Dự lễ trao Giải thưởng có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng.
Giải thưởng Quả Cầu Vàng được triển khai từ năm 2003, với tên gọi Giải thưởng Khoa học kỹ thuật (KHKT) Thanh niên mang tên “Quả Cầu Vàng” nhằm vinh danh 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất về khoa học kỹ thuật. Những năm trước đây, giải thưởng chỉ triển khai duy nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Năm 2011, giải thưởng được mở rộng xét trao cho 4 lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường. Năm 2016, tên gọi của Giải thưởng KHKT Thanh niên Quả Cầu Vàng được đổi thành Giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Thanh niên Quả Cầu Vàng và mở rộng thêm lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới.
Sau gần 2 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016 đã nhận được 61 hồ sơ đến từ 21 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc, Hội Thầy thuốc Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Hội đồng bình chọn Giải thưởng đã chọn ra 10 tài năng trẻ có thành tích đặc biệt xuất sắc trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016. Trong 10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016 có 8 người là Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ và 1 sinh viên sinh năm 1994 thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sinh năm 1994, đây cũng là cá nhân trẻ tuổi nhất năm nay.
10 tài năng trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016
Danh sách và thành tích nổi bật của 10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016:
Tiến sĩ Lê Đức Tùng, sinh năm 1984, Giảng viên Viện Điện-Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu quốc tế về Khoa học và kỹ thuật tính toán, Đại học Bách khoa Hà Nội. TS Tùng đã công bố 6 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 13 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước và nhiều đề tài cấp trường.
Phạm Việt Khôi, sinh năm 1994, Sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM đạt Giải Nhất lập trình ACM/ICPC Việt Nam năm 2014; Hạng 7/56 đội tại kỳ thi lập trình ACM/ICPC Châu Á – khu vực tổ chức tại Singapore 2015; Giải Nhất lập trình ACM/ICPC Châu Á – khu vực Việt Nam tại Hà Nội năm 2015; Giải nhì Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt năm 2015 về ứng dụng trên thiết bị di động với sản phẩm BusMap - Xe buýt TPHCM. Tác giả của 2 bài báo khoa học quốc tế về Human-Computer Interaction của Ý năm 2014 và Mỹ năm 2015.
Tiến sĩ Dương Trọng Hải, sinh năm 1981, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. TS Hải có 17 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế (trong đó có 13 bài thuộc danh mục ISI), 26 bài báo đăng trên kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, đồng tác giả của 5 cuốn sách. Thành viên chính đề tài cấp nhà nước (Nafosted) và chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1983, nghiên cứu viên, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. TS Hùng đã công bố 21 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 12 bài báo ở các hội thảo trong nước và quốc tế, 1 sách chuyên khảo bằng tiếng Anh (xuất bản ở Đan Mạch), chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở.
Tiến sĩ Hà Thị Kim Thanh, sinh năm 1986, chuyên viên Trung tâm Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng. TS Thanh có 3 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, 5 bài báo đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước; tham gia 5 đề tài, dự án cấp cơ sở.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh, sinh năm 1981, giảng viên Bộ môn Dược Lý, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. TS Ngọc Trinh đã công bố 26 bài báo khoa học, trong đó có 9 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới thuộc hệ thống SCI, SCIE; 6 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế (có phản biện), 10 bài báo khoa học tại hội nghị trong nước). Trong số 26 bài báo khoa học có 1 bài đạt giải Bài báo hay nhất năm 2012 của Tạp chí Dược phẩm Châu Âu.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1987, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. ThS Hải có 17 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí quốc tế, 22 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí trong nước, 4 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế, chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở.
Tiến sĩ Trần Đình Phong, sinh năm 1981, giảng viên Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. TS Phong đã công bố 38 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, đặc biệt là tạp chí Nature Materials và Nanoletters, đây là hai tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu. Tổng số trích dẫn cho tất cả các công trình đã công bố là 2100 lần.
Tiến sĩ Bạch Long Giang, sinh năm 1983, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. TS Giang có 48 bài báo đăng trên Tạp chí khoa học Quốc tế thuộc danh mục ISI, 12 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Việt Nam và tham gia 18 Hội nghị Khoa học quốc tế về Công nghệ Vật liệu Nano và Ứng dụng, là thành viên của nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp nhà nước và quốc tế.
TS Tiến sĩ Trương Hải Nhung, sinh năm 1985, Phó trưởng Khoa Khoa Sinh học & Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM. TS Nhung có 16 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí quốc tế, 10 công trình đăng trên tạp chí trong nước, 8 báo cáo tại hội nghị quốc tế, đồng tác giả 3 cuốn sách quốc tế và 1 cuốn sách trong nước.
Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016: Mỗi cá nhân đạt giải thưởng được nhận Cúp biểu trưng; Giấy chứng nhận Giải thưởng của T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học & Công nghệ; Huy hiệu “Tuổi trẻ Sáng tạo” của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phần thưởng bằng tiền mặt 20 triệu đồng.