Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
30/10/2023 09:40
"Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm"
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong |
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ báo Tiền Phong sắp sinh nhật tuổi 70, chúng tôi 70 năm qua miệt mài với nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, sinh viên. Và cùng với đó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, các bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể nói, thời gian vừa qua cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, internet trở thành công cụ, môi trường mà bất kể người dân Việt Nam nào cũng sử dụng. Đặc biệt là các sinh viên luôn luôn cập nhật với công nghệ, trong làm việc, nghiên cứu. Bên cạnh lợi ích thì có nhiều hệ lụy từ môi trường số. Các tình trạng như tung tin giả, lừa đảo của các loại tội phạm liên quan đến môi trường số, công việc, tình yêu hôn nhân.
Ở đâu đó còn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, dân tộc, nhiều đối tượng kích động hành vi phi văn hóa, phi chuẩn mực trên môi trường mạng. Rủi ro của sinh viên là rất lớn nếu không kịp thời tuyên truyền, giáo dục thì một ngày nào đó những hệ lụy có thể xảy.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều hành lang pháp lý, từ chỉ thị, nghị quyết liên quan đến an toàn không gian mạng. Nhiều cơ quan như Trung ương Đoàn, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ GD&ĐT đều có kế hoạch bảo vệ đoàn viên, sinh viên, học sinh trên không gian số. Nhưng hành lang pháp lý đó vẫn chưa đủ cần tiếp tục hoàn thiện. Nhận thức, kỹ năng của các bạn trẻ để ứng phó không phải ai cũng có. Trước thực trạng đó, T.Ư Đoàn đã ban hành kế hoạch cuộc vận động với đoàn viên, thanh niên, ứng xử trên không gian mạng giai đoạn 2023 – 2030 với 4 nguyên tắc nòng cốt "Tuân thủ - Lành mạnh - An toàn - Trách nhiệm", thông qua việc cam kết, các đoàn viên, thanh niên sẽ là những người tiên phong trong lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực, hướng tới một không gian mạng văn minh hơn.
Và hôm nay, báo Tiền Phong với sự định hướng của Ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn, Hội sinh viên Việt Nam đã phối hợp cùng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm có chủ đề “An toàn không gian mạng cho sinh viên”.
Buổi tọa đàm mong muốn nhận được ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, khách mời để hướng tới một môi trường số an toàn cho người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.
30/10/2023 09:43
Xây dựng không gian mạng an toàn cho giới trẻ. Clip: Trọng Quân |
30/10/2023 09:47
Cảnh báo nguy cơ khi tham gia mạng xã hội
Anh Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn |
Anh Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn khẳng định, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được triển khai sâu rộng đang ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Trong đó, sinh viên là lực lượng tiên phong, tinh túy nhất.
Hiện có 77,93 triệu người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 32,4 tuổi. Vì vậy, có thể thấy, bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội là giới trẻ.
“Tham gia mạng xã hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu không có cách tham gia phù hợp, chúng ta sẽ bị tụt hậu và gặp phải nhiều nguy cơ. Khi tham gia không gian mạng, giới trẻ có thể gặp phải những nguy cơ như: bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối trên không gian mạng và các tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game,… hoặc tiếp xúc với tin giả”, anh Nguyễn Nhất Linh chia sẻ.
30/10/2023 10:12
13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Từ những cảnh báo trên, xin bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể thông tin cụ thể hơn những hình thức lừa đảo trực tuyến nào tập trung tấn công sinh viên?
Bà Đinh Như Hoa: Tôi xin được chia sẻ một số hình thức lừa đảo trực tuyến tấn công người dân nói chung và sinh viên nói riêng.
Như trong clip (chúng ta vừa xem) mà Báo Tiền Phong thực hiện đã thể hiện rõ có nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến và các con số được thống kê khá đầy đủ.
Bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Lừa đảo không chừa một ai, với tất cả người dân sử dụng Internet nhưng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng được “focus”.
Trong cẩm nang lừa đảo trực tuyến, Bộ TTTT có đưa lên thông tin đại chúng thì có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trong 13 hình thức đó thì đầu tiên có thể kể đến là lừa đảo combo du lịch giá rẻ, lừa đảo cuộc gọi, có cuộc gọi xưng hẳn là của Bộ TTTT. Nội dung như: quý vị có thể khóa trong 2h tiếp theo. Có nhiều giả mạo nở rộ quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,...hoặc thậm chí có hiện tượng giả mạo từ các ngân hàng qua các tin có uy tín như ACD, có thông báo tài khoản của bạn có đang giao dịch ở nước ngoài. Và để phòng tránh các rủi ro mời click vào đường link này. Và khi cá nhân nhập vào thì bị ăn cắp thông tin cá nhân chứ không hẳn cả tiền.
Với những phản ánh mà chúng tôi nhận được, có rất nhiều cuộc gọi đến trao đổi là mời tham gia click vào các trang mạng mua sắm như shopee hay lazada. Và khi thực hiện các hành động mua hàng thật như thế thì sẽ được trả lại các khoản phí và các đối tượng sẽ trả phí rất đúng vào lần đầu. Nhưng sau khi người dân, rồi sinh viên tưởng họ trả đàng hoàng thì sẽ bị yêu cầu thực hiện giao dịch to hơn từ mấy chục và mấy trăm triệu đồng. Sau đó người dân và các bạn sinh viên bị thoát khỏi nhóm và mất toàn bộ số tiền.
24 hình thức lừa đảo với công dân mạng và 13 hình thức lừa đảo các sinh viên đã được chuyển thành cẩm nang phòng chống lừa đảo trực tuyến hay các infographic được các báo và trang mạng cập nhật trên mạng xã hội để mọi người được biết.
30/10/2023 10:16
Đại học Anh Quốc có nhiều khoá học về không gian mạng
TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) |
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đã có những giải pháp, cách làm để giúp đỡ sinh viên không rơi vào rủi ro?
TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV): Ở BUV có nhiều khoá học về không gian mạng, dạy cho sinh viên không gian mạng vận hành như thế nào để sinh viên tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ tiềm ẩn.
Nhà trường giới thiệu cho sinh viên những khóa học về cách để bảo vệ tài khoản, trang web của doanh nghiệp khỏi bị tấn công trên không gian mạng.
BUV cũng dạy cho sinh viên nhận thức rõ các rủi ro, từ đó đưa bản thân và gia đình vào vùng an toàn, sử dụng hiệu quả lợi ích từ không gian mạng.
30/10/2023 10:22
Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến ứng xử trên an ninh mạng
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Xin hỏi ngoài những cảnh báo liên quan đến lừa đảo, sinh viên còn gặp những tác động tiêu cực nào khi tham gia mạng internet?
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT |
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: Trước khi có chương trình do TƯ Đoàn phát động thì Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành các quyết định về phát động giáo dục, tăng cường lý tưởng cách mạng, trong đó cũng có nội dung về ứng xử văn minh trên không gian mạng.
Đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành nhiều quyết định về ứng xử văn minh trên không gian mạng
Chúng tôi ghi nhận những đóng góp tích cực của internet đến phát triển nền tảng tri thức nhân loại nhưng bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đến thế hệ trẻ.
Để đánh giá những nguy cơ thì rất khó, nhưng theo tôi bên cạnh giáo dục đào tạo mang lại tri thức cũng cần giúp các thế hệ có cách ứng xử văn minh trên không gian mạng.
Mục tiêu cao cả nhất của giáo dục là đào tạo mang đến tri thức cho nhân loại chứ không phải đem lại kinh tế. Vì thế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Bởi một số thành phần xấu có thể tấn công cả 1 thế hệ thông qua mạng internet, khiến cho tư tưởng và hành động xấu có thể diễn ra.
Theo tôi ứng xử trên an ninh mạng đã được quan tâm nhưng không thể chủ quan bởi nó ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Đối với từng cá nhân, chúng tôi mong muốn lan tỏa văn minh trên không gian mạng đến từng bạn trẻ, vì thế đã lồng ghéo nhiều chương trình về an toàn trên không gian mạng trong chương trình đào tạo tại các trường đại học. Tôi cũng mong muốn rằng từ những người tham gia các chương trình này sẽ chia sẻ, làn tỏa kiến thức đến các bạn khác.
Mong rằng các bạn trẻ nắm vững kiến thức an toàn khi tham gia môi trường mạng để không bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Bộ GD&ĐT cũng rất mong muốn có sự song hành của TƯ Đoàn và các bên liên quan để tiếp tục thực hiện tốt vấn đề này.
Từ các chương trình về an ninh mạng của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tôi mong rằng sẽ có sự liên kết, liên minh các trường với nhau để những cách làm hay, những mô hình hiệu quả sẽ được lan rộng trong sinh viên.
30/10/2023 10:27
Sinh viên hay gặp 3 loại rắc rối
Sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho hay, thực tế sinh viên gặp 3 loại rắc rối, nguy hiểm khi tham gia môi trường số. Đó là cuộc gọi rác; ăn cắp thông tin hoặc tạo tài khoản fake trên mạng xã hội; tin nhắn cá nhân công kích, bình luận ảnh hưởng đến tâm lí của sinh viên.
Trong 3 hình thức này, khó giải quyết nhất đối với sinh viên chính là những tin nhắn công kích cá nhân. Vì Ngọc Minh cho rằng có những tin nhắn riêng tư, bản thân em và các bạn cũng chưa biết sẽ phải mở lòng với cha mẹ thế nào.
Ngoài ra, Ngọc Minh chia sẻ hồi còn học THPT, em và nhóm bạn nữ trong lớp có tài khoản trên nền tảng instagram, em và các bạn gặp trường hợp bình luận trang phục mặc. Ngọc Minh có báo với cô chủ nhiệm nhưng cô không sử dụng nền tảng này nên không biết hướng xử lý như thế nào. Từ đó, Ngọc Minh và các bạn chuyển tài khoản sang trạng thái riêng tư, không dám công khai nữa vì lo sợ bị tấn công cá nhân.
Sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam |
30/10/2023 10:30
Diễn viên Thu Quỳnh: Nếu không làm sai, chúng ta không có gì phải sợ
Diễn viên Thu Quỳnh. Ảnh: Trọng Tài |
Diễn viên Thu Quỳnh cho biết, không thể phủ nhận nhiều lợi ích của mạng xã hội. Khi tham gia không gian ảo, người dùng có thể tiếp nhận lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn. Những video lặp lại hàng ngày trên điện thoại thông minh tạo thói quen tiếp nhận thông tin dễ dàng, một chiều. Người dùng mạng xã hội có thể vô tình biến mình thành người cả tin. Sự cả tin khi đón nhận thông tin khiến mọi người dễ phán xét nhau trên không gian mạng, không chỉ với người nổi tiếng.
“Bất kể ai sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là sinh viên, cũng rất có thể là thủ phạm lan truyền thông tin sai lệch, gây hậu quả khôn lường. Ranh giới giữa nạn nhân, thủ phạm rất mong manh”, Thu Quỳnh nói.
Là người nổi tiếng, có độ phủ sóng nhất định trên mạng xã hội, Thu Quỳnh cũng từng là nạn nhân của tin giả, bạo lực mạng. Nữ diễn viên kể, có những scandal từ trên trời rơi xuống nhưng cô vẫn phải đi xử lý khủng hoảng truyền thông.
Thu Quỳnh chia sẻ, cô vượt qua những điều đó vì có gia đình, bạn bè, người hâm mộ đồng hành. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người trang bị kiến thức và ý thức cá nhân để tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.
Diễn viên Thu Quỳnh dành lời khuyên cho các bạn sinh viên về cách đề phòng, bảo vệ bản thân trước những tin nhắn quấy rối, công kích trên mạng xã hội. “Hãy vững vàng, nếu không làm sai, chúng ta không có gì phải sợ. Hãy cùng chống lại những tiêu cực trên mạng xã hội. Quan trọng là không để tinh thần bị ảnh hưởng”, Thu Quỳnh nói.
Nữ diễn viên cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi bị tấn công, tạo nội dung sai lệch trên mạng xã hội. Cách đây 5 năm, trong khi đưa con đi chơi, Thu Quỳnh nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người quen. Cô tá hỏa khi có video nhạy cảm đề cập tên mình lan truyền trên mạng xã hội.
Trước vụ việc, Thu Quỳnh im lặng trên mạng xã hội và bình tĩnh giải quyết thấu đáo. Cô nhờ cơ quan chức năng giải quyết và phát hiện tài khoản lan truyền video có địa chỉ ở nước ngoài. Cách duy nhất là chặn không cho phát video đó trên nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam.
“Chúng ta được bảo vệ khi tham gia không gian mạng. Thay vì lên mạng để tranh cãi, lời qua tiếng lại khiến câu chuyện đi quá xa, chúng ta hãy nhờ đến cơ quan chức năng để tìm kiếm sự bảo vệ, hỗ trợ kịp thời”, nữ diễn viên nói.
Thu Quỳnh cũng cho rằng các bạn sinh viên nên tìm hiểu kỹ các tính năng của mạng xã hội để có thể “bật chế độ” tự bảo vệ bản thân. Người dùng cũng nên quan tâm những thông tin tích cực, có chọn lọc.
30/10/2023 11:11
Làm gì để bảo vệ giới trẻ trên môi trường mạng?
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Các quy định về an toàn, an ninh mạng trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng và hạn chế lỗ hổng để kẻ xấu có thể lợi dụng tác động tới người trẻ nhằm đạt được mục đích phi pháp, tuyên truyền chống phá nhà nước?
Bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông: Tôi đồng tình với ý kiến của chị Quỳnh đưa ra. Nhưng tôi cho rằng chúng ta có rất nhiều lớp bảo vệ khác nhau trong đó có rất nhiều biện pháp bảo vệ từ chính các thiết bị, nền tảng mảng xã hội hoặc các biện pháp bảo vệ cơ quan chức năng. Nhưng quan trọng nhất chúng ta phải trang bị để có được các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm để nhận thức rủi ro và đưa ra hành động để bảo vệ mình trên mạng.
Thực tế, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Bộ Thông tin và truyền thông cũng ban hành Thông tư 22/2021/TT-BTTTT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Theo đó, để không bị phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác người dân có thể đăng ký vào Danh sách không quảng cáo (Có thể đăng ký Danh sách cuộc gọi không quảng cáo hoặc Danh sách tin nhắn không quảng cáo hoặc cả Danh sách và cuộc gọi không quảng cáo) theo cú pháp DK DNC gửi 5656 . Sau khi đăng ký xong chúng ta sẽ được bảo vệ. Nếu vẫn tiếp tục nhận dc tin nhắn, cuộc gọi rác chúng ta hãy phản ánh tới tổng đài 5656 để cơ quan chức năng tổng hợp thông tin ngăn chặn xử lý các thuê bao vi phạm.
Hoặc mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố tổng đài 156 - Đây là tổng đài tiếp nhận các tin nhắn nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Vậy làm sao để bảo vệ giới trẻ trên môi trường mạng?
Chúng tôi nhận thấy không chỉ người lớn mà trẻ em ở Việt Nam đang sử dụng mạng rất lớn và sớm. Vừa qua, Cục An toàn thông tin đã đúc kết một số nguyên tắc tham gia môi trường mạng an toàn qua 1 video nguyên tắc 4T Tuân thủ - Thận trọng - Thông minh - Tử tế. Video này cũng đã đạt được giải 3 trong khuôn khổ Cuộc thi “Video nâng cao nhận thức an toàn thông tin 2023” (Cybersecurity Awareness Video Competion 2023) do ASEAN – Nhật Bản phối hợp với Cơ quan An toàn thông tin Brunei tổ chức với sự tham gia của 10 nước ASEAN và Nhật Bản
Theo đó, chúng tôi khuyến cáo 4 nguyên tắc tham gia môi trường mạng an toàn là:
Tuân thủ: Tuân thủ quy tắc sử dụng internet của nhà cung cấp dịch vụ và chính gia đình nhà trường đã đặt ra. Tuân thủ pháp luật.
Thông minh: Trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng thông minh như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn...
Thận trọng: Nên cẩn trọng với những người bạn trên mạng bởi có thể có người giả danh để tiếp cận bạn, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, cẩn trọng khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin, … để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.
Tử tế: Cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Dũng cảm, lên tiếng, chia sẻ.
30/10/2023 11:14
Khi chia sẻ thông tin phải suy nghĩ thật kỹ
Tiến sĩ Hamza có được sinh viên nhờ tư vấn khi gặp rắc rối trên không gian mạng? Thầy có lời khuyên như thế nào cho sinh viên.
TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV): Tôi có một số phương pháp giúp đỡ sinh viên chống lại các mối nguy tiềm ẩn trong môi trường không gian mạng. Đầu tiên, khi nhận được những tin nhắn rác, quấy rối, sinh viên cần chụp màn hình những cuộc hội thoại mà họ cảm thấy ảnh hưởng đến mình.
TS Hamza Mutaher |
Tiếp theo là block tài khoản đó, rồi nói với những người mình có thể tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ. Theo ý kiến của tôi, sinh viên, giới trẻ phải hiểu không cần thiết chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, phải biết chọn lọc thông tin nên công khai và không nên.
Tôi khuyến khích sinh viên tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô, gia đình và bạn bè để có thể ổn định tâm lý và có được giải pháp hiệu quả nhất. Đối với trường hợp nghiêm trọng, sinh viên cần báo cáo cho cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết vấn đề kịp thời.
Mỗi cá nhân khi chia sẻ thông tin phải suy nghĩ thật kỹ để xem thông tin đó có dễ hiểu, đáng tin cậy hay không, tránh tình trạng tiếp tay cho việc lan truyền thông tin giả, độc hại.
Ngoài ra, mỗi cá nhân phải kiên định với giá trị thật, tin tưởng vào bản thân và chọn lọc những thông tin tiếp nhận. Một điều cần thiết khác là phải có sự kết hợp trường đại học với nhà nước, các tổ chức khác để giao tiếp, phổ biến đến sinh viên các phương pháp bảo vệ bản thân trước các mối nguy trên mạng xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức của sinh viên.
Chúng tôi cũng kêu gọi phụ huynh quan tâm nhiều hơn đời sống, tâm sinh lý của con cái để phát hiện vấn đề kịp thời, từ đó có những giải pháp tốt nhất hỗ trợ các con.
Tôi cũng có một số lời khuyên về mặt kỹ thuật để sinh viên tự bảo vệ mình như thay đổi mật khẩu thường xuyên, cập nhật các phần mềm trên thiết bị mình sử dụng thường xuyên, đọc kỹ bộ quy tắc trên các trang web trước khi sử dụng…
30/10/2023 11:19
T.Ư Đoàn đẩy mạnh "Ứng xử văn minh trên không gian mạng”
Anh Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn khẳng định luôn có quy trình cụ thể để xử lý vấn đề trên không gian mạng.
Anh Linh cho biết, việc im lặng có thể diễn ra trong giai đoạn đầu tiên khi xảy ra sự cố. Có 3 đối tượng sinh viên cần nghĩ đến ngay khi gặp sự cố, đó là: gia đình, nhà trường (giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn hội trong trường, giảng viên chuyên môn về tâm lý) và xã hội.
“Tất cả những ai chia sẻ, lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng. Điều này góp phần hạn chế sự lan truyền thông tin xấu tới 90-95%. Để có những căn cứ xử lý vụ việc, nạn nhân có trách nhiệm phản hồi, lên tiếng, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời”, anh Nguyễn Nhất Linh nói.
Con người là yếu tố quan trọng nhất trong các giải pháp đề phòng. Vì vậy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn bày tỏ mong muốn các bạn sinh viên chủ động trang bị kỹ năng để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Ngày 14/10, T.Ư Đoàn tổ chức lễ phát động cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh thiếu niên về ý thức, trách nhiệm đối với việc ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội. Trong thời gian tới, đề án Năng lực số tiếp tục được triển khai, gồm 3 định hướng chính về ý thức thái độ, kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ. Đây là tiền đề lan tỏa vùng an toàn, xây dựng những vùng an toàn thành căn cứ điểm để tấn công những tiêu cực trên mạng xã hội.
30/10/2023 11:42
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình hành động và đặt mục tiêu rất cụ thể trong đó mong muốn tác động đến toàn bộ các bậc giáo dục từ cấp 1 đến đại học.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT |
Để thực hiện tốt việc tăng cường an ninh mạng cần phân ra 3 nhóm gồm: nhóm xây dựng chính sách, nhóm xây dựng môi trường và nhóm tăng cường nhận thức cho người sử dụng. Theo đó người sử dụng cần sự trang bị cả về kiến thức và nhận thức.
Bộ GD&ĐT đã ban hành hành lang pháp lý cụ thể và cần sự đồng hành của TƯ đoàn, của các bộ ban ngành, của báo chí,… để phổ biến sâu rộng hơn tới các bạn trẻ.
Theo tôi, ý tưởng của TƯ Đoàn về việc tăng cường giáo viên chuyên môn về tâm lý, giúp giải đáp các thắc mắc của học sinh, sinh viên là một ý tưởng hay, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt quan tâm xem xét và đề xuất.
Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư về năng lực số, sắp được ban hành. Trong đó chương trình học nâng cao năng lực về thông tin truyền thông từ cấp 1 đến đại học sẽ được xây dựng dựa trên các tiêu chí dựa trên tiêu chuẩn quốc tế chung của UNESCO. Chương trình này sẽ được đưa vào các cơ sở giáo dục và có chuẩn đầu ra riêng theo từng bậc học.
Mong rằng thông tư này sẽ sớm ban hành và nền tảng này sẽ lan rộng ra đến các nơi chưa có điều kiện tiếp cận an ninh mạng.
Theo tôi muốn có được nhận thức cần có sự giáo dục, vì thế Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện quyết liệt an ninh mạng trong thời gian tới theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khách mời, diễn giả của chương trình gồm: PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Đoàn; TS Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Đặc biệt là với sự tham gia của diễn viên Thu Quỳnh (nổi tiếng với vai My sói trong bộ phim Quỳnh búp bê).