TPHCM chia 5 nhóm để gỡ vướng cho nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua còn thấp do còn nhiều bất cập, vướng mắc. Vì vậy, Sở này đề xuất, phân định 5 nhóm vấn đề vướng mắc để giải quyết.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo về tình hình xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết 98 cũng như chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao, TPHCM đã tập trung giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đối với dự án nhà ở xã hội.

Từ tháng 11/2022 đến nay, TPHCM đã tổ chức 11 cuộc họp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan về nhà ở xã hội, phân định 5 nhóm vấn đề vướng mắc để giải quyết.

Cụ thể, nhóm 1 là tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội. Nhóm 2 giải quyết trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhóm 3 là quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha.

Còn nhóm 4 là thúc đẩy đầu tư công các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhóm 5 sẽ phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng là đơn vị tổng hợp báo cáo các khó khăn vướng mắc đối với các dự án xã hội và phân nhóm, báo cáo đề xuất TPHCM để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

TPHCM chia 5 nhóm để gỡ vướng cho nhà ở xã hội ảnh 1

Một dự án nhà ở xã hội xây cho công nhân thuê đang triển khai ở TP.Thủ Đức, TPHCM.

Các cơ quan liên quan việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được giao nhiệm vụ, thời gian thực hiện cụ thể, kịp thời báo cáo các vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để UBND TPHCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng thì báo cáo đề xuất các bộ ngành Trung ương và Thủ tướng Chính Phủ xin ý kiến giải quyết.

Giai đoạn 2016 – 2025, TPHCM đã xây dựng và đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với quy mô 14.954 căn hộ, đạt 74% kế hoạch; hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 nhà lưu trú công nhân, quy mô 1.499 phòng.

Giai đoạn 2021 - 2025 (tính đến hết quý II/2023), TPHCM có 2 dự án được đưa vào sử dụng với quy mô 623 căn, 7 dự án nhà ở xã hội và lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn, 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Theo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 7.000 căn hộ, nhà ở lưu trú công nhân đạt khoảng 4.500 căn hộ.

Đến quý II/2023, TPHCM hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với 623 căn hộ. 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với 4.996 căn hộ. Có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua còn thấp. Nguyên nhân là việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định được quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư vẫn chậm triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại đã được Bộ Tài chính hướng dẫn nhưng nguồn tiền này chưa được tách thành mục riêng dùng để phát triển nhà ở xã hội khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án.

Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500... các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội… Vì vậy, không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.