Tiqui-taca - lập thể trứ danh

Tiqui-taca - lập thể trứ danh
TP - 1. David Villa ngồi nhà xem Euro, Torres không giữ được phong độ cùng vài nguyên nhân khác khiến Tiqui-taca mất đi một phần quan trọng: Mũi nhọn.

> Nhạt màu tiqui-taca

Để đối phó với tình cảnh này, trận mờ màn Euro 2012 của Tây Ban Nha với Ý, Del Bosque trình làng một sơ đồ bóng đá được coi là phản tấn công: 4-6-0 – sơ đồ không có tiền đạo. Sau màn diễn này, NHM xứ bò tót gọi đây là thứ bóng đá nhút nhát, thiếu dũng cảm.

Hai trận tiếp theo, Del Bosque trở lại với lối đá dùng tiền đạo nhưng đến trận tứ kết gặp Pháp, 4-6-0 lại hiện hình và thực sự lợi hại. Chính xác hơn, thì đó là sơ đồ 4-3-3-0 với hai tầng tiền vệ. Nhưng trong một thời điểm nào đó, còn thấy nó là 2-4-4-0 với chỉ Ramos, Pique trấn giữ phần sân nhà.

Nói thế để thấy, Tiqui-taca giờ đây rất ma quái với sự biến ảo khôn lường. Hàng tiền đạo trong sơ đồ chỉ là số 0 song bất cứ cầu thủ nào của Tây Ban Nha cũng có thể trở thành tiền đạo khi cần.

2. Pep Guardiola định nghĩa một cách đơn giản, Tiqui –taca là lối đá chỉ đá bóng ở phần sân đối phương. Tức có nghĩa là chỉ tấn công. Thực ra, cảm giác bị trực quan đánh lừa.

Kể từ vòng 1/8 World Cup 2006 để thua Pháp 1-3 đến hiện tại, Tây Ban Nha đã thắng 36/38 trận trong đó có kỷ lục 8 trận ở các vòng knock-out không thủng lưới và trong số 8 trận này có 5 trận họ thắng chỉ 1-0.

Điều ấy chứng tỏ, lối đá của Tây Ban Nha trông thì có vẻ đẹp mắt song bàn thắng phần lớn rất tối thiểu.

Cái hay của Tiqui-taca là khiến đối phương bị cuốn vào lối chơi tấn công mà không biết phải phòng ngự thế nào và nó là cách để Tiqui-taca tự phòng ngự cho chính mình.

Mourinho từng đưa ra triết lý: “Một bàn thắng và chiến thắng”. Tất nhiên với người yêu bóng đá đẹp thì triết lý này bị đả kích kịch liệt.

Nhưng với Tây Ban Nha, nó không bị thế. Mãnh lực linh hoạt, uyển chuyển trong Tiqui-taca đã làm người ta quên hết cái tối thiểu nó đạt đến ở khâu ghi bàn.

3. Picasso là danh họa người Tây Ban Nha vĩ đại nhất thế kỷ XX đã cùng Georges Braque một họa sĩ người Pháp sáng tạo ra trường phái lập thể ngay trên đất Pháp. Nhưng chỉ có Picasso mới nâng tầm lập thể lên hàng kinh điển.

Ngôn ngữ lập thể hoàn toàn chối bỏ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật cổ điển hàn lâm kinh viện, chối bỏ cả cái nhìn thấu thị.

Picasso đã nhào nặn các hình thể, mảng màu thành những khối và mặt phẳng hình học méo mó, góc cạnh, đầy biểu cảm. Các chuyển động được đan cài vào nhau, ở đó ta thấy sự tổng hòa giữa không gian và hình thể.

Phá bỏ cái nhìn tập trung vào một điểm thay vào đó xuất hiện nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa.

Tiqui-taca cũng có cái gì đó giống như lập thể. Và nó cũng chỉ có người Tây Ban Nha mới chơi nổi!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG