Trái khoáy việc đặt tên cầu ở Huế

Trái khoáy việc đặt tên cầu ở Huế
TP - Mới đây, ngày 31-8, trong lễ khánh thành chiếc cầu đường bộ bắc qua sông Hương, người dân Huế ngạc nhiên khi biết chủ dự án đặt cho nó cái tên Cầu đường bộ Bạch Hổ. Khoảng chục ngày nay ngồi đâu dân Huế cũng bàn tán chuyện này.

Khoảng hai chục năm nay, những người quan tâm đến văn hóa của vùng Huế đã nhiều lần ngạc nhiên, vì sự “trái khoáy” do nhà chức trách đặt tên cho một số chiếc cầu.

Như chuyện cầu Trường Tiền sau khi trùng tu được gắn biển là Tràng Tiền. Hay như cầu Trừng Hà được gán cho cái tên Trường Hà, cầu Huyền Hạc được đổi thành cầu Bạch Yến, cầu Bạch Hổ được gắn lại biển với cái tên mới là Kim Long.

Cầu Trừng Hà hay Trường Hà ?

Địa danh Trừng Hà đã xuất hiện từ hơn 200 năm nay trong các bộ sách lịch sử và địa chí của triều Nguyễn, như bộ Đại Nam Thực lục, bộ Địa bạ của các làng xã, được thực hiện từ năm 1810 dưới thời Gia Long.

Trừng Hà là tên của một trong 354 làng của tỉnh Thừa Thiên thuở ấy. Làng này nằm bên bờ phá Tam Giang, thuộc địa phận huyện Phú Vang. Theo chữ Hán - Trừng Hà nghĩa đen là “sông trong”.

Bao thế hệ trong làng từ xưa đến nay đều ghi địa danh ấy vào trong mọi loại giấy tờ, từ giấy khai sinh, gia phổ, giấy hôn thú, giấy nhà đất, cho đến thẻ chứng minh nhân dân.

Đùng một cái, khi xây chiếc cầu hiện đại từ làng này bắc qua phá Tam Giang, chẳng hiểu vì lý do gì mà “ông giao thông” tự tiện đổi tên Trừng Hà thành ra Trường Hà (nghĩa đen là “sông dài”)!

Cầu Huyền Hạc hay Bạch Yến?

Cầu Huyền Hạc nằm trước mặt cửa Chánh Bắc (cửa Hậu) và cầu Bạch Yến nằm trước mặt cửa Chánh Tây của Kinh Thành. Cả hai cầu đều bắc qua hệ thống Hộ Thành Hà, được xây dựng vào năm 1808, và tọa lạc ở hai mặt thành khác nhau: một ở mặt bắc (tại một vị trí của sông Đào) và một ở mặt tây (tại một vị trí của sông Kẻ Vạn).

Ngày xưa, các cầu chung quanh Kinh Thành đều được triều đình dựa vào Dịch lý và thuật Phong thủy để đặt tên. Các cầu đã được định danh bằng sự phối hợp giữa ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ sắc (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng), ngũ phương (tây, đông, bắc, nam, trung ương) và tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ). Như vậy, nghe tên cầu còn có thể xác định được phương hướng.

Vào năm 1994, chính quyền đã cho xây dựng một cây cầu hiện đại ở vị trí cầu Huyền Hạc cũ. Khi xây xong, vào năm 1997, đáng lẽ phải đặt tên là cầu Huyền Hạc như xưa thì “ông giao thông” lại cắm ở đầu cầu một tấm biển đề tên là “Cầu Bạch Yến”!? Ngày xưa, hai cầu Bạch Yến và Bạch Hổ đều nằm ở phía tây của Kinh Thành.

Cầu Bạch Yến tọa lạc phía trước cửa Chánh Tây và cầu Bạch Hổ nằm trên con đường vượt qua sông Kẻ Vạn để đi lên Kim Long - nay bỗng dưng được gắn biển đề là cầu Kim Long.

Chiếc cầu mới bắc qua sông Hương nên đặt tên là Bạch Hổ hay Dã Viên?

Vào năm 1908, khi chiếc cầu bằng sắt bắc qua sông Hương được xây dựng xong và bắt đầu hoạt động để nối tuyến tàu hỏa Bắc – Nam, thì nó được đặt tên là cầu Dã Viên, vì đoạn giữa của cầu này gác lên cồn Dã Viên trên sông Hương (nói một cách chính xác hơn, phần giữa của đoạn đường sắt ở đây đã được xây dựng ngay trên mặt đất của cồn Dã Viên).

Nhưng, vì đầu phía bắc của cầu này nằm quá gần cầu Bạch Hổ cũ (nay gọi là cầu Kim Long), cho nên có một số người đã gọi nhầm cầu Dã Viên là cầu Bạch Hổ.

Địa danh Dã Viên đã xuất hiện tại chỗ từ năm 1868, khi vua Tự Đức cho xây dựng xong một khu vườn ngự trên cồn này và đặt tên cho nó là Dữ Dã Viên, còn được nhà vua gọi tắt là Dã Viên.

Ý nghĩa của địa danh Dã Viên đã được gợi hứng từ một câu chuyện ghi chép trong sách Luận ngữ. Câu chuyện là một cuộc đàm thoại giữa Đức Khổng Tử (551 – 479 TCN) và bốn môn đệ của ông.

Trước năm 1868 dưới thời Tự Đức, cái cồn này giữa sông Hương vẫn chưa có tên. Khi xây dựng xong khu vườn ngự ở đó, nhà vua mới đặt cho nó cái tên Dã Viên. Từ đó, người Huế mới gọi tên cồn này là cồn Dã Viên.

Đến năm 1908, khi xây xong chiếc cầu hỏa xa nằm vắt qua cái cồn này, chính quyền đương thời đã đặt tên là cầu Dã Viên.

Trong hai năm 1955 và 1956, chính quyền tỉnh Thừa Thiên đã cho thi công xây dựng trên cồn một nhà máy nước để cung ứng đủ nước sạch cho thành phố Huế. Nó được đặt tên là nhà máy nước Dã Viên (cái tên này được sử dụng cho đến bây giờ).

Như vậy, trong quá khứ, đã có một truyền thống đặt tên nhất quán cho những công trình được xây dựng tại khu vực này: Vườn ngự Dã Viên, cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, Nhà máy nước Dã Viên.

Huế vừa xây thêm một chiếc cầu hiện đại, có giá trị về nhiều mặt chạy song song với cầu đường sắt Dã Viên để đáp ứng nhu cầu giao thông bằng đường bộ của dân chúng địa phương.

Với những lý lẽ nêu trên, hy vọng chính quyền địa phương đồng ý gọi nó là cầu Dã Viên, vì cái tên Dã Viên gắn liền với lịch sử, địa lý và diện mạo kiến trúc của khu vực này.

Xin đừng đóng đinh sông Hương

Tôi được một số người có trách nhiệm cho biết, khi trưng cầu dân ý, có nhiều ý kiến đề nghị đặt tên cho chiếc cầu mới bắc qua sông Hương và qua cồn Dã Viên là cầu Thuận Hoá, là cầu Sông Hương.

Cá biệt thì có người đề nghị đặt tên là Quan Tượng (do gần đó, về phía bắc, có di tích Đài Quan Tượng; có người đề nghị đặt tên là Quảng Đức (do ở về phía đông bắc có cửa Quảng Đức).

Riêng tôi cũng đã đề xuất là cầu Dã Viên. Rất nhiều người, trong đó có tôi, không đồng ý lấy tên sông Hương, lấy địa danh Thuận Hoá để đặt cho chiếc nầu này vì các lý do sau: Sông Hương đương nhiên đã là một thương hiệu mạnh của Huế.

Vì thế người ta đã lấy tên dòng sông thơm của quê hương để đặt tên cho hai khách sạn: khách sạn Sông Hương khách sạn Hương Giang; cho tờ tạp chí là diễn đàn của Liên hiệp các hội văn học và nghệ thuật: Tạp chí Sông Hương.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng có thương hiệu kẹo mè xửng Sông Hương. Tương tự, địa danh Thuận Hoá cũng đã được đặt tên cho một khách sạn, một nhà xuất bản của Huế. Ngày trước ở Huế còn có trường tư thục Thuận Hoá nổi tiếng.

Vì lý do đó, tôi, và rất nhiều người khác, rất không muốn Huế bị “đóng đinh” bởi các thương hiệu Sông Hương, Thuận Hoá, Phú Xuân. Dẫu đó là những thương hiệu rất hay, rất hấp dẫn, nhưng sử dụng với tần suất quá nhiều dễ bị nhàm chán, dễ khiến người ta nghĩ rằng vốn văn hoá Huế quá nghèo nàn.

Xưa nay có nhiều tiêu chí để đặt tên cầu, cống. Tiêu chí phổ biến nhất vẫn là lấy địa danh. Cầu Trường Tiền khi mới xây dựng được cả Khâm sứ Pháp và triều đình Huế nhất trí đặt tên là cầu Thành Thái. Nhưng dân gian vẫn gọi là cầu Trường Tiền, vì ở bên cạnh xưởng đúc tiền, và nó đã thay thế bến đò Trường Tiền.

Chiếc cầu ở phía hạ lưu sông Hương được đặt tên là cầu Chợ Dinh, do nó ở cạnh chợ Dinh và thay thế đò ngang chợ Dinh. Phía thượng nguồn có cầu Tuần, vì nó ở bên cạnh chợ Tuần, và thay thế phà Tuần. Vậy chiếc cầu bắc qua cồn Dã Viên lấy tên Dã Viên cũng là hợp lý.

Nếu còn chần chừ, do dự thì vẫn còn có một địa danh khác, nếu dùng để đặt tên cầu cũng rất hợp lý, và không “đụng hàng”. Đó là bến đò Trường Súng ngày xưa, ở bên cạnh cầu đường sắt Dã Viên ngày nay. Từ bến đò Trường Súng thành cầu Trường Súng, giống như cầu Trường Tiền, cầu Chợ Dinh, cầu Tuần vậy thôi.

Đặt tên cho một chiếc cầu để làm sống lại một địa danh, một địa chỉ văn hoá của vùng đất là ý tưởng hay, và đã trở thành thông lệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG