Mã cổ phiếu là BGE, giá chào sàn là 15.600 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, BCG Energy đang có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Là doanh nghiệp năng lượng tái tạo nằm trong top 3 Việt Nam hiện nay, Công ty sở hữu các dự án năng lượng quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên trên cả nước.
BCG Long An 1 và BCG Long An 2
BCG Long An 1 là dự án năng lượng đầu tiên mà BCG Energy xây dựng, có tổng vốn đầu tư 1.088 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2018, đến tháng 6/2019 thì hoàn thành và chính thức hòa lưới điện Quốc gia. Đây là nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An, được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa.
Nhà máy BCG Long An 1 của BCG Energy có công suất 40,6 MW, sản lượng điện là 57 triệu kWh/năm, tương đương đáp ứng mức tiêu thụ điện của 22.000 hộ dân, lượng CO2 nhà máy giúp giảm phát thải ước tính khoảng 16.000 tấn/năm. Nhà máy BCG Long An 1 được hưởng giá FIT 9,35 cent/KWh trong 20 năm.
Sau khi Nhà máy BCG Long An 1 đi vào hoạt động, năm 2019-2020, BCG Energy tiếp tục triển khai và đưa vào khai thác Nhà máy điện mặt trời BCG Long An 2. Nhà máy có công suất 100,5 MW, tổng vốn đầu tư 96,1 triệu USD, được xây dựng tại huyện Thạnh Hóa. Nhà máy được hưởng giá FIT 7,09 cent/KWh trong 20 năm.
Nhà máy điện mặt trời BCG Vĩnh Long
Nhà máy năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long được BCG Energy khởi công xây dựng ngày 06/11/2020. Dự án có tổng công suất 49,3 MW, được xây dựng trên diện tích 49,7 ha và có tổng mức đầu tư 1.156 tỷ đồng.
Sản lượng điện mỗi năm của nhà máy BCG Vĩnh Long đạt khoảng 70 triệu kWh/năm, tương đương lượng điện sử dụng cho 26.000 hộ dân và 19.000 tấn CO2 được giảm thải. Nhờ hoàn thành trước ngày 31/12/2020, Nhà máy BCG Vĩnh Long cũng được hưởng giá FIT là 7,09 cent/KWh trong 20 năm.
Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ
Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được BCG Energy khởi công vào 29/5/2020, Đây là Nhà máy điện mặt trời lớn nhất của BCG Energy với công suất 330 MW và cũng là Nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 323,5 ha tại hai xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ.
Giai đoạn 2018-2020, BCG Energy đã triển khai thần tốc 4 dự án năng lượng tái tạo lớn BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long và BCG Phù Mỹ. Cùng với đó là hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, tổng công suất phát điện của BCG Energy đạt khoảng 600 MW. Đây là nền tảng vững chắc để Công ty xác lập vị thế trên bản đồ năng lượng tái tạo Việt Nam. Năng lực triển khai và vận hành dự án của BCG Energy được các đối tác quốc tế đánh giá cao, Công ty liên tục được các Tập đoàn uy tín như Hanwha, SP Group, Sembcorp, SK Group,… hợp tác đầu tư.
Sản lượng điện của Nhà máy là khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
Ngày 31/12/2020, giai đoạn 1 của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ chính thức hoàn thành và được đấu nối vào lưới điện Quốc gia, 216 MW đầu tiên của giai đoạn 1 được hưởng mức giá FIT là 7,09 cent/kWh, 114 MW còn lại là một trong số các dự án được áp dụng giá điện chuyển tiếp.
Ngoài 4 nhà máy điện mặt trời nêu trên đã đi vào hoạt động, BCG Energy đã xây dựng xong giai đoạn 1, Nhà máy điện mặt trời Krong Pa 2 (21MW) tại Gia Lai và đang trong quá trình đàm phán giá điện chuyển tiếp.
Các dự án điện mặt trời áp mái
Ngoài các cánh đồng năng lượng trời, BCG Energy đã triển khai và đưa vào khai thác thương mại nhiều hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An,… với tổng công suất lên đến 74 MW.
Đa phần hệ thống điện mặt trời áp mái được BCG Energy lắp đặt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà xưởng sản xuất. Có thể kể đến một số doanh nghiệp lớn sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái của BCG Energy như Khu Công nghiệp Linh Trung, Vinamilk, Thế Giới Di Động,…
Mảng điện mặt trời áp mái của BCG Energy còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển bởi các doanh nghiệp sản xuất rất cần sử dụng năng lượng tái tạo để giảm chi phí sản xuất, “xanh hóa” sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. BCG Energy đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ nâng tổng công suất điện mặt trời áp mái đã vận hành lên 150 MW. Giai đoạn 2025- 2028, tổng công suất điện mặt trời áp mái của BCG Energy dự kiến lên đến 500 MW.
Cụm nhà máy điện gió quy mô lớn tại Cà Mau và Trà Vinh
Theo Danh mục các dự án nguồn điện được ưu tiên thực hiện tới năm 2030, BCG Energy hiện có tổng cộng 08 dự án điện gió trên đất liền, gần bờ với tổng công suất lên đến 925 MW nằm tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, các dự án nhà máy điện gió Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau và Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh đang được BCG Energy gấp rút triển khai.
Nổi bật nhất trong các nhà máy điện gió BCG Energy đang triển khi là dự án điện gió Khai Long có công suất 300 MW với tổng đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án điện gió Khai Long sẽ xây dựng 17 trụ điện gió với tổng công suất 100 MW điện gió, mức đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2 và 3, Bamboo Capital sẽ tiếp tục đầu tư thêm 11.700 tỷ đồng cho 200 MW còn lại. Khi cụm 3 nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính đạt sản lượng điện khoảng 760 triệu kWh/năm, giúp giảm phát thải ra môi trường khoảng 500.000 tấn CO2 mỗi năm.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa
Ngày 20/7 mới đây, BCG Energy đã khởi công xây dựng Giai đoạn 1 Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi, TP.HCM. BCG Energy đạt mục tiêu xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa trở thành công trình biểu tượng của TP.HCM, hỗ trợ đắc lực cho thành phố trong việc giải quyết bài toán xử lý rác thải. Đồng thời, BCG Energy cũng mong muốn phát triển Nhà máy trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về đốt rác phát điện của cả nước.
Giai đoạn 1 của Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025, có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai từ năm 2026-2027, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện lên đến 130MW, trở thành nhà máy điện rác lớn nhất thế giới. Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW.
Nhà máy đốt rác phát điện của BCG Energy đi vào hoạt động sẽ giúp TP.HCM giải quyết 20-25% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày. Tỷ lệ xử lý rác thải sẽ được nâng lên 60-80% khi nhà máy lần lượt hoàn thiện giai đoạn 2 và 3.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vừa được ban hành hồi tháng 4/2024, BCG Energy có đến 8 dự án điện gió trên đất liền và gần bờ được ưu tiên thực hiện tới năm 2030. Tổng công suất các dự án này lên đến gần 1 GW. Trong đó, các dự án nhà máy điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau đang được BCG Energy gấp rút triển khai và dự kiến đi vào vận hành ngay từ năm sau. Qua đó, giúp BCG Energy tăng thêm khoảng 53% tổng công suất phát điện.
Song song với việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP. HCM, BCG Energy cũng sẽ nghiên cứu triển khai thêm các nhà máy điện rác tại Long An, Kiên Giang và các tỉnh thành khác.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 và Cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được ban hành đã tháo gỡ nhiều nút thắt, ách tắc trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm. Với loạt dự án điện gió và điện rác đang và sắp triển khai trong thời gian tới, BCG Energy sẽ nhanh chóng tăng tốc trên đường đua trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam.