Ông Trần Bá Dương giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Cty của mình |
Truong Hai Auto là thương hiệu uy tín trên thương trường mười năm qua. Có nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam hiện nay tại Khu kinh tế mở Chu Lai, mỗi năm Cty xuất xưởng 6.000 xe ô tô tải các loại, chiếm gần 40% thị phần trong nước.
Việc nước ta gia nhập WTO, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ông đón nhận sự kiện này trong tâm trạng thế nào?
Tôi đã sẵn sàng, nhưng cũng hơi lo, việc gia nhập WTO sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nhân nhưng cũng không ít nguy hiểm, muốn tồn tại trong nền kinh tế hội nhập với toàn cầu phải năng động.
Nếu chúng ta không đủ mạnh và không có chính sách hợp lý, thì nền sản xuất sẽ không tồn tại và đất nước chúng ta sẽ biến thành thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Từ năm 2003, tôi đã dự đoán được điều này, sau những chuyến đi làm ăn với nước ngoài.
Tôi đã quyết định, dồn hết công sức xây dựng nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, trên diện tích 38 ha, tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập.
Thưa ông, đó là sự chuẩn bị trong quá khứ, còn tương lai doanh nghiệp của mình, ông mong muốn nó phát triển thế nào trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt?
Chúng tôi đang mở rộng ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô như vận tải biển, kinh doanh địa ốc, mở siêu thị ô tô...
Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập. Năm nay, chúng tôi kỷ niệm 10 năm thành lập, toàn thể Cty cùng nhất trí thực hiện Slogan : “Nâng tầm cao mới, phát triển, hội nhập”.
Mười năm không phải là thời gian quá dài để đưa một Cty từ khi khởi nghiệp đến phát triển nhanh. Ông có thể chia sẻ bí quyết phát triển của Cty Ô tô Trường Hải?
Đúng là 10 năm không phải là quá dài so với đời người, nhưng không phải quá ngắn cho một thương hiệu. Nếu phát triển đúng hướng cộng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thì đó là thời gian quá đủ để thương hiệu có tầm vóc trong thời kỳ đất nước phát triển như thế này.
Trong công cuộc đổi mới để phát triển hiện nay, điều quan trọng không phải là chuyện vốn liếng, bởi hệ thống ngân hàng của nước ta hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp, quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Muốn thu hút tài năng thì phải học tập cách “chiêu hiền đãi sĩ” của người xưa! |
Cty chúng tôi thành lập năm 1997, tiền thân là xưởng sửa chữa nhỏ của tôi, ở KCN Biên Hòa 2.
Sau mấy năm tích luỹ, đến năm 2000, chúng tôi lập xưởng mới, lắp ráp xe tải nhẹ hiệu KIA và loại xe này nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, xe làm không kịp bán, chỉ vài năm sau chúng tôi đủ mạnh để xây dựng nhà máy Chu Lai – Trường Hải.
Mọi việc hoàn toàn minh bạch. Kinh doanh trong nền kinh tế thị trường thì mọi sự gian dối đều dẫn đến thất bại! Mà không chỉ trong kinh doanh, trong cuộc sống bình thường cũng vậy thôi.
Nhiều doanh nhân có điểm xuất phát thuận lợi, ví dụ như cha mẹ họ vốn đã là doanh nhân, đã có cơ nghiệp nay họ chỉ việc phát triển doanh nghiệp đó lên. Nhưng cũng có không ít doanh nhân vươn lên từ hai bàn tay trắng. Xin phép được hỏi, ông thuộc trường hợp nào?
Tôi lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ tôi bươn chải nuôi anh em tôi ăn học. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò.
Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, tôi đưa ra dự án : “Chuyển đổi tay lái nghịch”, dự án của tôi được Bộ GT-VT chấp nhận. Cty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó tôi có điều kiện tích luỹ và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 tôi xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình.
Ông vừa nói rằng mẹ ông là người tần tảo nuôi anh em ông ăn học. Vậy người mẹ có vai trò thế nào trong quá trình từ người vét mỡ bò đến một doanh nhân thành đạt của ông?
Có câu ngạn ngữ: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một phụ nữ”. Đời tôi may mắn có hai người phụ nữ, đó là mẹ tôi và vợ tôi.
Mẹ tôi là một người phụ nữ bình thường, không biết gì về khoa học kỹ thuật, nhưng trái tim và nghị lực của bà rất lớn. Nội lực của bà ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của anh chị em chúng tôi.
Trước đây, gia đình tôi ở Đà Lạt. Cha mẹ từ Huế vào lập nghiệp, từ người làm rau, bán rau trở thành một Cty cung cấp rau. Sau ngày giải phóng, ba tôi bị bệnh qua đời, mẹ dắt díu anh em chúng tôi về Trảng Bom (Đồng Nai) làm rẫy.
Ngày đó vùng đất này nghèo nhất tỉnh Đồng Nai. Sau mỗi buổi học tôi vác cuốc vào rẫy phụ mẹ. Mẹ tôi không chỉ nuôi con ăn học mà còn giúp đỡ nhiều người.
Vợ chồng doanh nhân Trần Bá Dương |
Cách giúp của bà rất lạ! Ai khổ, bà không cho tiền, mà cho heo con để họ nuôi. Bằng việc này, bà giáo dục chúng tôi tính tự lập và ý chí tự cứu mình.
Còn vợ tôi là một phụ nữ thuần chất Á Đông, cô ấy hết lòng vì chồng con, giúp tôi có nghị lực và thời gian cho công việc kinh doanh, tham gia công tác xã hội và sáng tạo trong công việc.
Trong kinh doanh không thể không sáng tạo, ông có thể cho biết cách thức sáng tạo của mình?
Là một kỹ sư cơ khí, tôi luôn giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo KHKT. Khi xưởng sửa chữa mới thành lập, tôi đã nghiên cứu những chi tiết sửa chữa theo phương pháp khoa học như: Máy chạy rà động cơ và các loại đồ gá để gia công sơ mi, pít tông, giúp cho công nhân làm việc nhẹ nhàng hơn.
Sau này ở nhà máy Chu Lai – Trường Hải, tôi cũng nghiên cứu chuyển đổi công năng của xe cho phù hợp với địa hình Việt Nam. Tôi luôn ước mơ ngày nào đó kỹ sư Việt Nam sẽ đưa ngành công nghiệp sản xuất ô tô của chúng ta lên ngang tầm khu vực.
Tài sản là của xã hội
Cũng như nhiều doanh nhân khác, mọi người thấy ông khá tích cực trong việc tham gia công tác xã hội. Nhưng trong việc này, mỗi doanh nhân lại có quan niệm khác nhau, ông suy nghĩ thế nào về công việc này?
Tôi nghĩ, tài sản mà con người tạo ra suy cho cùng thì một ngày nào đó là của xã hội. Công tác xã hội của tôi mà nhà báo nhắc đến thực ra đóng góp cũng chưa thực sự đáng kể.
Ngoài kinh doanh, ông Trần Bá Dương là một người hoạt động xã hội năng nổ. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, trong hai năm qua ông Trần Bá Dương làm từ thiện và tài trợ các chương trình phát triển cộng đồng trên 10 tỷ đồng. |
Nhà tỷ phú người Mỹ, ông Warren Puffet, làm việc cả đời và mang gần hết của cải cho xã hội. Kinh doanh là một nghề, người kinh doanh làm việc vì tâm huyết và niềm đam mê, nên việc làm giàu cho gia đình chỉ là một phần nhỏ trong mục tiêu của doanh nhân.
Có phải nhờ quan niệm “xã hội” ấy, mà nhiều người nói rằng trong công ty của ông có người bị đuổi, rồi xin làm lại tới mấy lần mà vẫn được ông chấp thuận?
Chuyện đó thì có, con người ai cũng có đôi lần phạm sai lầm, điều quan trọng nhất là biết hối cải, ai trở lại với thái độ thành thật, Cty luôn dang rộng vòng tay đón họ.
Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới để phát triển hiện nay, điều quan trọng không phải là chuyện vốn liếng, bởi hệ thống ngân hàng của nước ta hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp, quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Muốn thu hút tài năng thì phải học tập cách “chiêu hiền đãi sĩ” của người xưa! (cười)
Xin cảm ơn ông!
Duy Nhất
thực hiện