Lần đầu được giới thiệu vào cuối năm 2022, mẫu bán tải Toyota Hilux chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCEV) mới đây đã chính thức được hãng xe Nhật đưa vào thử nghiệm thực tế. Theo đó, 10 chiếc xe Hilux FCEV sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt tại Anh để đánh giá mức độ khả thi trước khi ra quyết định sản xuất hàng loạt hay không.
Nhìn chung, phiên bản FCEV có ngoại hình không khác biệt so với các mẫu Hilux chạy động cơ đốt trong truyền thống. Thay đổi cốt lõi và đáng chú ý nhất chỉ là động cơ diesel cũ được thay thế bằng hệ thống truyền động sử dụng năng lượng sạch và hiện đại hơn.
Toyota Hilux FCEV được trang bị hệ thống truyền động lấy từ mẫu Toyota Mirai. Hệ thống này bao gồm ba bình hydro áp suất cao được tích hợp trong khung gầm xe, với tổng dung tích 7,8 lít. Phía dưới nắp capo là một bộ pin nhiên liệu polymer với 330 cell, sản sinh năng lượng và lưu trữ trong pin lithium-ion đặt ở phía sau thùng xe.
Năng lượng này sau đó được truyền tới động cơ điện gắn ở cầu sau cho công suất 180 mã lực và mô-men xoắn 300 Nm. Đáng chú ý, báo cáo của Toyota cho biết Hilux FCEV có thể di chuyển đến 600 km sau mỗi lần nạp nhiên liệu.
Tuy nhiên đây mới chỉ là con số thử nghiệm. Toyota cho biết hãng vẫn đang tích cực nghiên cứu và phát triển nhằm việc mở rộng dung lượng pin cũng như các cấu trúc mới của bình chứa hydro để có thể tương thích với đa dạng các dòng xe.
Công nghệ pin nhiên liệu hydro thế hệ thứ 3 đang được Toyota phát triển và dự kiến sẽ được áp dụng cho các mẫu xe thương mại từ năm 2026 hoặc 2027. Với pin và bình hydro cải tiến, phạm vi di chuyển của xe theo đó được dự báo cũng sẽ tăng lên 20% và giảm hơn một phần ba chi phí sản xuất trong tương lai.
Toyota cho biết, hệ thống truyền động FCEV là một phần trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của hãng, bên cạnh các dòng xe hybrid (HEV), hybrid sạc điện (PHEV), xe thuần điện (BEV) và động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu tổng hợp (e-fuels).
Hãng xe Nhật Bản kỳ vọng châu Âu sẽ trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất cho xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào năm 2030. Dẫu vậy, điều này vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm trạm sạc khi số lượng trạm tiếp hydro hiện còn rất hạn chế do chi phí xây dựng lớn và yêu cầu kỹ thuật cao.