Trẻ hôn mê, loạn tri giác vì miếng dán chống say xe

Nguy hiểm khi dùng miếng dán chống say xe cho trẻ.
Nguy hiểm khi dùng miếng dán chống say xe cho trẻ.
TPO - Đây là thông tin được BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cảnh báo ngày 9/8, bởi hiện đang có rất nhiều phụ huynh lạm dụng miếng dán chống say xe dùng cho trẻ, vô tình làm cho trẻ rơi vào tình trạng mê man, loạn thần.

Mới đây, bé gái 9 tuổi ở H. Hóc Môn được người nhà đưa tới BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, la hét, bò quanh khắp phòng. Gia đình bệnh nhi cho biết, do đạt được thành tích tốt trong quá trình học tập, bé được thưởng chuyến đi chơi xa. Do say xe, nhưng không muốn uống thuốc nên bố mẹ mua miếng dán chống say xe, dán hai bên mang tai cho bé. BV phải giữ lại điều trị nhiều ngày, bệnh nhi mới trở lại bình thường.

Theo BS Khanh, khoa cũng thường xuyên tiếp nhận những ca trẻ gặp biến chứng khi sử dụng miếng dán chống say xe. Đặc biệt trong dịp hè, khi trẻ được bố mẹ cho đi chơi xa thì số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn. “Miếng dán chống say tàu xe thường có chỉ định không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Thế nhưng nhiều phụ huynh chủ quan, không đọc kỹ cách sử dụng, thậm chí cắt đôi miếng dán, dán cho con chỉ mới 4-5 tuổi.” – BS Khanh nói.

Trẻ hôn mê, loạn tri giác vì miếng dán chống say xe ảnh 1 BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho biết, miếng dán chống say xe khi dùng cho trẻ nhỏ dễ gây loạn thần, hôn mê.

Đừng tưởng miếng dán chỉ dùng ngoài da thì không ảnh hưởng, thực ra, thuốc từ miếng dán này sẽ thấm vào máu. Với người lớn, cứ 10 người dùng thì có 1 người bị ảnh hưởng như cảm giác lừ đừ, khó chịu. Còn với trẻ nhỏ sẽ gây loạn thần, ảo giác, la hét, có nhiều hành động bất thường… - chuyên gia y tế cảnh báo.

Đa số trẻ đều có những biểu hiện giống viêm não nên phụ huynh không dám để ở nhà, mà thường đem ngay vào BV điều trị. Tuy nhiên, lúc vào viện là phụ huynh phải khai ngay để BS có cách điều trị, tránh phải lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhiều lần. Đa số các trường hợp trẻ bị loạn thần, lừ đừ do miếng dán chống say xe đều chữa khỏi.

Để chống say xe cho trẻ, không cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói; không nhắc trẻ “ráng đừng nôn”; cho trẻ ngồi phía trước xe, tránh gió lùa trực tiếp vào mặt; dùng các phương pháp dân gian như ngửi các loại vỏ cây có tinh dầu như cam, quýt, gừng…

MỚI - NÓNG