Trần Lực lội ngược dòng ra mắt sân khấu tư nhân

“Cơn ghen của Lọ lem”, vở diễn thứ hai theo phong cách Trần Lực. Ảnh: Nguyên Khánh.
“Cơn ghen của Lọ lem”, vở diễn thứ hai theo phong cách Trần Lực. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Sau khi ghi dấu ấn với vở Quẫn, Trần Lực thừa thắng xông lên ra mắt tiếp vở Cơn ghen của Lọ lem và chính thức ra mắt đoàn kịch tư nhân Lực Team tối 23/11 tại rạp Kim Mã, Hà Nội.

“Lẩu” thời sự

Không nặng như Quẫn, Trần Lực chọn chuyển thể kịch Cơn ghen của Lọ lem của Molière lên sàn diễn. Trong nhiều cuộc nói chuyện với Trần Lực, anh say sưa nói về phong cách dựng vở Quẫn được giới phê bình và khán giả đón nhận. “Chúng tôi theo đuổi phong cách biểu hiện ước lệ”, anh nói. Trần Lực giải thích, ước lệ chẳng xa lạ mới mẻ gì, thế giới làm nhiều và ngay trong nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo cũng sẵn: Uớc lệ về không gian thời gian, vũ đạo. Sinh ra trong gia đình nghệ thuật truyền thống, Trần Lực kể khi sang Bulgaria học thầy giáo nhận xét anh “thấm đẫm” nghệ thuật truyền thống, dặn nhất định phải theo sân khấu.

Những người từng thấy phấn khích và lạ lẫm với Quẫn vẫn tiếp tục hứng thú khi xem Cơn ghen của Lọ lem. Kịch bản này của Molière nằm trong chùm kịch chế giễu xã hội Pháp thời xưa với những con người, thói tật lố bịch kệch cỡm. Qua bàn tay Trần Lực, khán giả thấy một không khí rất gần gũi với xã hội Việt Nam đương đại. Nào là những màn xe ôm ca, thói sống ảo, đả kích bệnh thành tích và rởm đời. “Khán giả sẽ thấy vở kịch của Trần Lực là một nồi lẩu, nhưng là thứ lẩu có tay nghề rất cao”, biên kịch Đỗ Trí Hùng nói. Những chuyện như buôn lụa Trung Quốc về bán ở Hàng Gai, trọc phú xúc cát bỏ tiền mua hãng phim được lồng ghép trong những câu thoại khá duyên.

Không bục bệ cồng kềnh, sân khấu được tối giản hết sức. Diễn viên không chôn chân một chỗ mà sinh động trong mỗi cử chỉ, vũ đạo và hát hò nhảy múa. Một diễn viên thừa nhận họ phải rèn luyện nhiều năm mới quen được với lối diễn này, đòi hỏi tâm lý cực kỳ vững. Một số diễn viên được đào tạo theo lối cũ và làm việc ở các nhà hát cũng chào thua, không theo được.

Cơn ghen của Lọ lem dựng theo lối náo kịch, pha giữa phong cách ước lệ mượn từ sân khấu truyền thống với ngôn ngữ hình thể đương đại. Vở diễn đánh trúng vào khoảng trống hiện nay-tính giải trí. Nhiều vở hài, chùm tiểu phẩm quen thuộc bao năm ở một số nơi cố tình gây cười, kỳ thực không mang lại tính giải trí thực thụ cho khán giả. Xem kịch ở sân khấu Trần Lực, khán giả đầu tiên sẽ ngỡ ngàng, sau sẽ thích thú và bị cuốn theo không khí hừng hực của đội diễn viên trẻ. Không có kinh nghiệm nhưng đội trẻ ấy thừa nhiệt huyết để lăn lộn trên sân khấu. So với những ngày đầu trên sàn tập, vở diễn được hoàn thiện và nắn chỉnh từng chút một thêm phần sinh động, tinh tế hơn.

Ngược dòng

Trong thời kỳ các nhà hát và sân khấu xã hội hoá trong Nam lẫn ngoài Bắc vật lộn tìm khán giả, Trần Lực lại xông xáo mở sân khấu tư nhân khác nào đi ngược dòng. “Nhiều người hỏi tôi như thế, nhưng tôi nghĩ đơn giản sân khấu cũng như các loại hình khác đều có giá trị của nó. Những năm 70, 80 sân khấu chiếm lĩnh thị trường, giờ mọi người cho rằng truyền hình, gameshow cướp mất khách sân khấu. Tôi cho rằng sân khấu vẫn giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên sân khấu chúng ta giống nhau quá, bao nhiêu năm nay vẫn đi theo hiện thực tâm lý. Phương pháp này hay không, rất hay nhưng chúng ta làm chưa tới và khán giả “ăn” nhiều quá đâm nhàm”, Trần Lực nói.

Ước mơ từ thời sinh viên có đoàn kịch riêng, giờ Trần Lực tự thấy thiên thời địa lợi, lại có niềm tin ở dấu ấn riêng. Đạo diễn “trẻ” khởi nghiệp ở địa hạt sân khấu này không đơn độc, anh có 12 sinh viên vừa tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp sát cánh. “Được gặp thầy Trần Lực là điều vô cùng may mắn”, Phương My nói. Cô gái đóng vai ô sin trong Cơn ghen của Lọ lem hào hứng với phong cách mới so với sân khấu hiện nay vì sử dụng nhiều ngôn ngữ hình. Tuy nhiên, My cũng nói tới những thử thách ban đầu khi các thành viên đội của Trần Lực chịu đau đớn để bẻ cơ khi theo học lớp xiếc cơ bản.

Duy trì một đoàn kịch, một sân khấu tư nhân có phong cách riêng không phải chuyện đùa, ông bầu Trần Lực khẳng định đoàn kịch hoạt động như một công ty, có giấy đăng ký kinh doanh. “Doanh nghiệp phải duy trì và tồn tại, chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp nghệ thuật hàng đầu. Muốn vậy chúng tôi buộc phải lạ, cuốn hút người xem”, anh nói. Không có điểm diễn cố định cho nên phải thuê rạp Kim Mã, Trung tâm Văn hoá Pháp, thầy trò Trần Lực khẳng định chỉ còn cách dựa vào tác phẩm. Sẵn trong tay Quẫn Cơn ghen của Lọ lem, đôi bạn thân Trần Lực-Đỗ Trí Hùng ấp ủ nhiều dự án kịch tình yêu lẫn lịch sử theo phong cách biểu hiện ước lệ.

MỚI - NÓNG