Trao danh hiệu NSND, NSƯT:

Trách nhiệm nặng thêm sau vinh danh

TP - Xúc động, tự hào, hồi hộp là những cảm xúc chung của hàng trăm nghệ sĩ có mặt tại lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10, sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với nhiều nghệ sĩ, danh hiệu không phải đích đến cuối cùng. Đó là động lực nâng bước họ trên những chặng đường nghệ thuật mới, với nhiều cống hiến mới.

“Vốn quý của đất nước”

Sáng 6/3, hơn 300 nghệ sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc hòa chung cảm xúc vinh dự và tự hào khi nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các nghệ sĩ.

Trách nhiệm nặng thêm sau vinh danh ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các nghệ sĩ, đại diện gia đình cố nghệ sĩ trong ngày nhận danh hiệu Ảnh: TRẦN HUẤN

Sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước chính là nguồn cảm hứng bất tận và động lực lớn lao cho đội ngũ nghệ sĩ. Các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp.

“Danh hiệu NSND, NSƯT là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có trí tuệ và phẩm giá, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng…Các NSND, NSƯT thực sự là vốn quý của đất nước, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Trách nhiệm nặng thêm sau vinh danh ảnh 2

Vợ chồng nghệ sĩ Tấn Minh - Thu Huyền cùng nhận danh hiệu NSND

Ảnh: LẠI TẤN

Bối cảnh mới, thời cơ mới đan xen nhiều khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao cho các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, bồi đắp phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới.

Sự chuẩn hóa cho nghề nghiệp

NSND Lê Chức coi danh hiệu như một sự tiêu chuẩn hóa trong nghề nghiệp. Danh hiệu NSND đến với ông sau 26 năm kể từ ngày trở thành NSƯT. “Danh hiệu NSND giúp tôi chuẩn hóa, kiểm nghiệm chính mình trong nghệ thuật. Đó là sự kiểm nghiệm ở mức độ cao. Sự tôn vinh này cho tôi chuẩn mực trong nghề, để đi tiếp với trách nhiệm và những kiến thức của một nghệ sĩ”, NSND Lê Chức bày tỏ.

Tại lễ trao danh hiệu, Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề, kịp thời tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với cống hiến, lao động của nghệ sĩ, đồng thời rà soát kỹ lưỡng để xét tặng danh hiệu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trực tiếp trao tặng danh hiệu NSND cho hơn 100 nghệ sĩ, gia đình cố nghệ sĩ. Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 10, danh hiệu NSND được trao cho các nghệ sĩ nổi bật, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật như Đức Trung, Trần Đức, Thanh Tú, Lê Chức, Thanh Điền, Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Thanh Lam, Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi…

Danh hiệu không là đích đến cuối cùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 được Chủ tịch nước, Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong quá trình tổ chức họp Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ VHTTDL không nhận được đơn thư, khiếu nại nào về quy trình, thủ tục xét tặng, chỉ có một số đơn thư kiến nghị liên quan đến hồ sơ.

Lần xét tặng này có nhiều điểm mới, Nghị định số 40/2021/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ cao tuổi. “Quy định tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu, cách tính quy đổi giải thưởng cụ thể hơn. Việc bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng xem xét, quyết định…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Trách nhiệm nặng thêm sau vinh danh ảnh 3

NSND Thanh Tú (ngoài cùng bên phải) bên đồng nghiệp thân thiết - NSƯT Lê Mai (giữa), NSƯT Kim Xuyến Ảnh: GIA LINH

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT được tổ chức trang trọng, giàu cảm xúc. Triển lãm chân dung các nghệ sĩ được trưng bày tại sảnh chính Nhà hát Lớn góp thêm không khí trang trọng, ý nghĩa cho buổi lễ. Trong dịp xét tặng này 125 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu NSND, 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT. Nghệ sĩ cải lương Hùng Minh là NSND cao tuổi nhất. Ông nhận danh hiệu NSND ở tuổi 94. Diễn viên Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội) và diễn viên Hồ Ngọc Trinh (Nhà hát Cải lương Long An) là những gương mặt trẻ nhất nhận danh hiệu NSND. Cả hai sinh năm 1984.

Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Các Phó Chủ tịch gồm: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư Phạm Huy Giang. Từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, cách đây tròn 40 năm, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 2.621 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT.

Danh hiệu như lời động viên dành cho nghệ sĩ ở các thế hệ. NSND Hương Dung khẳng định, chị trân trọng mọi danh hiệu bởi không phải ai cũng có cơ duyên, may mắn được vinh danh. “Giây phút nhận danh hiệu NSND đã 68 tuổi, tôi vẫn run và hồi hộp, tương tự cảm giác ngày đầu tiên cắp sách đến trường, hay khoảnh khắc chuẩn bị bước ra sân khấu”, NSND Hương Dung bày tỏ. Nữ nghệ sĩ thuộc biên chế Nhà hát Công an Nhân dân không quan trọng chuyện danh hiệu đến sớm hay muộn. Với chị, đây là động lực để nghệ sĩ thăng hoa hơn, hoàn thiện hơn trên con đường nghệ thuật.

NSND Xuân Bắc nhấn mạnh, danh hiệu cần thiết nhưng không phải đích đến cuối cùng của các nghệ sĩ chân chính. Với Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, danh hiệu là động lực, sự khích lệ, niềm tin vì sự phấn đấu được ghi nhận. “Điều quan trọng nhất với các nghệ sĩ là tác phẩm nghệ thuật, chất lượng nghệ thuật và thái độ sống. Khi đạt được danh hiệu, chúng ta hạnh phúc, tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm. Với riêng tôi, đây là cột mốc bắt đầu một hành trình mới, thúc giục tôi phấn đấu sao cho xứng đáng những gì mình được trao tặng”, nghệ sĩ Xuân Bắc khẳng định.