> Không đưa người bán dâm đi 'phục hồi nhân phẩm'?
Về mức xử phạt vi phạm hành chính, hiện vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng việc tăng mức phạt là cần thiết, nhưng phải cân nhắc tăng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thu nhập bình quân của người dân.
Có ý kiến cho rằng việc xử phạt chỉ áp dụng cho cá nhân hoặc một nhóm người vi phạm, không phải áp dụng cho cộng đồng dân cư, do đó phải nâng mức phạt lên “kịch khung” để đảm báo tính răn đe.
“Đối với một vụ việc, mức phạt 500 triệu đồng chưa thấm thía gì. Tôi đề nghị xây dựng luật trước hết phải có tính răn đe và phải tính đến tuổi thọ của luật. Chúng ta không thể vừa ban hành luật đã lo đi sửa.”- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ủng hộ nâng mức xử phạt lên tối đa của dự Luật XLVPHC.
Đối với các biện pháp xử lý hành chính, đại diện UB Pháp luật của Quốc hội ủng hộ quan điểm “tư pháp hóa”, cần phải cải cách triệt để để phù hợp với xu thế cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế.
Theo đó, dự luật quy định việc đưa một người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục sẽ do tòa án cấp huyện xem xét, ra quyết định, thay vì Chủ tịch UBND huyện như trước đây.
Toàn bộ quá trình xác minh, lập hồ sơ… sẽ vẫn do cơ quan hành chính đảm nhiệm, sau đó hồ sơ này được chuyển sang tòa.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà hành vi của họ có thể bị áp dụng những chế tài nghiêm khắc thì có quyền mời luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp tham gia.
Các chế tài nghiêm khắc gồm: đình chỉ hoạt động, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, hoặc bị phạt tiền với mức phạt tối đa.
Liên quan đến quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, các ý kiến cũng thống nhất dự luật bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Hiện quy định này đang áp dụng trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, được đánh giá là quá nghiêm khắc, hạn chế quyền công dân trong khi người bán dâm không bị coi là tội phạm.
Hướng giải quyết của dự thảo luật là tăng mức phạt cao và buộc người vi phạm lao động công ích.