Trà Vinh: Hình sự hóa một quan hệ dân sự

Trà Vinh: Hình sự hóa một quan hệ dân sự
TP - Anh Lý Quốc Nghiệp sinh năm 1981, ở xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh), bị TAND Thị xã Trà Vinh xử sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù giam nhưng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng.

Anh Lý Quốc Nghiệp là chủ Cửa hàng điện máy Quốc Nghiệp ở phường 6 (TX Trà Vinh). Năm 2004, anh Nghiệp nhận hàng điện tử của Cửa hàng điện máy Thủy, ở phường 3 cùng thị xã để bán. Thế rồi, ngày 4/6/2007 anh Nghiệp bị bắt tạm giam và ngày 25/4/2008, bị TAND TX Trà Vinh xử sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù giam.

Từ dân sự chuyển sang hình sự

Cửa hàng điện máy Thủy do bà Huỳnh Thị Bích Thủy làm chủ. Việc hợp tác kinh doanh giữa hai cửa hàng bắt đầu vào ngày 28/11/2004, khi bà Thủy cho người chở nhiều ti vi, tủ lạnh, máy giặt, đầu đĩa đến cửa hàng của anh Nghiệp để trưng bày.

Chưa đầy năm sau, ngày 13/8/2005, bà Thủy cho người đến chở hàng tồn về, chấm dứt hợp tác. Sau đó, bà Thủy có đơn yêu cầu giải quyết gửi nhiều cơ quan chức năng cho là anh Nghiệp nợ tiền không trả.

Cuối năm 2005, vụ việc được chuyển sang tòa dân sự. Giữa năm 2006, bà Thủy rút đơn kiện dân sự, đề nghị xử lý hình sự và các cơ quan tố tụng TX Trà Vinh vào cuộc.

Bà Thủy cho rằng: Hợp tác kinh doanh giữa hai bên theo hình thức mua đứt bán đoạn. Số hàng giao cho anh Nghiệp ngày 28/11/2004 là duy nhất và anh Nghiệp mới trả một ít tiền, còn lại không trả.

Anh Nghiệp lại khẳng định: Chỉ nhận bán hàng theo phương thức ký gửi để hưởng hoa hồng. Lô hàng đầu tiên chủ yếu để trưng bày làm mẫu, về sau còn lấy nhiều lần nữa và bán được cái nào đã trả tiền cái đó. Hai bên tranh cãi vì không có hợp đồng.

Diễn biến thực tế và theo các nhân chứng thì lời khai của anh Nghiệp có cơ sở. Đó là, bà Thủy gửi thêm 7 cái kệ để bày hàng và khi chấm dứt hợp tác, bà đã đến kiểm lại số hàng tồn rồi chở về.

Nếu đã mua đứt bán đoạn, còn nợ, bà Thủy đòi tiền chứ không chủ động lấy hàng về như thế. Kế toán của bà Thủy, chị Phan Thị Ngọc Liễm khai với cơ quan điều tra ngày 25/7/2007, là chở chuyến hàng đầu tiên rồi “Nghiệp bán cái nào thì điện máy Thủy xuất hóa đơn cái nấy”. Nghĩa là, không có việc mua đứt một lần.

Cũng chị Liễm khai: Xuất bán hàng cho anh Nghiệp 5 lần, nghĩa là lời khai chỉ xuất bán 1 lần của bà Thủy không đúng. Thế nhưng, kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm chỉ theo lời khai của bà Thủy, cho rằng, anh Nghiệp đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng

Dù có nợ nần thật sự thì giữa hai cửa hàng không hề có cam kết bằng văn bản hay bằng miệng thời gian trả nợ. Nên ở một thời điểm, “bắt tội” một bên “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ cơ sở.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn có nhiều sai sót, vi phạm tố tụng. Đáng chú ý là sai phạm trong việc xác định bị hại của vụ án. Đây là vụ tranh chấp tài sản giữa Cửa hàng điện máy Thủy và Cửa hàng điện máy Quốc Nghiệp, hai cơ sở kinh doanh có pháp nhân. Bị hại, theo bản án sơ thẩm, là “Cửa hàng điện máy Thủy” thì đại diện trước tòa phải là chủ cơ sở, bà Huỳnh Thị Bích Thủy, hoặc người được ủy quyền.

Bản án sơ thẩm viết: “Người bị hại: Lê Văn Tài sinh năm 1961, trú số 108, khóm 2, phường 3, TX Trà Vinh”. Bản án buộc anh Nghiệp trả tiền “bồi thường cho bị hại Lê Văn Tài”.

PV Tiền phong tìm hiểu được biết, Lê Văn Tài người là chồng mới chắp nối của bà Huỳnh Thị Bích Thủy, nhưng tại tòa không có giấy ủy quyền của bà Thủy. Đây là sự vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng. 

MỚI - NÓNG