> Buýt đường sông giải vây ùn tắc trên bộ
Là sinh viên ngành môi trường và phát triển bền vững (ĐH Công nghiệp TPHCM), hàng ngày đến trường bằng xe buýt, Trưởng nghe không ít lời phàn nàn về việc trùng tuyến, xe chạy chưa hết công suất. "Tìm hiểu, tôi thấy TPHCM có hơn 65% tuyến xe buýt bị trùng, chưa đến 30% xe dùng hết công suất. Tôi đã nghiên cứu và xây dựng mô hình NBN- giải pháp sắp xếp lại lộ trình các tuyến xe buýt theo dạng mạng lưới”, Trưởng nói.
Theo phân tích của Trưởng, với mô hình này, tại mỗi tuyến, xe buýt sẽ chạy liên tục trên các đường nối tiếp nhau và các tuyến đường tương đối cùng phương tạo thành mạng lưới vận tải rải đều khắp thành phố. Mô hình quay đầu xe tại điểm cuối cùng, giới hạn của tuyến còn được gọi là đầu mút tuyến giúp xe buýt dễ lưu chuyển, tốn ít thời gian và có thể chạy liên tục một chiều thành vòng khép kín. Mỗi tuyến, Trưởng thiết kế hai đầu mút tuyến. Dựa vào vận tốc trung bình và độ dài lộ trình có thể tính toán được lượng xe cần thiết cho mỗi tuyến.
Khác với mô hình xe buýt đang chạy, với NBN, xe hoạt động liên tục (từ 5h-21h), chỉ ghé vào trạm dừng hoặc bến xe khi có khách cần lên xuống. Theo tính toán của Trưởng, các tuyến phối hợp, đan chéo nhau tạo thành mạng lưới vận chuyển liên hoàn, giảm trùng lặp tuyến xuống còn 3%, số xe buýt lưu thông giảm từ 3.200 xe còn 500 xe, thời gian giãn cách giữa các chuyến dao động khoảng 15 phút.
Trưởng cho biết, xe buýt theo mô hình NBN luôn hoạt động trong tình trạng tiết kiệm tối ưu, với nhân viên chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm diện tích bến bãi (giảm khoảng 27 lần diện tích dành cho bến bãi so với hiện tại)... Trưởng tin tưởng với giải pháp này sẽ góp phần kích thích người dân đi xe buýt nhiều hơn.
Không thu vé như thông thường, Sáng kiến này xây dựng hệ thống vé vàng và xanh, trong đó người sở hữu vé vàng có quyền đi đủ một chu kỳ lộ trình hoặc được miễn phí đi một tuyến kế tiếp. Vé học sinh, sinh viên, vé thẻ, vé tháng...có giá trị tương tự bằng vé xanh, tức được đi nửa chu kỳ lộ trình.
Khi thực hiện mô hình, Trưởng đã tham khảo ý kiến của nhiều thầy cô trong trường. "Thời gian tới, tôi sẽ đề xuất ý tưởng này tới đơn vị quản lý xe buýt thành phố, hy vọng mô hình sẽ sớm được triển khai", Trưởng nói.
Ý tưởng tối ưu hóa xe buýt TPHCM của Mai Văn Trưởng đã được ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh 2011 đánh giá cao bởi giá trị thực tiễn và giành Giải cống hiến. |