Tôi có niềm tin ông Chấn không phạm tội

Tôi có niềm tin ông Chấn không phạm tội
TP - “Từng tiếp xúc với rất nhiều người đi kiện, nhưng khi gặp bà Nguyễn Thị Chiến với bọc đơn thư kêu oan cho chồng là Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội giết người, tôi đã tin bà, tin ông Chấn không phạm tội”.

> Động viên anh em công an không nhụt chí sau vụ ông Chấn
> Đề nghị giám sát vụ án oan Bắc Giang
> 6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn

LTS: Nhà báo Đỗ Sơn, cựu PV thường trú báo Tiền Phong tại Bắc Giang kể lại kỷ niệm của anh khi viết bài “Có chứng cứ ngoại phạm vẫn bị tù chung thân”, đăng trên Tiền Phong ngày 28/6/2006, kêu oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Ông Nguyễn Thanh Chấn và bài báo Tiền Phong kêu oan cho ông hơn 7 năm trước - một trong những tài liệu mà bà Chiến vợ ông gửi kèm đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng trong suốt hành trình đằng đẵng kêu oan. Ảnh: S.t
Ông Nguyễn Thanh Chấn và bài báo Tiền Phong kêu oan cho ông hơn 7 năm trước - một trong những tài liệu mà bà Chiến vợ ông gửi kèm đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng trong suốt hành trình đằng đẵng kêu oan. Ảnh: S.t.

Một ngày đầu tháng 6/2006, bà Chiến và những người hàng xóm, trong đó có ông Hoạt gõ cửa Văn phòng đại diện báo Tiền Phong. Câu chuyện của bà Chiến thường bị ngắt đoạn vì những lần nấc nghẹn. Mỗi lần bà xúc động, ông Hoạt và những người hàng xóm lại “đỡ lời”, trình bày sự việc với PV. Những lần sau cũng vậy, mỗi khi gặp tôi, bà Chiến đều khóc.

Với linh cảm của một PV điều tra, tôi tin bà Chiến, tin ông Chấn không phải là hung thủ giết người. Nhưng tôi biết, để lật lại vụ án không phải là chuyện đơn giản. Bằng kinh nghiệm và tình cảm của mình, tôi khuyên bà Chiến nên bình tâm lại vì cuộc đấu tranh để giành lại sự trong sạch cho ông Chấn không phải chỉ ngày một ngày hai. Gặp gỡ nhiều người đi kiện, tôi thấy họ phần lớn đều ăn không ngon, ngủ không yên, bỏ bê công việc để theo đuổi vụ việc. “Anh ấy đang ở trong tù, chị là trụ cột gia đình phải nuôi mẹ già, con nhỏ, nếu chị bỏ việc, không ăn không ngủ thì chị sẽ không đủ sức khỏe để đấu tranh cho anh ấy”- tôi nói với bà Chiến.

Ép cung, ép tội

Từ những thông tin, văn bản bà Chiến cung cấp, tôi phác thảo được sự việc: Khoảng 22 giờ ngày 15/8/2003, người ta phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) bị giết hại. Sau khi vụ án xảy ra 42 ngày, Cơ quan CSĐT kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) vì cưỡng dâm không thành đã giết chị Hoan. Bà Chiến tin chồng mình không làm chuyện thất đức ấy. Nhưng, để thuyết phục người khác và cơ quan pháp luật, đâu chỉ nói “Tôi tin chồng mình vô tội” là xong?

 Có người bảo tôi cảm nhận nghề nghiệp tốt, có lòng dũng cảm mới dám viết bài bênh vực một người bị kết tội giết người đang chịu án nhưng tôi không dám nhận những lời khen ngợi ấy. Tôi nghĩ rằng chỉ cần có cảm nhận của người bình thường, biết yêu thương, trọng lẽ phải thì chúng ta sẽ thấy được sự bất hợp lý, thấy được oan khuất và sẽ đấu tranh để giành chân lý.

Nhà báo Đỗ Sơn

Đọc nát toàn bộ hồ sơ bà Chiến cung cấp, tôi đã thấy nhiều điểm mâu thuẫn quan trọng. Ông Chấn khai hôm xảy ra vụ án có đi lấy nước cho vợ vào khoảng 19 giờ. Từ lời khai này, toà cho rằng chậm nhất là 19 giờ 15 ông Chấn đã phải về tới nhà, nhưng theo nhân chứng khai thì 19 giờ 30 ông Chấn vẫn múc nước ở nhà chị Viển, gần nhà chị Hoan. Vậy khoảng thời gian hơn 20 phút (từ 19 giờ 05 đến 19 giờ 25) ông Chấn đi đâu, làm gì, với ai? Toà án cho rằng, ông Chấn không chứng minh được điều này, mà chính thời điểm đó chị Hoan bị giết.

Một trong những chứng cứ quan trọng mà bà Phạm Thị Nhâm (60 tuổi, cùng ở thôn Me) cung cấp đã bị cơ quan tố tụng bỏ qua. Bà Nhâm có giấy xác nhận: “19 giờ 20 tối hôm đó tôi ra quán nhà anh Chấn để mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện và chính anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó có ông Quyền mua mắm cũng biết”. Bảng kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại của nhà anh Chấn cũng thể hiện cuộc gọi đi số 566075 của anh Thực ngày 15/8 gọi từ 19: 19’51 đến 19: 20’31. Vậy nếu thời gian chị Hoan bị giết là từ 19 giờ 05 đến 19 giờ 25 thì thời điểm này bị cáo Chấn đã ở tại quán bán hàng của nhà mình.

Nhà báo Đỗ Sơn
Nhà báo Đỗ Sơn.

Trong bài viết của mình, tôi cũng đã phân tích những biểu hiện bất thường khi tòa cho rằng: “Bị cáo tự thú, tự khai ra hành vi phạm tội của mình”. Trong khi đó, hồ sơ thể hiện, vụ án xảy ra ngày 15/8/2003, sau đó ông Chấn có bị công an gọi đến làm việc và có biên bản các ngày 30/8, 24/9, 25/9 và 27/9. Đến tận ngày 27/9 (sau khi xảy ra vụ án 42 ngày) trong bản tường trình viết tay của mình,ông Chấn vẫn không hề nêu việc liên quan đến vụ án.

Nhưng, đến ngày hôm sau (28/9/2003), ông Chấn đột nhiên có tờ tự thú. Tại toà cũng như trong những lá đơn kêu oan sau này, ông Chấn đều khẳng định mình đã bị dọa nạt, đánh đập buộc phải nhận tội để chờ ngày ra toà kêu oan. Và, thực tế tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm và đến suốt trong thời gian chịu án, ông Chấn vẫn một mực kêu oan.

Dấu chân gần đúng, dấu tay bỏ qua

Bài báo tôi viết cũng nêu rõ sự lỏng lẻo thậm chí cẩu thả của các cơ quan tố tụng khi buộc tội ông Chấn. Mặc dù biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án có rất nhiều dấu vết như: Nhiều dấu vết chân dưới sàn nhà, dấu tay có vết máu trên cửa và dấu vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan, vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu, trên công tắc điện… nhưng những vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo lại không được đánh giá và kết luận một cách minh bạch.

Khi luật sư nêu vấn đề này thì được toà cho biết: “So sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn, về kích thước cơ học của 2 dấu bàn chân bên phải và bên trái “gần đúng” kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường vụ án” (?).Gần đúng nghĩa là chưa đúng. PV cũng đã nêu câu hỏi: Vậy còn dấu vân tay thì sao? Đây sẽ là chứng cứ quan trọng, đáng tin cậy nhất vì sao cơ quan điều tra có thể bỏ qua và kết luận ông Chấn đã giết người? Song, tòa cho rằng: “Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời nại của bị cáo tại phiên toà chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự”.

Khi luận tội như trên, HĐXX đã quên mất Điều 63 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, ai là người phạm tội…”. Vì thế, nghĩa vụ chứng minh không thuộc về bị cáo mà là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Những câu hỏi ở phần cuối bài báo: Ông Chấn có phải là thủ phạm giết chị Hoan hay không, Ai mới là thủ phạm đích thực... nay đã dần sáng tỏ. Nhưng 10 năm ngồi tù oan khuất của ông Nguyễn Thanh Chấn, 10 năm gia đình tủi hổ, họ hàng tai tiếng, có cách bù đắp nào thoả đáng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG