Tổng thống Lukashenko |
Họ cho rằng cuộc bầu cử diễn ra “gian lận”, “không dân chủ”, hơn nữa lại trong hoàn cảnh phe đối lập bị “đàn áp dữ dội”, do đó, họ không chịu thừa nhận kết quả cuộc bầu cử đó. Và họ tìm mọi cách trừng phạt “nhà độc tài duy nhất còn lại ở châu Âu”.
Sau khi Tổng thống Lukashenko nhậm chức (nhiệm kỳ hai), Cộng đồng châu Âu EC lập tức thi hành biện pháp “trừng phạt” đầu tiên.
Họ lập một danh sách “những nhân vật không được hoan nghênh” gồm Tổng thống Lukashenko và khoảng 30 quan chức cao cấp của Belorussia (Thủ tướng, các Bộ trưởng, các chưởng lý, các thành viên ủy ban bầu cử) và cấm những nhân vật này không được đặt chân lên lãnh thổ châu Âu.
Cả Mỹ và Canada cũng thi hành biện pháp tương tự. Chẳng thế mà khi Thủ tướng Belorussia sang thăm Cuba, ông đã phải đi theo một lộ trình dài và phức tạp vì máy bay của ông không được phép quá cảnh và tiếp nhiên liệu tại Mỹ.
Vẫn chưa hết. Các nước EC hiện nay còn đang chuẩn bị thi hành biện pháp “trừng phạt” thứ hai nhằm vào Tổng thống Lukashenko và các nhân vật trong giới thân cận của ông.
Lần này là “đòn kinh tế có trọng điểm”: EC dự định sẽ phong tỏa các tài khoản hiện đang gửi trong các ngân hàng châu Âu của ông Lukashenko và khoảng vài chục chính khách cao cấp khác của Belorussia (các thành viên văn phòng Tổng thống, ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ trưởng Thông tin và Chủ tịch Nghị viện).
Nghị quyết về biện pháp “trừng phạt kinh tế” này lẽ ra đã được các Bộ trưởng Ngoại giao EC thông qua hôm 14 tháng 5 vừa qua nhưng vì gặp một “trục trặc kỹ thuật”: dự thảo nghị quyết không hiểu sao lại chưa kịp dịch sang tất cả các thứ tiếng của các nước thành viên EC.
Tuy nhiên, theo tờ báo Anh “Financial Times” thì việc thông qua nghị quyết nói trên chỉ là vấn đề thời gian bởi vì các nước thuộc EC đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Nhưng EC dường như đã quá vội vàng, quá nôn nóng “trừng phạt” Tổng thống Lukashenko cùng các bạn chiến đấu của ông. Các nước EC xưa nay vẫn giữ quan niệm cho rằng nếu ai đó đã ở đỉnh cao quyền lực thì dứt khoát phải có hàng triệu dollars ăn cắp được rồi bí mật đem gửi tại các ngân hàng London hoặc Thụy Sĩ.
Họ không biết rằng tình hình ở Belorussia lại không như vậy. Các chính khách cao cấp của nước này, kể cả Tổng thống, đều không hề có tài khoản bí mật nào ở nước ngoài.
Chính vì thế mà Văn phòng Tổng thống Belorussia đã đàng hoàng gọi biện pháp “trừng phạt kinh tế có trọng điểm” của EC là “hoàn toàn nhảm nhí”.
Văn phòng Tổng thống cũng không quên nhắc lại lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Lukashenko: Ông đề nghị các ngân hàng phương Tây không những “phong tỏa” mà còn cứ thoải mái “tịch thu” mọi khoản tiền ở nước ngoài của ông. Bởi một lẽ giản dị: ông không hề có bất kỳ tài khoản nào trong các ngân hàng nước ngoài.
Ngọc Thoa (Theo “Sự thật thanh niên”)