Tổng thống Đức xin lỗi vì can thiệp báo chí

Ông Christian Wulff (trái) thời là Thống đốc bang Hạ Saxony và Tổng biên tập Kai Diekmann tại một bữa tiệc của Bild hồi tháng 7-2006 Ảnh: DPA
Ông Christian Wulff (trái) thời là Thống đốc bang Hạ Saxony và Tổng biên tập Kai Diekmann tại một bữa tiệc của Bild hồi tháng 7-2006 Ảnh: DPA
TP - Áp lực đòi Tổng thống Đức Christian Wulff từ chức ngày càng gia tăng từ khi thông tin về khoản vay cá nhân của ông bị rò rỉ, đặc biệt sau việc ông nhắn tin đe dọa Tổng biên tập báo Bild bị lộ, và phải đưa ra lời xin lỗi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn chung với hai đài truyền hình ARD và ZDF hôm 5-1, ông Wulff thừa nhận tin nhắn thoại của ông cho tổng biên tập báo Bild, ông Kai Diekmann, hôm 12-12-2011 để ngăn chặn báo này đưa một bài báo về khoản vay cá nhân của ông là “sai lầm nghiêm trọng mà tôi lấy làm tiếc và muốn xin lỗi”.

Tuy nhiên, Tổng thống Đức nói rằng, ông không cố gắng ngăn chặn việc xuất bản bài báo, mà chỉ muốn tờ báo đợi trước khi xuất bản.

Không trung thực ?

Tranh biếm họa: Emad Hajjaj (Jordan)
Tranh biếm họa: Emad Hajjaj (Jordan).

Bài báo, vẫn được Bild xuất bản hôm 13-12, nói rằng ông Wulff, đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã không trả lời trung thực câu hỏi của nghị viện hồi tháng 2-2010, khi ông Wulff đang là Thống đốc bang Hạ Saxony, rằng ông có mối ràng buộc kinh tế nào với doanh nhân Egon Geerkens hay không. Bài báo nói rằng văn phòng của ông Wulff lúc đó đã tuyên bố rằng ông không có mối liên hệ nào.

Tuy nhiên, theo báo Bild, ông Wulff và vợ Bettina năm 2008 vay 500.000 euro từ vợ của doanh nhân Geerkens, với mức lãi suất 4%, thấp hơn so với lãi suất thị trường lúc đó là 5%, để mua nhà. Bài báo đã khiến báo chí Đức nổi sóng trước lễ Giáng sinh về khoản vay này. Họ thúc giục ông Wulff phải xin lỗi vì đã không thực sự trung thực trong cuộc trả lời trước nghị viện năm 2010.

Vụ bê bối ầm ĩ trở lại những ngày gần đây khi thông tin về cuộc gọi của ông Wulff cho tổng biên tập Diekmann bị rò rỉ. Bild, tờ báo bán chạy nhất nước Đức, cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với Diekmann nhưng không thành công, vì ông này lúc đó đang đi công tác.

Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn thoại cho Tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn đe dọa sẽ có “hậu quả” nếu tờ báo xuất bản bài viết về khoản vay của ông.

Tờ Bild nói rằng, ông Wulff cũng gọi cho Mathias Doepfner, người đứng đầu nhà xuất bản Axel Springer AG (đơn vị in báo cho Bild), để thúc giục ông này gây sức ép lên báo Bild để tờ này loại bỏ bài báo, nhưng ông Doepfner đã từ chối.

Nhiều người cho rằng, vị nguyên thủ quốc gia đã cố tình vi phạm quyền tự do báo chí. Các công tố viên cho biết, họ không thấy bằng chứng phạm tội liên quan khoản vay và sẽ không điều tra.

Nhưng những lời kêu gọi ông Wulff từ bỏ vị trí tổng thống, vị trí mang nặng tính chất biểu tượng cho uy tín và đạo đức, ngày càng nhiều. Ông Wulff đang là mục tiêu của những chỉ trích và châm biếm trên nhiều trang web bằng tiếng Đức.

Nạn nhân của truyền thông?

Khi được hỏi liệu ông có xem xét chuyện từ chức một cách nghiêm túc hay không, ông Wulff nói không. “Trong những tuần này, tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhiều người dân, bạn bè và cả đồng nghiệp. Tôi muốn được thực hiện bổn phận của mình. Tôi đã rất tận tâm trong suốt 5 năm”, ông Wulff nói.

Ông Wulff nói rằng ông cảm thấy mình đã trở thành “nạn nhân của truyền thông”, khi nhiều nhà báo xâm phạm đời tư của ông, thậm chí còn hỏi ai đã trả tiền cho chiếc váy cưới của vợ ông. Bao biện việc vay tiền, ông nói: “Tôi sẽ không muốn trở thành tổng thống của một nước nếu tôi không được phép vay tiền từ một người bạn”.

Áp lực tiếp tục gia tăng những ngày gần đây khi nhật báo Die Welt nói rằng ông Wulff từng cố gắng ngăn chặn báo Welt am Sonntag xuất bản một bài báo vào mùa hè năm trước. Ông Wulff đã triệu tập một trong những tác giả của bài báo đến văn phòng và đe dọa sẽ “có hậu quả không dễ chịu gì” nếu bài báo được xuất bản.

Die Welt không nói rõ nội dung của bài báo, nhưng cho biết nó vẫn được xuất bản. Theo báo Spiegel, bài báo được xuất bản vào cuối tháng 6 viết về gia đình ông Wulff, tuổi thơ gian khó của ông và một người chị cùng cha khác mẹ bị đối xử ghẻ lạnh.

Trước buổi phỏng vấn trên truyền hình, Hội Nhà báo Đức chỉ trích ông Wulff chỉ trả lời phỏng vấn một số đài truyền hình được lựa chọn, thay vì tổ chức họp báo để đối mặt những câu hỏi của báo chí.

Các chính trị gia đối lập phản ứng cuộc phỏng vấn với thái độ coi thường. “Ông Wulff chỉ nói về cảm giác của mình mà không trả lời hàng loạt câu hỏi đang khiến cả nước lo lắng”, chính trị gia của Đảng Xanh Renate Kunast nói.

“Christian Wulff một lần nữa thừa nhận đã mắc sai lầm nghiêm trọng và xin lỗi. Nhưng ông muốn tại vị tổng thống vì ông “thích” thực hiện nhiệm vụ. Điều đó dễ hiểu thôi: Câu hỏi duy nhất là liệu ông có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình hay không?”, chính trị gia phe trung hữu Allgemeine Zeitung nói.

Chấm dứt đôi bên cùng có lợi

Theo báo Spiegel, tờ Bild từng giúp ông Wulff lên được vị trí nguyên thủ quốc gia. Đổi lại, ông Wulff cho phép tờ báo này tiếp cận đời tư của mình, thậm chí ngay cả khi ông bỏ vợ để đi theo người phụ nữ khác.

Vụ bê bối khoản vay cá nhân của ông Wulff trong 3 tuần qua đã kết thúc mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Tổng thống Đức và báo Bild những năm qua.

Tờ Bild đã cực kỳ hữu ích với ông Wulff trong thời gian ông làm Thống đốc bang Hạ Saxony. Vài năm trước, thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo đối mặt tình thế khó khăn trước các cử tri khi ông bỏ vợ, người có với ông một con gái, để đi theo người phụ nữ khác.

Vào thời điểm đó, tờ Bild không chĩa mũi dùi vào Wulff, mà lại chạy rất nhiều bài báo để mô tả chân dung hiện đại, hạnh phúc của ông Wulff cũng như người tình mới của ông.

Trong một thời gian, cả hai bên đều hạnh phúc. Bild có được những câu chuyện hay nhất từ ông Wulff, còn ông Wulff được ca ngợi hết mức trên tờ Bild. Theo báo Spiegel, Bild có xu hướng trung thành và sẵn sàng che chở khi bạn bè của ông Bild gặp trục trặc.

Nhưng mối quan hệ này không kéo dài mãi. Rút cục, Bild có vai trò quan trọng đưa ông Wulff lên đỉnh nhưng cũng là yếu tố kéo ông xuống. Đe dọa tờ báo thực sự là chiến lược dở nhất mà ông Wulff đã chọn, nhiều báo Đức bình luận.

Chỉnh sửa thô bạo

Vụ bê bối liên quan Tổng thống Đức chỉ là một ví dụ của thói quen can thiệp quyền tự do thông tin báo chí ở Đức. Theo Hans Leyendecker, Biên tập viên nhật báo Suddeutsche Zeitung, báo chí Đức đang bị lèo lái khi cho phép người được phỏng vấn thay đổi câu trả lời sau khi cuộc phỏng vấn hoàn thành, đến mức “người đọc chỉ được tiếp xúc sản phẩm của sự hư cấu”.

Ulrike Winkelmann, Biên tập viên mảng chính trị của báo Tageszeitung, còn khẳng định rằng các chính khách luôn cố gắng kiểm soát những bài phỏng vấn trước khi chúng được đăng tải, nhiều khi họ còn dùng các tiểu xảo dơ bẩn.

“Tôi nhớ một ông chủ liên minh đã đổi ngược hoàn toàn câu trả lời của mình. Chúng tôi được thông báo rằng, sẽ có quyền đăng bài vào giữa ngày hôm đó, nhưng chúng tôi đã không được phép cho tới thời hạn chót, và cuối cùng không có cách nào khác là phải đăng một bài phỏng vấn chán ngắt, chẳng liên quan gì tới băng ghi âm”, Winkelmann nói.

Gia Tùng
Theo Spiegel, DW-World, Bild, DPA

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.