Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
19/10/2021 14:32
Hình ảnh y, bác sĩ chưa bao giờ đẹp đến thế
Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Tài |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Việt Nam vừa trải qua đợt dịch COVID -19 lần thứ 4 vô cùng khốc liệt khiến gần 900.000 nghìn người nhiễm bệnh và hơn 20.000 người tử vong. Cả nước đã huy động toàn ngành y tế, từ lãnh đạo cấp cao của hệ thống y tế trung ương đến chính quyền các địa phương, cả về sức người lẫn sức của để tham gia phòng, chống dịch COVID -19.
Ngoài lực lượng y tế tại chỗ đã có gần 30.000 nghìn người từ các tuyến y tế để tham gia công tác dập dịch, xử lý khủng hoảng; họ là những người chiến đấu quên mình để bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Lực lượng y, bác sĩ đã bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh để cứu người, thậm chí có trường hợp bố mẹ mất ở nhà chỉ có thể lặng lẽ làm bàn thờ tưởng nhớ hay có người làm đám cưới trực tuyến. Chúng tôi cho rằng hình ảnh của các y, bác sĩ trong mắt nhân dân những ngày này chưa bao giờ đẹp đến thế. Thông qua buổi tọa đàm này, chúng tôi mong muốn chúng ta có thể ngồi lại để đánh giá về chặng đường đã qua, trân trọng cảm ơn sự hi sinh và những nỗ lực của các y bác sĩ và các lực lượng tham gia chống dịch, đồng thời cũng rút ra bài học cho tương lai để phòng, chống dịch tốt hơn.
19/10/2021 14:34
Đã từng chống dịch từ những ngày đầu khi COVID-19 xuất hiện tại các địa bàn như tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh. Ông có nhận xét gì về diễn biến dịch tại Bình Dương?
TS. Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế): Dịch diễn biến quá nhanh, số ca mắc tại Bình Dương tăng liên tục, mỗi ngày có từ hàng trăm, rồi tăng nhanh đến hàng nghìn ca mắc, lúc cao điểm lên đến 5.000 ca trong một ngày.
19/10/2021 14:40
Chia sẻ kinh nghiệm của ông khi thực hiện kiềm chế và phòng chống dịch tại Long An.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Nói đến trận chiến với dịch bệnh tại Long An, khi này Long An là 1 trong 3 tỉnh dịnh bệnh diễn ra nặng nề nhất trên toàn quốc. Ngay khi được giao nhiệm vụ chúng tôi đã thành lập tổ công tác ngay trong đêm, họp khẩn cấp để lên kế hoạch 'tác chiến'. Chúng tôi đã đưa 150 chiến sĩ chống dịch đến Long An, thành lập một bệnh viện riêng khi chưa có bất cứ một cơ sở vật chất nào. Bệnh viện dã chiến được thành lập ngay tại nhà khách Long An.
19/10/2021 14:44
Đợt dịch thứ tư mức độ lây lan nhanh
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường |
Xin ông đánh giá về đợt dịch thứ 4 này so với 3 đợt dịch đã qua? Theo ông, kinh nghiệm chống dịch từ những đợt dịch trước có hỗ trợ nhiều cho lần bùng phát thứ 4 này không?
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường trả lời: Đợt dịch thứ tư mức độ lây lan nhanh ra rất nhiều tỉnh, thành, số người nhiễm tăng nhanh kỷ lục từng ngày với gần 90.000 ca nhiễm và trên 21.000 người tử vong, gây ảnh hưởng năng nề đến đời sống, tâm lý người dân và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trong thời gian dài.
Trong khi đó đợt dịch thứ ba chủ yếu tập trung ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng lòng của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các tỉnh có dịch, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân dẫn đến kết quả là dịch COVID-19 nhanh chóng được dập tắt.
Kinh nghiệm chống dịch của ở Miền Bắc chúng tôi đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, dịch cũng lây lan ra cộng đồng và doanh nghiệp nhưng với sự quyết tâm cao và đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, đặc biệt sự đồng lòng của người dân, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã phường, thôn, xóm và huy động được tất cả các đoàn thể tham gia.
Đặc biệt, các tỉnh này tận dụng triệt để, hiệu quả sự hỗ trợ chuyên môn của Bộ Y tế với các chuyên gia đã có kinh nghiệm chống dịch từ Vĩnh Phúc và Hải Dương. Lãnh đạo các tỉnh này đã xác định chống dịch như chống giặc, mỗi thôn xóm, tổ dân cư là một pháo đài chống dịch, tổ COVID cộng đồng hoạt động thực sự hiệu quả dẫn đến kiểm soát rất tốt dịch COVID-19. Điều buồn nhất là chúng tôi đã có được kinh nghiệm chống dịch COVID-19 từ miền Bắc, nhưng không thể thuyết phục các tỉnh phía Nam triển khai, áp dụng kinh nghiệm này một cách hiệu quả.
19/10/2021 14:49
Tôi rất vui khi dịch bệnh đã giảm
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
Cảm ơn ông và các đồng nghiệp đã vất vả trong những tháng qua để chi viện cho các tỉnh có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh và đặc biệt là Long An. Xin hỏi bác sĩ, cảm xúc của ông khi trở về sau nhiều tháng chi viện miền Nam?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Có nhiều niềm vui đã đến với tôi khi trở về sau nhiều tháng chi viện miền Nam. Tôi rất vui mừng khi dịch bệnh đã giảm và trong tầm kiểm soát. Tôi cũng đồng cảm với cảm xúc phấn khởi của người dân khi trở về cuộc sống bình thường mới. Vui khi cán bộ chúng tôi sắp được quay trở về với gia đình, với cơ quan, với công việc hàng ngày của mình. Một niềm vui nữa là cảm nhận hạnh phúc khi mình giúp được một phần sức lực nhỏ bé của mình cùng đồng đội, đã hỗ trợ cho chính quyền và người dân tại mảnh đất Miền Nam ruột thịt.
19/10/2021 14:55
Quan tâm đến chính sách xây nhà cho công nhân
Trong đợt dịch COVID -19 lần này có thể thấy dịch ngấm sâu và tác động rất mạnh đến những khu vực có mật độ lao động tập trung cao như ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Y tế: Công nhân ở những khu vực kể trên sinh sống trong các khu nhà trọ có điều kiện rất khó khăn nên điều kiện cách ly kéo theo cũng rất khó khăn. Điển hình là tại Bình Dương, có khu nhà trọ có tới 1.800 người sinh sống nhưng nhà trọ không có thông gió, không có cửa sổ; có nhà xây từ rất lâu nhưng giờ chỉ cải tạo và sử dụng nhà vệ sinh chung nên dễ lây nhiễm chéo.
Do đó qua đợt dịch lần này, chúng tôi đề nghị các cơ quan cần có sự quan tâm, vào cuộc rà soát để có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo các quy chuẩn xây dựng, ít nhất là đảm bảo thông thoáng khí. Bởi không chỉ dịch COVID -19 lần này, mà kể các các loại dịch bệnh khác cũng phải luôn đảm bảo về điều kiện nơi ở đúng quy chuẩn.
19/10/2021 15:07
Từng chi viện cho Bắc Giang khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, theo ông, có những khác biệt gì trong bối cảnh và đặc điểm dịch ở Bắc Giang so với khi dịch bùng phát ở phía Nam, đặc biệt là Long An, nơi điều kiện cơ sở vật chất y tế còn nhiều hạn chế?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Những điểm khác biệt giữa đợt dịch ở Bắc Giang và Long An theo tôi là Bắc Giang khoản cách gần hơn, xung quanh là cách tỉnh chưa mắc dịch nên việc hỗ trợ của các tỉnh, các bệnh viện rất thuận lợi.
Còn Long An trong hoàn cảnh TP. HCM đang rất khó khăn, các tỉnh xung quanh cũng đã có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh, quãng đường đi khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều.
19/10/2021 15:08
Được biết số ca mắc cao, nhưng tỉ lệ tử vong do COVID -19 tại Bình Dương khá thấp. Điều gì khiến Bình Dương giữ được nhiều bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần"?
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Y tế: Đúng là tỷ lệ tử vong tại Bình Dương là khá thấp. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn trên phương diện tổng thể về đối tượng, tuổi người nhiễm...ví dụ như đối tượng công nhân, lao động trẻ… Đối với những người nhiễm tuổi cao, bệnh nền có tỷ lệ tử vong rất cao (chiếm khoảng 80% trong số người bị tử vong). Vấn đề này, chúng ta hãy để các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá cụ thể, từ đó có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn.
19/10/2021 15:12
Là người làm trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, đã đối mặt với rất nhiều các mặt bệnh nguy hiểm, nhưng với đại dịch COVID-19 hoàn toàn mới này quá trình đi thực tế tại các ổ dịch là những khu công nghiệp lớn với hàng nghìn công nhân, điều ông lo ngại nhất là gì? Theo ông các khu công nghiệp của Việt Nam còn những bất cập gì trong bảo vệ sức khỏe công nhân?
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường: Là người làm trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, khi vào chống dịch phải đối mặt với rất nhiều các mặt bệnh nguy hiểm, nhưng với đại dịch COVID-19 hoàn toàn mới này. Khi đi thực tế tại các ổ dịch là những khu công nghiệp lớn, gồm rất nhiều doanh nghiệp môi doanh nghiệp có hàng trăm, hàng nghìn thậm chí cả hàng chục nghìn công nhân, điều chúng tôi lo ngại nhất là ổ dịch trong môi trường làm việc kín, mật độ cao, ăn uống sinh hoạt cùng nhau dẫn đến tốc lây lan nhanh.
Hơn nữa người lao động lại ở rải rác, đặc biệt họ ở các khu trọ tập trung đông người và trọ xen kẽ với công nhân của nhiều công ty khác, gây tình trạng dịch lây lan nhanh chóng với công nhân trong công ty và lây cho các công nhân của các công ty khác rất khó kiểm soát.
Các khu công nghiệp của Việt Nam chưa thực hiện nghiêm luật an toàn vệ sinh lao động cũng như phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống COVID-19 nói riêng. Các nhà máy xí nghiệp phần lớn chưa thực sự chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe công nhân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giám sát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ sức khỏe công nhân. Các tỉnh, thành cần dành quỹ đất các khu công nghiệp, có thể xây ký túc xá hoặc khu nhà thu nhập thấp cho người lao động để họ an tâm sản xuất và dễ dàng trong việc kiểm soát dịch bệnh như COVID-19.
19/10/2021 15:15
Mô hình tháp điều trị "3 tầng" phát huy hiệu quả
Tại Bình Dương áp dụng mô hình tháp 3 tầng điều trị bệnh nhân nặng, ông có thể cho biết ưu điểm của mô hình này cũng như đội ngũ bác sĩ nhân viên y tế tại đây đã nỗ lực thế nào vượt qua những khó khăn trong đợt dịch nặng nề vừa qua?
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Y tế: Việc triển khai mô hình tháp điều trị "3 tầng" tại Bình Dương trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Tầng 1 thu dung người nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm khẳng định hoặc người nhiễm không có triệu chứng, người bệnh mức độ nhẹ. Tầng 2 điều trị các ca bệnh mức độ vừa và nặng. Tầng 3 điều trị các ca bệnh mức độ nặng và nguy kịch. Kinh nghiệm tại Bình Dương cho thấy, nếu bệnh nhân tại tầng 1 được theo dõi chặt chẽ, cung cấp đủ dinh dưỡng và được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng ngay khi có triệu chứng bất thường thì người bệnh sẽ hạn chế tối đa nguy cơ chuyển nặng. Vì vậy, đây là tầng hết sức quan trọng để giảm các ca chuyển nặng và tử vong.
Việc tổ chức điều phối nhân lực và hỗ trợ chuyên môn giữa các tầng là hết sức quan trọng, các bác sĩ chuyên môn giỏi ở tầng 3 thường xuyên họp giao ban hàng ngày với các Bác sĩ ở tầng 2, tầng 2 thì hỗ trợ chuyên môn cho tầng 1. Riêng đối với tầng 3, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ Bình Dương thiết lập một Trung tâm Hồi sức (ICU) tại Bệnh viện Becamex Bình Dương với gần 500 giường do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tiếp điều hành, tổ chức điều trị hết sức hiệu quả. Đội ngũ bác sĩ nhân viên y tế tại các tầng điều trị đều đã cố gắng hết sức để vượt qua những thời điểm khó khăn trong đợt dịch vừa qua. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y bị nhiễm, nhưng sau khi được điều trị ổn định lại tiếp tục tình nguyện ở lại tham gia điều trị, cấp cứu bệnh nhân.
Sự hy sinh của các cán bộ y tế và nhân viên tình nguyện viên là không thể kể xiết. Có những đồng nghiệp, trong thời gian ở Bình Dương không may người thân mất ở nhà, không thể về chịu tang. Tôi rất khâm phục tấm lòng hy sinh của các đồng nghiệp, đã cố gắng hết sức có thể.
19/10/2021 15:20
Khi chi viện cho Long An, thời điểm đó theo PGS điều gì khiến ông băn khoăn, lo lắng nhất? Ông và các đồng nghiệp đã giải tỏa và khắc phục nó thế nào?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Nhận được lệnh chi viện cho Long An ngay sau kỳ họp cuối, và được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao phó nhiệm vụ. Chúng tôi nhận nhiệm vụ trong hoàn cảnh đang giúp Bắc Giang và bệnh viện Gò Vấp TP.HCM. Khi này, cái gì cũng gấp và phải chủ động, bởi vì đây là cơ sở mới hoàn toàn làm trên nền của 1 nhà khách công đoàn. Công việc của chúng tôi phải xây dựng gấp một bệnh viện hồi sức độc lập; trang bị các thiết bị, thuốc, oxy, máy thở, giường bệnh; tập huấn các cán hộ; xây dựn khu xử lý chất thải, khu vệ sinh; chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho bác sĩ và bệnh nhân. Chúng tôi đã đề cao tính gương mẫu, tiên phong trong công việc đối với tập thể.
19/10/2021 15:23
Được biết Bình Dương đã triển khai rất tốt trong việc xây dựng mô hình Trạm y tế lưu động cho người dân tại cộng đồng. Đặc biệt còn nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng mô hình Trạm y tế lưu động dành riêng cho các khu công nghiệp. Ông cho biết những ưu điểm của mô hình này?
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Y tế: Khi các ca bệnh F0 gia tăng liên tục, với số lượng lớn thì sẽ quá tải các cơ sở thu dung điều trị tập trung, nên việc tổ chức triển khai chăm sóc, điều trị F0 tại nhà là cần thiết. Việc thành lập các Trạm Y tế lưu động tại Bình Dương đã được triển khai sớm, ngay lập tức tại 15 phường đỏ đậm đặc bị phong tỏa chặt tại Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng, đây là mô hình phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn vừa qua ở Bình Dương và tiếp tục được Bình Dương duy trì và phát triển trong tình hình mới.
Với nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong. Các trạm này còn thực hiện test nhanh để sớm phát hiện F0.
Ngoài ra, tham gia tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Đồng thời trong quá trình tiếp cận với người dân, sẽ thực hiện việc truyền thông hướng dẫn cho họ cách phòng tránh. Thực hiện việc khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác, bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời gian khu vực bị phong tỏa.
Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn ở Bình Dương có rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với khoảng 1/2 dân số là công nhân. Do vậy, đặt ra vấn đề, để chuẩn bị cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi làm, thì cần thiết phải có sự hỗ trợ, theo dõi sát các diễn biến tình hình trong các khu công nghiệp, chăm sóc và theo dõi sức khỏe công nhân…
Với sự tham mưu của Tổ công tác Bộ Y tế tại Bình Dương, việc thiết lập trạm y tế lưu động tại cụm doanh nghiệp là rất cần thiết. Trạm y tế lưu động tại doanh nghiệp có nhiệm vụ, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai công tác phòng chống dịch; Hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá và khắc phục các nguy cơ về dịch theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo quốc gia và chuẩn bị các phương án khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp cũng được liên thông kết nối chặt chẽ với Trạm y tế lưu động tại cộng đồng để chia sẻ thông tin, phối hợp quản lý, giám sát công nhân từ nhà máy đến nơi ở trọ...
Tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp định kỳ tổ chức lấy mẫu test nhanh những nhóm công nhân có nguy cơ tiếp xúc nhiều trong doanh nghiệp để kịp thời rà soát. Trạm Y tế lưu động còn có có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp; triển khai các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh COVID-19; hỗ trợ triển khai tiêm chủng vaccine; tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mãn tính cho người lao động, công nhân. Khám sức khỏe định kỳ công nhân, người lao động. Trạm Y tế lưu động cho khu công nghiệp cũng được trang bị đầy đủ bình oxy y tế, máy đo SpO2, test nhanh kháng nguyên, xe cấp cứu...sẵn sàng cấp cứu ban đầu cho công nhân. Cho tới nay, đã có 26 trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp/cụm công nghiệp ở Bình Dương được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.
19/10/2021 15:24
Được biết, Long An có hạ tầng y tế chưa theo kịp với tốc độ bùng phát của dịch, Bệnh viện Thái Nguyên đã phải hỗ trợ gần như từ đầu để có được Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng, với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Thái Nguyên ông đã có những tính toán gì vào thời điểm đó để nhận nhiệm vụ đặc biệt mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao phó?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Khi đó trong đầu tôi tính toán rằng đây là một nhiệm vụ ‘bất khả thi’. Tuy nhiên rất may các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đoàn đều xung phong vào trận chiến đẩy lùi dịch bệnh. Khi đó tôi thấy tất cả các cán bộ đồng lòng, khí thế, nên tôi vững tin rằng chiến thắng đại dịch là tất yếu.
19/10/2021 15:25
Bình Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới cùng với nhiều tỉnh thành khác. Ông có khuyến cáo gì cho tỉnh để giữ được thành quả chống dịch?
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Y tế: Bình Dương cần nghiên cứu và triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Đặc biệt việc thực hiện đánh giá, phân vùng nguy cơ để xác định cấp độ dịch, từ đó quyết định các biện pháp phù hợp là rất quan trọng. Các vùng cần được đánh giá theo phạm vi cấp xã hoặc nhỏ hơn nữa, để trong trường hợp cần thiết thì triển khai áp dụng các biện pháp ở diện nhỏ nhất có thể, không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân ở khu vực xung quanh.
19/10/2021 15:31
Trong quá trình chi viện tại Long An, các nhân viên y tế có ai gặp phải những sang chấn tâm lý không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Trong quá trình chi viện tại Long An, 100% nhân viên y tế đều gặp phải những sang chấn tâm lý, ngay cả tôi cũng bị và chúng tôi động viên nhau để cùng cố gắng, cố gắng vì người bệnh, cố gắng vì nhiệm vụ của người thầy thuốc, cố gắng để sớm khống chế được dịch, đưa cuộc sống của mọi người dân, trong đó có chính chúng tôi trở lại bình thường.
19/10/2021 15:34
Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm chậm việc lây lan SARS-CoV-2 tại nơi làm việc cũng như cộng đồng. Ông và đồng nghiệp đã làm gì để nhận định đó trở nên bền vững?
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường: Chúng ta đều biết chống dịch như chống giặc, để chống dịch hiệu quả mỗi doanh nghiệp phải là một “pháo đài” chống dịch, nếu doanh nghiệp không tích cực tham gia chống dịch, việc kiểm soát sự lây lan SARS-CoV-2 tại nơi làm việc cũng như cộng đồng trở lên rất khó khăn.
Tôi và đồng nghiệp đã có thực tế khi trao đổi, làm việc với nhiều ban quản lý khu công nghiệp, trong đó có Ban quản lý Khu Công nghệ cao tại TP. Thủ Đức về công tác chống dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp và đã thuyết phục các doanh nghiệp thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ một khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp có nhiều ca F0, có một số nhà máy phải đóng cửa ngay giai đoạn đầu, nhưng với sự quyết tâm của Ban QLKCNC cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp nên dịch từng bước được kiểm soát, những doanh nghiệp đóng cửa đã hoạt động trở lại, các doanh nghiệp khác duy trì sản xuất.
19/10/2021 15:35
Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong tặng hoa các vị khách mời tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Tài |
Đại dịch chưa biết lúc nào kết thúc, đợt bùng phát mới có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào. Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh, đình trệ sản xuất?
Rút quân khỏi miền Nam, ông còn điều gì lo lắng, trăn trở trong công tác phòng chống dịch, nhất là trong các khu công nghiệp?
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường: Các doanh nghiệp cần phải chủ động thực hiện các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Khi thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, sẽ không có người nhiễm, không lây cho cộng đồng và doanh nghiệp khác khi đó mới không bị đình trệ sản xuất.
Rút quân khỏi miền Nam, điều tôi lo lắng nhất là dịch lây lan quá rộng, nhưng công tác chống dịch ở một số nơi vẫn chưa thực sự quyết liệt, nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ nhưng họ vẫn lén lút đưa công nhân chui vào làm việc bằng đủ cách như thuê xe cứu thương, xe chở hàng, xe container hoặc xe máy…
Nhiều người trong số này bị nhiễm và lây cho công nhân sống trong nhà máy, đây là lý do rất nhiều doanh nghiệp chỉ thời gian ngắn thực hiện 3 tại chỗ cũng phải đóng cửa. Chúng tôi đi thực tế đã biết trước, đã góp ý với CDC, ban quản lý một số khu công nghiệp và nhắc trực tiếp nhiều doanh nghiệp.
Sau 5 tháng nỗ lực hết sức để chiến đấu với đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, đến nay về cơ bản dịch COVID-19 đã được khống chế và kiểm soát.
Hiện Việt Nam đã ghi nhận hơn 870.000 ca nhiễm COVID-19 với hơn 21.000 ca tử vong. 5 tháng với nhiều đau thương, mất mát của người dân khi không may mắc bệnh và cả những hi sinh không thể đong đếm được của các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Họ là các y bác sĩ, những chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân, những người tình nguyện vì cộng đồng...
Những cống hiến hết mình đó đã được đền đáp bằng thành quả hôm nay, khi số ca mắc mới COVID-19 giảm dần, số ca tử vong đã xuống ngày một thấp. Chính phủ đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ “Zero COVID” sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" là bước đi quan trọng để cả nước bắt đầu trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục kinh tế và ổn định đời sống người dân.
Để giúp bạn đọc hiểu hơn về những nỗ lực, hi sinh của các y bác sĩ trong đại dịch, báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Những chiến sĩ áo trắng trở về từ tâm dịch”.
Ba khách mời tọa đàm:
- TS. Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế)
- PGS.TS Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
- PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường
Cuộc Tọa đàm diễn ra vào 14 giờ ngày 19/10/2021. Mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi về địa chỉ Email: online@baotienphong.com.vn
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Long An trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Giám đốc Trung tâm là PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị COVID-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận, có chức năng tổ chức tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Long An có quy mô ban đầu 150 giường bệnh do đội ngũ 158 cán bộ y tế đến từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đảm nhiệm về mặt chuyên môn. Đây là những người có chuyên môn cao, trong đó nhiều người đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, trung tâm cũng được trang bị nhiều thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị… đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, góp phần giảm thiểu nguy cơ tử vong. Ngoài ra Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên còn có nhiệm vụ giúp đỡ các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Long An nâng cao năng lực điều trị hồi sức.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ông là người đã được Bộ Y tế điều động đi hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương khi dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp. Trong đợt dịch thứ 4 này PGS.TS Nguyễn Văn Sơn tiếp tục có mặt tại điểm nóng là các khu công nghiệp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để góp phần cùng địa phương khống chế, kiểm soát thành công dịch COVID-19.