Trẻ dậy thì sớm có liên quan ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình trạng dậy thì sớm ở trẻ được xác định là do nhiều yếu tố khác nhau, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp trẻ hạn chế được những tác động không mong muốn đến tăng trưởng.

Trong Hội thảo khoa học về “Dậy thì sớm ở trẻ em” tổ chức mới đây tại TPHCM, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phó trưởng Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược TPHCM kiêm Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, gần đây nhiều phụ huynh thắc mắc về việc bác sĩ ở một số bệnh viện tuyến cơ sở khuyến cáo không nên cho trẻ ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa vì đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới dậy thì sớm. TS Quỳnh khẳng định, khuyến cáo trên là thiếu cơ sở khoa học và không chính xác. “Những hormon trong sữa và thịt như hormon tăng trưởng bò (rBGH) nhân tạo đều bị phân hủy thành axit amin khi đi qua dạ dày bởi bản chất của nó là peptide. Bản chất của thịt và sữa là protein chứ không phải là steroid (giống như hormon sinh dục). Do đó, thịt và sữa không thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ”, bác sĩ Quỳnh nói.

Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trẻ dậy thì sớm là do ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa. Tuy nhiên, thịt và sữa có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm đối với những bé gái ăn uống quá nhiều dẫn tới béo phì có nồng độ cao protein leptin trong máu. Leptin là yếu tố kích thích, giải phóng 3 hormon chính của dậy thì ở bé gái (GnRH, LH và FSH). Do đó, một chế độ ăn uống phù hợp và khoa học là cần thiết cho sự phát triển cân đối của trẻ.

“Từ năm 2017 đến giữa năm 2021 có gần 700 trẻ được chẩn đoán bị dậy thì sớm thực tế trong cộng đồng, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Số lượng trẻ đến khám có biểu hiện dậy thì dưới 8 tuổi chiếm gần 40%, từ 8 tuổi đến 9,5 tuổi đang chiếm hơn 60%”. PGS.TS.BS Vũ Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết chuyển hóa di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo bác sĩ Quỳnh, trẻ dậy thì sớm cần được hỗ trợ y tế, được thăm khám, xét nghiệm, chụp X-quang xương… để phát hiện nguyên nhân và đánh giá tác động của dậy thì sớm lên sự phát triển của trẻ. Tùy từng trường hợp và mức độ dậy thì, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp theo cá thể để giúp trẻ hạn chế những tác động không mong muốn của tình trạng dậy thì sớm và tối ưu hóa chiều cao ở tuổi trưởng thành. Do đó, phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ và đưa đến bệnh viện chuyên khoa nhi để được chẩn đoán, hỗ trợ kịp thời.

Trong vài thập kỷ gần đây, các nghiên cứu ghi nhận, tuổi dậy thì (ở nữ trên thế giới) đã giảm xuống dưới 13. Trẻ em Việt Nam đang bước vào tuổi dậy thì sớm hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Ngoài các yếu tố liên quan đến di truyền thì sự tác động của hóa chất tồn dư trong thực phẩm hoặc hóa chất trong một số vật liệu dẻo được sử dụng để làm bình sữa, vật dụng đựng thức ăn có thể gây rối loạn nội tiết, dẫn tới tình trạng dậy thì sớm”, bác sĩ Quỳnh nói.

MỚI - NÓNG