Nguyễn Mạnh Đức kéo khán giả về nông thôn Bắc Bộ của những năm tháng cũ. Anh dựng nhà, dựng giường, dựng tủ ngay trong triển lãm. Đồ vật nào trong triển lãm cũng gây bất ngờ. Giường phát ra tiếng ngáy. Mở cánh cửa của chiếc tủ gỗ thì giọng lão Hạc, phim “Lão Hạc”, vang lên. Ngồi xuống chiếc ghế trong ngôi nhà có mái được lợp bằng những bức tranh, nền gạch cũng bằng tranh, tự dưng khách lại được nghe ca trù… Theo chia sẻ của họa sĩ Từ Ninh, em trai Đức Nhà sàn, ngôi nhà tuyền bằng tranh, cộng với bộ bàn ghế phát ra âm thanh, đã có người mua ngay từ khi mới mở triển lãm. Gạch lát nền cũng đã có người đăng ký mua hết. Khách mua toàn là những nhân vật tên tuổi trong làng văn nghệ Việt Nam.
Cửa vào triển lãm có hình số 0 mang thông điệp của chủ nhân: Khi vào đây với tôi, hãy bỏ mọi định kiến bên ngoài, đừng mang theo nhận thức, quan điểm cá nhân. Khi bạn ra về tôi cũng không yêu cầu bạn mang không gian này đi theo.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thích con số 0 vì anh cho rằng, con số 0 là sự cân bằng. Hơn một trăm bức tranh được treo trong triển lãm được làm từ chất liệu đặc biệt, chịu được nhiệt, lại có khả năng chống cháy, nhẹ hơn gỗ. Nhiều khán giả nhận ra những bức tranh của Đức Nhà sàn không chỉ thích hợp trang trí trong nhà, vững bền cả trăm năm mà còn thích hợp treo ở phòng tắm, phòng vệ sinh. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức hoàn toàn vui vẻ với ý kiến mang tranh anh treo ở toilet. Treo tranh ở toilet là nhu cầu có thực của những người yêu thích hội họa. Không dễ để có một bức tranh treo ở nơi đặc biệt này, vì vấn đề chất liệu. Nguyễn Mạnh Đức giải bài toán hóc búa một cách nhẹ nhàng.
Lại nhớ cách đây nhiều năm khi tôi hỏi Lê Quảng Hà về những bức tranh kích thước lớn của anh nên treo ở đâu thì hợp? Lê Quảng Hà đáp: “Tranh tôi treo ở toilet”. Đừng nghĩ các họa sĩ hạ giá mình khi chọn toilet làm nơi ở của những “đứa con tinh thần”. Tranh đẹp cũng như mỹ nhân đặt ở đâu cũng tỏa sáng. Phải tự tin mới có thể cười khi chọn nơi treo tranh là… phòng vệ sinh.