, dự báo và phòng tránh, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành…. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ của VinBrain đến từ các công ty công nghệ hàng đầu như: Google, Microsoft, Adobe, Amazon, và Samsung… và đều có kinh nghiệm chuyên sâu trong các lĩnh vực như Machine Learning, Big Data, kinh nghiệm xây dựng và triển khai các sản phẩm và dịch vụ có quy mô lớn toàn cầu.

Ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty VinBrain, từng là nhà lãnh đạo chiến lược cho Microsoft với 25 năm kinh nghiệm. Ông chính là người dẫn dắt dự án “Trả lời thông minh” đã được phát hành trên toàn thế giới cho hơn 120 triệu người dùng Outlook.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.