Bản án sơ thẩm tuyên chưa đúng tội
Theo nội dung bản án phúc thẩm, để nhập thuốc chữa ung thư H-Capita về Việt Nam, đầu năm 2012, Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch VN Pharma đã đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C), mua thuốc. Thông qua Raymundo, người Philippine, Cường đã nhập thuốc về bán cho Hùng. Tại đây, Hùng chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ, tiêu chuẩn thuốc nộp cho Cục Quản lý dược (QLD) Bộ Y tế, Việt Nam, sau đó H-Capital được cấp phép về Việt Nam.
Khi lô thuốc 93 nghìn hộp này về Việt Nam, cơ quan điều tra kiểm tra phát hiện có nhiều hộp thuốc có hai tờ hướng dẫn sử dụng; có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng; thành phần tá dược, màu sắc không đúng với thông tin đã đăng ký trên hồ sơ cấp phép. Bản án phúc thẩm cho rằng xâu chuỗi những nội dung này có cơ sở để xác định thuốc H-Capita được nhập vào Việt Nam không rõ nguồn gốc. “Hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, cần điều tra tội danh này đối với các bị cáo” – bản án phúc thẩm nhận định.
Không chỉ định lại tội danh, bơm án phúc thẩm cũng nêu, ông Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Cty VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc và làm giả một loạt các giấy tờ, đóng dấu Cty Helix Canada – đây là con dấu giả. “Hành vi này của bị cáo Hùng và đồng phạm đã thỏa mãn các dấu hiệu tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” – theo bản án.
Ngoài ra, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm mà TAND TPHCM đã tuyên chưa đúng tội, chưa phản ánh đúng bản chất vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội, dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện. “Việc làm này gây dư luận bất bình”- HĐXX cho hay.
Đặc biệt, phiên xử phúc thẩm, ông Phạm Anh Kiệt, cựu Tổng giám đốc Cty Dược Sapharco khai là đưa con dấu cho ông Nguyễn Minh Hùng thực hiện các hợp đồng. Tuy nhiên, khi đối chất, ông Hùng nói chỉ nhận những tờ giấy A4 có đóng dấu sẵn mà không nhận con dấu từ Kiệt. Trong khi con dấu này mang tên Cty Austin Hong Kong, các bị cáo dùng để ký kết hợp đồng cung cấp thuốc giả cho VN Pharma. Bản án cho rằng: “Cần làm rõ động cơ, mục đích của Phạm Anh Kiệt. Bị cáo Kiệt có biết, bàn bạc, thống nhất và hưởng lợi trong vụ việc liên quan đến lô thuốc H-Capita không?”.
Ông Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc Cty VN Pharma) và Hoàng Trúc Vi (nhân viên VN Pharma) cũng bị điều tra trong vai trò giúp Cty VN Pharma sử dụng con dấu giả và tham gia thuê người làm giả hồ sơ nhập khẩu.
“Hoa hồng” và trách nhiệm của Cục Quản lý Dược
Câu chuyện tưởng như chìm lắng tại phiên tòa sơ thẩm trước đó đã được phiên toà phúc thẩm xới lại, đó là số tiền khủng được Cty VN Pharma chi hoa hồng cho bác sĩ, bệnh viện. Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng Cty VN Pharma) khai muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Còn hồ sơ của cơ quan điều tra thể hiện, Ngô Anh Quốc đã nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sỹ các bệnh viện mà Cty VN Pharma có quan hệ cung cấp thuốc. Tổng cộng gần 7,5 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Ngô Anh Quốc, Nguyễn Trí Nhật, Lê Thị Vũ Phượng đều khai nhận mục đích nâng khống giá thuốc trên các hợp đồng mua thuốc H-Capital 500mg Caplet là để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện VN Pharma nâng khống giá thuốc trong các hợp đồng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, rồi chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó lấy lại để chi “chăm sóc khách hàng”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Minh Hùng nói rằng chi 7,5 tỷ đồng cho công tác bán hàng, phát triển khách hàng, ăn cơm với khách hàng, marketting… Tuy nhiên, HĐXX đã công bố lời khai một trình dược viên rằng, sau khi so sánh mức chi hoa hồng của các hãng đối thủ, trình dược viên đề xuất chi hoa hồng cho bác sĩ và được Ban giám đốc VN Pharma chấp nhận. “Điều này thể hiện bị cáo Nguyễn Minh Hùng không thành khẩn và quanh co” – bản án nhận định, đồng thời nêu thêm việc ông Hùng đã chỉ đạo nhân viên chi 10.000 USD cho ông Nguyễn Quang Huy đại diện Cty Austin Hong Kong để làm những chuyện phi pháp tại Việt Nam.
Từ những phân tích, nhận định trên, bản án phúc thẩm cho rằng số tiền 7,5 tỷ đồng và 10.000 USD là tang vật vụ án; bản án của TAND TPHCM không tuyên tịch thu là một thiếu sót nghiêm trọng trong công tác xét xử. Ngoài ra bản án phúc thẩm đề nghị cần làm rõ khoản tiền 157 tỷ đồng trong các tài khoản của nhân viên VN Pharma đứng tên ở nước ngoài có phải là tiền thu lợi bất chính hay không? “Nếu là tiền phi pháp thì cần tịch thu sung quỹ nhà nước”- bản án nêu.
Bản án phúc thẩm cũng đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của cán bộ công chức Cục QLD. Trả lời thẩm vấn của HĐXX cấp phúc thẩm, ông Đỗ Trung Hưng- Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Y tế nói rằng, việc cấp các giấy phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita là đúng quy trình. “Ông Hưng thừa nhận rằng trước khi cấp phép thì hội đồng thẩm định phải truy xuất nguồn gốc thuốc, việc truy xuất nguồn gốc thuốc là bắt buộc nhưng hội đồng thẩm định đã không làm điều này khi cấp phép là sai phạm nghiêm trọng” – theo bản án. Mặt khác, trong hồ sơ thẩm định thuốc, Cục QLD lại không ghi ngày, tháng, năm trong khi 3 chuyên gia trong hội đồng không ký tên. Ngoài ra, Cục QLD không thể không biết đối tác Hong Kong hết hạn hoạt động ở Việt Nam để cho qua và duyệt hồ sơ thẩm định là sai phạm nghiêm trọng.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường thông qua luật sư nộp cho HĐXX chứng cứ mới thể hiện Cty Helix Canada là công ty có thật và Cường là đại diện ủy quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó, Bộ Ngoại giao đã có công văn trả lời công ty này là không có thật. Để làm rõ tính khách quan thì cần phải làm rõ Cty Helix Canada là công ty nào và đại diện ủy quyền tại Việt Nam là như thế nào, từ đó mới có biện pháp xử lý trách nhiệm của Cục QLD trong việc cấp phép cho Cty Helix Canada hoạt động tại Việt Nam. Đề cập trách nhiệm của Cục QLD, bản án nhận định: “Để dẫn đến các đối tượng nhập lậu thuốc không rõ nguồn gốc, chính là xuất phát từ sự tắc trách của cán bộ, lãnh đạo của Cục Quản lý Dược, chính đơn vị này đã cấp phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc khác…
Bà Ngô Huỳnh Phương Thảo- Nguyên kiểm tra viên tại phòng kiểm sát điều tra VKSND TPHCM cho rằng: “Pháp luật công minh, tôi tin rằng các vụ án đều được điều tra, truy tố, xét xử chính xác như biểu tượng “cái cân công lý”. Phiên xử phúc thẩm tại TAND Cấp cao vừa xong, mọi vấn đề của vụ án đã gần như được làm rõ. Bản án sơ thẩm bị hủy toàn bộ. Mong rằng tất cả các vụ án đều được sự quan tâm thế này, đặc biệt những vụ án khó, chưa rõ ràng, có dấu hiệu oan sai, lọt người, lọt tội…”.