Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam: Phía Công ty Sen Vàng mời luật sư vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phản hồi lại những thông tin về việc tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam, phía Công ty Sen Vàng đã mời luật sư vào cuộc và đưa ra những bằng chứng khẳng định sở hữu bản quyền của mình.

Mới đây, phía công ty Minh Khang Việt Nam - đơn vị sở hữu bản quyền cuộc thi Miss Peace Vietnam đã yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ tiến hành giám định về việc Công ty Sen Vàng sử dụng nhãn hiệu “HOA HẬU HÒA BÌNH VIỆT NAM” có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “VIET NAM PEACE BELLA".

Vào ngày 25/6 vừa qua, công ty Minh Khang đã công bố 2 văn bản gồm: Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho rằng Công ty Sen Vàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam: Phía Công ty Sen Vàng mời luật sư vào cuộc ảnh 1

Bà Phạm Kim Dung và công ty Sen Vàng thông qua Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam đã đưa ra những phản hồi chính thức trước những tuyên bố mới nhất của công ty Minh Khang

Phản hồi lại thông tin trên, công ty Sen Vàng (đơn vị sở hữu Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) vào chiều 28/6 đã có văn bản cho biết “những kết luận từ phía công ty Minh Khang nói công ty Sen Vàng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không chính xác, không khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng”.

Cụ thể, Theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Điều lệ Tổ chức và hoạt động Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-BKHCN ngày 13/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn và đào tạo huấn luyện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nói cách khác, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không phải là một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng - Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam với tư cách là đại diện pháp lý của công ty Sen Vàng cho biết: “Kết luận giám định mà Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra theo yêu cầu giám định của người yêu cầu chỉ là kết quả cung ứng dịch vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ mà không phải là kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoàn toàn không có giá trị kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ cá nhân tổ chức nào.

Các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là hoàn toàn thiếu cơ sở, không chính xác và không khách quan. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không đủ điều kiện để trở thành tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”.

Trước đó, Bà Phạm Kim Dung – Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng – đã công bố tác quyền đối với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Cục bản quyền tác giả cấp phép. “Tôi khẳng định rằng các cuộc thi có sử dụng tên gọi “Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam” mà không do Công ty Sen Vàng tổ chức không phải là cuộc thi nằm trong khuôn khổ của Cuộc thi Miss Grand International - Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế và sẽ không có chức năng chọn ra người đẹp đủ điều kiện để đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế (Miss Grand International)" - Bà Phạm Kim Dung cho biết thêm.

Tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam: Phía Công ty Sen Vàng mời luật sư vào cuộc ảnh 2

Trước đó, Bà Phạm Kim Dung – Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng – đã công bố tác quyền đối với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Cục bản quyền tác giả cấp phép.

Bà Phạm Kim Dung chia sẻ việc tổ chức Cuộc thi Hoa Hậu Hòa Bình Việt Nam được coi là tiền đề để Việt Nam được cân nhắc, xem xét trở thành nơi đăng cai tổ chức của cuộc thi Miss Grand International – Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế năm 2023.

“Nhưng tranh chấp liên quan đến tên gọi của cuộc thi Miss Grand International - Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế, của người hâm mộ, khán thính giả theo dõi các cuộc thi sắc đẹp. Nếu sự việc này còn tiếp tục kéo dài và không được giải quyết một cách thỏa đáng sẽ có thể gây nên tâm lý e ngại khi hợp tác và đầu tư vào Việt Nam của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế" - bà Phạm Kim Dung chia sẻ.

MỚI - NÓNG