Nghe cứ như lời thách của Trấn Thành với những người ngoài nghề. Mà những người ngoài nghề chắc là… khán giả (chứ còn ai?).
Một nghệ sĩ chân chính không bao giờ thách thức những người xây nên hào quang cho mình. Có lẽ, Trấn Thành quên khán giả còn được gọi bằng từ khác: “Thượng đế”.
Trấn Thành không phải người đầu tiên vén màn đời nghệ sĩ sau ánh hào quang. Ngay trong sáng tác, đã có Kiếp cầm ca, ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ Huỳnh Anh: “Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ/Đời ca hát cho người mua vui/Nhưng khi cánh nhung khép im lìm/Ánh đèn lặng tắt/Gởi ai nỗi niềm…”.
Cố tác giả Huỳnh Anh viết những ca khúc này riêng cho một người đàn bà đẹp, tài năng chói sáng trên sân khấu mà lớp lớp nghệ sĩ sau này ngưỡng mộ. Bà được khán giả trẻ hôm nay tôn vinh “Idol của các Idol” - cố nghệ sĩ Thanh Nga.
Vì sao ca khúc nói về khoảng lặng của người nghệ sĩ có sức sống bền bỉ đến hôm nay, cho dù đời nghệ sĩ hôm nay cũng đã khác nhiều so với thời cố nghệ sĩ Thanh Nga?
Bởi vì Huỳnh Anh đã vẽ bằng âm nhạc hình ảnh đối lập về người nghệ sĩ khi rực rỡ trên sân khấu và sự cô đơn khi cánh màn nhung khép lại.
Sao không về quê nuôi cá và trồng thêm rau?
Nhiều tài khoản hỏi Trấn Thành: “Khó nuốt thì ai bắt nuốt?”.
Cứ nghe nhạc Đen Vâu là tìm ngay ra cách giải cứu nỗi khổ của Trấn Thành: “Về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Nhưng mấy ai sẵn sàng từ bỏ danh vọng để về quê làm nông nghiệp?
Không cần Trấn Thành khoe, khán giả vẫn biết anh là một trong những “đại gia” của làng giải trí Việt hiện nay. Không phủ nhận anh đa tài, “sân” nào cũng nhảy: Làm MC, làm diễn viên, làm ca sĩ rồi đạo diễn, nhà sản xuất...
Riêng phim ảnh đã mang lại cho Trấn Thành vật chất rôm rả. Anh đụng phim nào thắng lớn phim ấy, ở mảng doanh thu. Có phải vì thế nên luận đời nghệ sĩ, Trấn Thành lập tức nhắc đến tiền và hào quang?
Chẳng lẽ, anh cho rằng người ta muốn thành nghệ sĩ chỉ vì ước muốn có nhiều tiền và hào quang lấp lánh?
Anh đã quên cố NSND Trần Hạnh khắc khổ từ phim đến đời? Anh đã quên nhà văn, diễn viên Mạc Can, bệnh tật và nghèo khó?... Thế mà họ vẫn đeo bám đời nghệ sĩ đến già, đến tàn hơi thở?
Có những thứ quan trọng hơn cả tiền bạc và hào quang, ấy là tình yêu nghề nghiệp. Chính phẩm chất này khiến nghệ sĩ chân chính trụ lại với nghề dù nghề có lúc gieo đắng cay.
Nhưng những giọt nước mắt của người nghệ sĩ thường rơi trong âm thầm. Ai lại nói: “Đời nghệ sĩ khó nuốt”, như Trấn Thành cơ chứ!
Trấn Thành trong phim Bố già. |
Chẳng nghề nào dễ và “lao động là vinh quang”
Phát ngôn của Trấn Thành gây “bão” không chỉ trong làng giải trí mà lan rộng, nhiều người không phải nghệ sĩ cũng chạnh lòng thay.
Câu hỏi nhiều tài khoản đặt ra cho Trấn Thành: "Nghề nào dễ nuốt”? Nghề lao công chăng?
Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu từng có bài thơ chắc chắn nam MC, diễn viên, đạo diễn… đã học, từng đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác…”
(Tiếng chổi tre).
Hay nghề giáo viên?
Các nhạc sĩ cũng đã sáng tác không ít về họ. Hiện nay, sự nghiệp trồng người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn vô cùng gian nan.
Mà, nói gì xa xôi, ngay đời nghệ sĩ không phải ai cũng giống ai. Ở trên, đã nhắc cố NSND Trần Hạnh, nhà văn, diễn viên Mạc Can. Nhưng danh sách những nghệ sĩ chật vật với đời sống áo cơm ở ta còn dài. Trấn Thành chỉ đứng ở góc nhìn của mình để luận về đời nghệ sĩ.
Nhắc đến nghệ sĩ thực ra là nhắc đến những người hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau như văn chương, mỹ thuật, âm nhạc… Chỉ số ít đời nghệ sĩ có cả tiền bạc và hào quang. Trấn Thành may mắn góp mặt trong số ít đó.
Nhà bà Nữ của Trấn Thành có doanh thu 460 tỷ đồng. |
Sao Việt có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội
Trước khi cơn bão “khó nuốt” ập đến, Trấn Thành đã gây xôn xao với biệt danh tự nhận: “Mr Riêng tư”. Đây là cách phản ứng của anh trước ồn ào chen hàng, bao rạp. Xem trang cá nhân của Trấn Thành sẽ thấy tấm ảnh anh đứng bên chú cừu với dòng chú thích: “Chào con!Con ở đây có riêng tư không?Kkkkkk”.
Chính Trấn Thành chứ không phải khán giả, hay người tố anh “chen hàng, bao rạp” khiến ồn ào này kéo dài.
Bây giờ anh lại phát ngôn với những từ ngữ không đẹp. Nghệ sĩ vốn được đánh giá là những người yêu cái đẹp, coi trọng giá trị tinh thần nhưng Trấn Thành nói về đời nghệ sĩ lại chỉ xoay quanh: “Khó nuốt”, “Tiền”, “Hào quang”, "Cần riêng tư". Vì thế, nhiều đồng nghiệp không thể bình tĩnh với phát ngôn của Trấn Thành cũng dễ hiểu. “Được ăn sung, mặc sướng. Được ăn trên, ngồi trước mà còn không biết điều”, xin trích dẫn một phản ứng từ đồng nghiệp của Trấn Thành.
Một số tài khoản cho rằng: Đừng trầm trọng hóa phát ngôn của Trấn Thành. Nhưng cần nhớ Trấn Thành là sao Việt có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Mỗi lời nói, việc làm của anh tác động không nhỏ tới cộng đồng.
Đành rằng Trấn Thành sử dụng văn nói, không cần hoa mỹ song khi phát ngôn công khai trong một sự kiện, nghệ sĩ cần lựa lời, để tôn trọng người nghe và thể hiện phông văn hóa của mình.